Doanh nghiệp
Doanh nghiệp xin toàn văn nghiên cứu để góp ý cách tính định mức chi phí tái chế
Thế Hải - 20/05/2023 10:44
14 hiệp hội cho rằng, định mức chi phí tái chế (Fs) trong dự thảo được tính toán dựa vào các nghiên cứu tham vấn có kết quả chênh lệch nhau rất lớn, không có độ tin cậy.
14 hiệp hội doanh nghiệp lên tiếng về dự thảo định mức chi phí tái chế do lo ngại nhiều nội dung chưa phù hợp.

14 hiệp hội doanh nghiệp đã cùng ký và phát hành 1 văn bản góp ý đối với bản Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành định mức chi phí tái chế đối với một đơn vị khối lượng sản phẩm, bao bì và chi phí quản lý hành chính phục vụ quản lý, giám sát, hỗ trợ thực hiện trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu.

Tại văn bản này, các hiệp hội cũng đồng thời đưa ra một số đề xuất để triển khai đóng góp tài chính cho trách nhiệm tái chế trong EPR được hiệu quả, giảm thiểu khó khăn cho doanh nghiệp trong tình hình hiện nay.

Góp ý về định mức chi phí tái chế (Fs), các hiệp hội cho rằng, định mức Fs trong dự thảo được tính toán dựa vào các nghiên cứu tham vấn có kết quả chênh lệch nhau rất lớn, do vậy không có độ tin cậy.  Fs đề xuất trong dự thảo chưa hợp lý và đang cao hơn nhiều so với mức trung bình của các nước khác.

"Ban soạn thảo kiểm tra lại tính hợp lý của các số liệu trong các nghiên cứu, để các Hiệp hội được tiếp xúc với toàn văn 2 nghiên cứu để có góp ý cụ thể", các hiệp hội đề xuất.

Ngoài ra, công thức tính Fs như trong dự thảo hiện nay hoàn toàn bỏ qua yếu tố lợi nhuận của doanh nghiệp tái chế từ vật liệu tái chế, hay giá trị thu hồi của bao bì.  Do vậy, Fs đề xuất chưa theo nguyên tắc kinh tế tuần hoàn do chưa trừ đi giá trị vật liệu thu hồi được.

Dự thảo đề xuất hệ số Fs là 0,3 cho giấy, chai PET và nhôm; Fs 0,5 cho sắt thép để giảm bớt Fs cho các vật liệu có giá trị thu hồi cao là không hợp lý vì đối với vật liệu như sắt thép, nhôm, bao bì giấy, chai nhựa cứng (PET), phương tiện giao thông, các nhà tái chế các vật liệu này đều có lãi, do giá trị vật liệu thu hồi được cao hơn chi phí tái chế

Việc xếp loại phương tiện giao thông vào nhóm sản phẩm chưa có công nghệ tái chế phổ biến ở Việt Nam, các hiệp hội cho rằng, nội dung này chưa phù hợp do Dự thảo đang tính định mức chi phí tái chế cho phương tiện giao thông được tạm tính trên hoạt động tháo dỡ, phân loại thiết bị và tái chế sắt, thép. 

Do đó, các hiệp hội đề xuất áp dụng hệ số 0 cho các vật liệu có giá trị thu hồi được cao hơn chi phí tái chế (như mô hình Na Uy và Đan Mạch), bao gồm bao bì giấy, bao bì nhựa cứng, bao bì kim loại, thiết bị điện - điện tử và phương tiện giao thông. Đối với các vật liệu khác: Fs = Chi phí tái chế x 110% - giá trị sản phẩm tái chế thu hồi được.

Đối với bao bì giấy hỗn hợp, bao bì đơn vật liệu mềm và đa vật liệu mềm: Kiến nghị sử dụng Fs là mức trung bình đề xuất của Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam).

Về đánh giá nguy cơ tác động tiêu cực tới giá cả và người tiêu dùng và sức cạnh tranh của doanh nghiệp tại Việt Nam, các định mức Fs rất cao như đề xuất trong dự thảo có thể dẫn đến nguy cơ gây tăng giá lớn đối với rất nhiều sản phẩm, hàng hóa.

Dẫn chứng, các hiệp hội nêu: "Giá có thể tăng thêm 1,36% với nước uống đóng chai; 0,6% với bia lon; 0,2% đối với bịch sữa, gây khó khăn cho doanh nghiệp cũng như cho người tiêu dùng, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay".

Việc chi phí chênh lệch nhau gấp nhiều lần cho cùng 1 hạng mục giữa 2 nghiên cứu tham vấn kể trên, một nghiên cứu bị điều chỉnh số liệu tăng nhiều lần giữa 2 lần báo cáo, chỉ dùng 2 nghiên cứu có Fs cao để tính toán, không tính đến 2 nghiên cứu có Fs thấp có thể là nguyên nhân dẫn đến Fs đề xuất cao hơn nhiều so với trung bình các nước như nêu trong nghiên cứu của PRO, sẽ rất bất lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp tại Việt Nam.

Để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, 14 hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị 4 vấn đề.

Trong hai năm đầu tiên (năm 2024 và 2025) chưa áp dụng xử phạt, chỉ truy thu khoản nộp thiếu nếu doanh nghiệp kê khai chưa đủ hoặc chưa đúng trừ trường hợp cố tình không kê khai hoặc cố tình gian lận.

Cho phép các doanh nghiệp thực hiện kết hợp tự tái chế và nộp tiền hỗ trợ tái chế trong cùng năm, thay vì bắt buộc chọn một trong 2 hình thức.

Thay đổi cách nộp quỹ, theo đó sẽ quyết toán theo số lượng thực tế khi kết thúc năm, thay vì tạm ứng trước vào đầu năm, để vừa thực hiện đầy đủ trách nhiệm với môi trường vừa giảm được khó khăn cho doanh nghiệp.

Có chính sách ưu đãi cho bao bì thân thiện với môi trường hoặc sử dụng vật liệu tái chế. Đối với phần bao bì sản phẩm đã sử dụng vật liệu tái chế, đề nghị cần có chính sách và quy định cụ thể về việc ưu đãi miễn giảm trong đóng góp hỗ trợ tái chế để tạo đầu ra cho thị trường vật liệu tái chế và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. 

Cụ thể, đề nghị đối với phần bao bì đã sử dụng vật liệu tái chế được tính hệ số điều chỉnh Fs bằng 0 và được tính là doanh nghiệp đã thực hiện trách nhiệm tái chế.

Điều này sẽ khuyến khích doanh nghiệp sử dụng vật liệu tái chế trong bao bì, gia tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên, giảm phụ thuộc vào nguồn vật liệu nguyên sinh trong sản xuất, tạo đầu ra cho ngành tái chế và giúp thúc đẩy sự phát triển của ngành tái chế ở Việt Nam, mang tính quyết định trong việc thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn.

Tin liên quan
Tin khác