Trong hai ngày 17 và 18/3, tại Bình Phước diễn ra các hoạt động kết nối giao thương và xúc tiến đầu tư giữa TP.HCM và các tỉnh vùng Đông Nam Bộ. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Hội nghị tổng kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế, xã hội giữa TP.HCM với các tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ.
Các doanh nghiệp phân phối của TP.HCM ký kết hợp tác với các doanh nghiệp vùng Đông Nam Bộ để thúc đẩy đưa nông sản của các tỉnh vào siêu thị |
Trong hoạt động kết nối giao thương đã thu hút 350 doanh nghiệp phân phối, sản xuất của các tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam Bộ. Một trong những vấn đề được doanh nghiệp phản ánh nhiều nhất là vấn đề khó khăn khi đưa hàng hóa vào các siêu thị lớn ở TP.HCM.
Ông Nguyễn Hồng Quyết, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Kim Long, tỉnh Bình Dương, phản ánh mỗi năm hợp tác xã sản xuất ra hơn 1.500 tấn dưa lưới và muốn đưa hàng vào siêu thị tại các thành phố lớn. Tuy vậy, doanh nghiệp đã đi chào hàng ròng rã 8 năm trời nhưng vẫn không được tiếp nhận. Thậm chí có siêu thị doanh nghiệp chào hàng đến 6 lần nhưng không nhận được hồi âm.
"Vấn đề này tôi đã từng nói nhiều lần, nông sản chất lượng, có đầy đủ giấy tờ chứng nhận, giá cả cạnh tranh nhưng vẫn không thể vào được siêu thị", ông Quyết nhắc lại.
Thông qua chương trình hợp tác giữa TP.HCM với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, ông mong muốn được kết nối trực tiếp với các hệ thống phân phối chính thức để đưa hàng vào siêu thị nhằm tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân.
Nêu thực trạng của doanh nghiệp nhỏ khi đưa hàng vào siêu thị, bà Nguyễn Thị Thanh Thanh, Giám đốc Công ty Bánh kẹo sữa Long Thành (Đồng Nai), cho biết các doanh nghiệp vừa và nhỏ như hiện nay rất khó cạnh tranh để đưa hàng vào các siêu thị lớn. Bà cho rằng vấn đề không phải là chất lượng mà vì không có đầu mối để kết nối.
Trả lời vấn đề khúc mắc mà doanh nghiệp, hợp tác xã phản ánh, đại diện của một siêu thị tại TP.HCM cho biết, để đưa được một sản phẩm vào hệ thống siêu thị thì doanh nghiệp, hợp tác xã phải đảm bảo các quy định về chất lượng, cũng như số lượng. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp hợp tác xã có sản phẩm tốt, đạt chất lượng, song không đảm bảo được nguồn hàng liên tục.
Hầu hết các nhà phân phối từ TP.HCM cho rằng, để các doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã đưa được hàng vào siêu thị thì cần phải có sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền để kết nối các đơn vị nhỏ, lẻ lập quy mô sản xuất đủ lớn, nguồn hàng phải đảm bảo liên tục thì cánh cửa vào các kênh phân phối của siêu thị sẽ dễ dàng hơn.
Để hỗ trợ doanh nghiệp có thể đưa hàng vào các siêu thị tại TP.HCM, trong khuôn khổ hội nghị 33 doanh nghiệp phân phối của TP.HCM đã ký kết hợp tác với doanh nghiệp các tỉnh vùng Đông Nam Bộ để đưa nông sản chủ lực của mỗi địa phương vào các kênh phân phối.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho rằng, việc ký kết giữa doanh nghiệp phân phối và doanh nghiệp sản xuất của các tỉnh sẽ giúp mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế giữa các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ.
Từ đó, trở thành vùng năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao theo Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.