Doanh nghiệp
Doanh nghiệp xuất khẩu cá tra nỗ lực vượt khó
Trúc Anh - 23/07/2021 17:28
Các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đã ghi nhận tăng trưởng dương trong những tháng đầu năm, nhưng 6 tháng cuối năm sẽ là chặng đường nhiều chông gai.
Xuất khẩu cá tra nửa đầu năm 2021 đạt 788 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Xuất khẩu tăng

Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, đơn vị chế biến và xuất khẩu cá tra hàng đầu Việt Nam, vừa công bố Báo cáo kinh doanh tháng 6 với tổng doanh thu trong tháng tăng 15% so với cùng kỳ, đạt 713 tỷ đồng. Đóng góp chính vào đà tăng là sản phẩm cá tra với mức tăng trưởng 16% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 478 tỷ đồng.

Về thị trường, xuất khẩu sang Mỹ cải thiện đáng kể nhờ nhu cầu nhà hàng và các ngành dịch vụ thực phẩm. Trong khi đó, xuất khẩu sang thị trường châu Âu và Trung Quốc giảm lần lượt 25% và 12%.

Ngoài ra, theo công bố của Bộ Thương mại Mỹ ngày 28/6 về kết quả cuối cùng của đợt rà soát lần thứ 16 đối với lô hàng cá tra Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ từ ngày 1/8/2018 đến hết ngày 31/7/2019, Vĩnh Hoàn và Công ty cổ phần Nam Việt là 2 doanh nghiệp không bị truy thu thuế đối với lượng hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ trong thời gian rà soát. Đây cũng là cơ hội để 2 doanh nghiệp này đẩy mạnh xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ trong thời gian tới, tận dụng tệp khách hàng có sẵn.

Không chỉ Vĩnh Hoàn, một số doanh nghiệp thủy sản khác cũng ghi nhận con số tăng trưởng xuất khẩu tích cực. Chẳng hạn, Công ty cổ phần Kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn cho biết, xuất khẩu cá tra và các sản phẩm làm từ cá da trơn của doanh nghiệp này trong 5 tháng đầu năm tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu cá tra nửa đầu năm 2021 đạt 788 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Bà Tô Tường Lan, Phó tổng thư ký VASEP cho biết, bên cạnh sự ổn định của thị trường Mỹ, thì sự tăng trưởng tốt của thị trường Trung Quốc từ cuối tháng 2 đến đầu tháng 6, cùng với sự hồi phục của các thị trường khối CPTPP đã giúp ngành cá tra tăng trưởng, trong đó sự hồi phục từ thị trường Trung Quốc đóng vai trò quan trọng nhất.

Nhưng chi phí lớn

Thực tế, dù tăng trưởng khả quan trong nửa đầu năm 2021, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đang phải đối mặt với thách thức từ giá nguyên liệu và chi phí hậu cần tăng cao, ảnh hưởng đến lợi nhuận.

Theo bà Lan, các doanh nghiệp cá tra đang phải chống chọi với hàng loạt chi phí và giá cả leo thang. Chẳng hạn, giá nguyên liệu đầu vào tăng gấp 4 đến 5 lần từ giữa năm ngoái, các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất đều tăng từ 5% đến 25%, đặc biệt các trang thiết bị cho người chế biến như găng tay, thiết bị an toàn vệ sinh thực phẩm ngăn ngừa dịch bệnh tăng rất cao. Ngoài ra, thức ăn thủy sản tăng 15 - 20%, cước phí vận tải tăng 5 - 10 lần, bao bì cũng tăng... Những yếu tố này là thách thức rất lớn đối với ngành thủy sản nói chung, cá tra nói riêng để duy trì chuỗi cung ứng. 

Trong khi đó, giá xuất khẩu không tăng do tác động của dịch bệnh không thể tăng giá lên người tiêu dùng. Cuối cùng, lợi nhuận của bên cung cấp đã ít lại càng ít hơn. Họ buộc phải vận hành để duy trì hoạt động và giữ chân khách hàng, chờ cơ hội thị trường hồi phục hoàn toàn.

“Xét trên toàn chuỗi cung ứng thì các nhà xuất khẩu cá tra Việt Nam đang đứng ở cuối chuỗi, nên mọi gánh nặng cũng như rủi ro từ tác động của thị trường thế giới đè nặng lên chuỗi sản xuất địa phương từ khâu giống, thức ăn, con người, vận chuyển”, bà Lan chia sẻ.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện VASEP cho rằng, bức tranh xuất khẩu cá tra trong thời gian tới có sắc thái tươi sáng hay không chủ yếu phụ thuộc vào thị trường Mỹ và Trung Quốc, vì từ mức tăng trưởng âm 30% trong quý I/2021, EU không thể trỗi dậy ngay trong quý II.

Mỹ đang tăng nhập khẩu cá tra từ Việt Nam và xu hướng này sẽ tiếp tục trong những tháng tới. Các doanh nghiệp lớn xuất khẩu cá tra vào Mỹ đều ổn định và không vướng vấn đề gì với thị trường, do vậy sẽ tiếp đà đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này.

Trong khi đó, Trung Quốc đã có động thái xem xét lại việc nhập khẩu cá tra khi đánh giá lại tình hình Covid-19 tại Việt Nam. Trung Quốc là thị trường lớn, nhưng cũng là thị trường khó tiên đoán, các chính sách xuất nhập khẩu hầu như không được thông báo trước nên doanh nghiệp khá bị động.

“Một điều chắc chắn rằng, đợt bùng dịch Covid-19 lần này tác hại khôn lường so với các đợt bùng dịch khác trong năm qua. Dịch bệnh đã tác động đến mọi ngóc ngành trên toàn chuỗi sản xuất và sẽ ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu, đặc biệt là ngành chế biến thực phẩm đòi hỏi an toàn vệ sinh cao. Giờ đây xuất khẩu chỉ hồi phục khi Việt Nam khống chế được dịch bệnh một cách hiệu quả, đem lại an toàn cho người lao động, tạo sự tin tưởng cho khách hàng”, đại diện VASEP nói.

Tin liên quan
Tin khác