Doanh nghiệp
Doanh nghiệp xuất khẩu cá tra tìm thêm cửa sống
Anh Hoa - 12/05/2014 09:11
Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến sự tụt hạng của các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra và khi đã bước vào giai đoạn bão hòa, họ buộc phải đi tìm nguồn sinh lời mới từ các lĩnh vực kinh doanh khác.
TIN LIÊN QUAN

Tôm lên ngôi…

Số liệu thống kê của hải quan Việt Nam cho thấy, kim ngạch xuất khẩu tôm 3 tháng đầu năm nay tăng gần 88% so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt, tôm chân trắng tăng hơn 200%. Theo đó, bảng xếp hạng top 10 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lớn nhất Việt Nam có sự thay đổi lớn. Đặc biệt trong top 5 đều thuộc về doanh nghiệp làm tôm.

   
     

CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) và CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) là 2 doanh nghiệp dẫn đầu xuất khẩu thủy sản cả nước và đứng đầu trong mặt hàng chuyên biệt tôm, cá. Thế nhưng VHC lại đang dần cách xa vị thế của mình so với MPC.

Năm 2013, gần 73% giá trị xuất khẩu của ngành này thuộc về 100 doanh nghiệp thủy sản. Trong đó, dẫn đầu là Minh Phú với tỷ lệ 5,97%. Nếu tính cả Minh Phú – Hậu Giang (công ty con của MPC), thì kim ngạch xuất khẩu của MPC chiếm 7,84% tổng giá trị xuất khẩu của ngành, tương đương gần 540 triệu USD.

Vị thế dẫn đầu của MPC vẫn tiếp tục thể hiện trong quý I/2014, với tỷ lệ 5,92%, cộng với Minh Phú – Hậu Giang thì kim ngạch xuất khẩu của MPC chiếm 8,76% tổng giá trị xuất khẩu của ngành, tương đương 144,7 triệu USD. Giá trị xuất khẩu và vị trí của Minh Phú – Hậu Giang đã tăng khá mạnh so với thời điểm cuối năm 2013 (từ vị trí thứ 6 lên vị trí thứ 4).

Sau MPC, CTCP Thủy sản Sóc Trăng (Stapimex) với giá trị xuất khẩu 3 tháng đầu năm 2014 đạt 59,5 triệu USD, chiếm tỷ trọng 3,6% tổng giá trị xuất khẩu của ngành. Công ty CP Chế biến và Dịch vụ Thủy sản Cà Mau (CASES) với giá trị xuất khẩu 43,9 triệu USD, chiếm 2,66% tổng giá trị xuất khẩu của ngành thủy sản đứng ở vị trí thứ 3; Ví trí thứ 5 thuộc về Công ty Thủy sản Quốc Việt (Quoc Viet co., LTD), với giá trị xuất khẩu hơn 50 triệu USD, chiếm tỷ trọng 3,03%. 

… cá tra tụt hạng…

Trong khi đó, năm 2014, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra tiếp tục đối mặt với khó khăn. Trong đó, VHC đã rớt từ vị trí thứ 2 vào cuối năm 2013 xuống vị trí thứ 6 với giá trị xuất khẩu 3 tháng đầu năm 2014 đạt 41,1 triệu USD, chiếm tỷ lệ 2,49%.

Tổng hợp giá trị xuất khẩu thủy sản của CTCP XNK Thủy sản An Giang (AGF) và CTCP Hùng Vương (HVG) 3 tháng đầu năm đạt 70,4 triệu USD, cao hơn VHC, chiếm tỷ trọng 4,26% giá trị xuất khẩu toàn ngành thủy sản. Nếu tính VHG, AGF và các công ty thành viên là một nhóm, có thể xem Hùng Vương và công ty thành viên dẫn đầu xuất khẩu ngành cá. Tuy nhiên, nếu loại trừ theo tỷ lệ sở hữu của VHG với AGF, VHC vẫn là doanh nghiệp xuất khẩu cá tra – ba sa lớn nhất hiện nay.

Theo ông Võ Thành Đô, Phó cục trưởng Cục Nông lâm thủy sản và nghề muối, doanh nghiệp tôm thăng hạng, do Việt Nam đã quy hoạch được vùng nuôi, kiểm soát tốt về con giống, truy xuất nguồn gốc con giống, thường xuyên rà soát vùng nuôi tôm. Bên cạnh đó, nước xuất khẩu tôm chính trong khu vực là Thái Lan bị dịch bệnh tràn lan, sụt giảm sản lượng.

Trong khi thời gian qua, các hoạt động liên quan đến kinh doanh mặt hàng cá tra lại trải qua nhiều xáo trộn. Hoạt động nuôi, chế biến trong nước phục hồi thấp, những rào cản kỹ thuật ở thị trường nhập khẩu lớn như Mỹ và EU đang được dựng lên là những điểm không thuận lợi cho xuất khẩu cá tra năm 2014.

Đặc biệt, thị trường Nga vẫn tiếp tục đóng chặt cửa đối với cá tra Việt Nam, cho dù trước đó các cơ quan có liên quan ở Việt Nam dự báo thị trường này sẽ mở cửa chậm nhất vào cuối tháng 4/2014.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho hay, không biết khi nào cá tra của Việt Nam mới có thể quay lại thị trường Nga. Hiện những doanh nghiệp được xuất khẩu thủy sản vào thị trường này cũng chỉ được phép xuất khẩu các mặt hàng hải sản, thủy sản khô chứ không có cá tra.

Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cạnh tranh nhau về giá khiến giá cá ba sa xuất khẩu giảm. Mặt khác, hai thị trường xuất khẩu chính là Mỹ và EU cũng đã đưa ra nhiều yêu cầu về tiêu chuẩn và môi trường ngày càng khắt khe. Nhiều vùng nuôi cá tra bộc lộ những mâu thuẫn chưa được giải quyết.

… và câu chuyện hậu cá tra

Giá trị xuất khẩu năm 2013 của cá tra đạt 1,74 tỷ USD, chiếm 34,4% tổng giá trị xuất khẩu ngành thủy sản. Cá tra có mặt ở trên 140 thị trường và là sản phẩm gần như “độc quyền” của Việt Nam trên thị trường thế giới.

Những dữ liệu hấp dẫn trên khiến phong trào nuôi và chế biến xuất khẩu cá tra nở rộ ở nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL.

Theo Tổng cục Thủy sản, diện tích nuôi cá tra Việt Nam năm 2013 khoảng 10.000 ha, giảm 7,2% so với năm 2012. Tuy nhiên, diện tích nuôi cá tra của các doanh nghiệp tại một số địa phương lại tăng như: Bến Tre 1.823 ha, tăng 50% so với năm trước; Đồng Tháp 1.080 ha, tăng 20%; An Giang 538 ha, tăng 70%; Tiền Giang 127 ha, tăng 40%.

Sự gia tăng đột biến về diện tích nuôi trồng đã vượt qua quy hoạch và kiểm soát của nhà quản lý, khiến ngành cá tra rơi cảnh bão hòa, cung vượt quá cầu, xuống dốc như thời gian vừa qua.

Tình hình khó khăn tới mức, ngay cả những doanh nghiệp lớn dẫn đầu nhóm xuất khẩu cá tra cũng bị ảnh hưởng. Chẳng hạn, biên lợi nhuận của Vĩnh Hoàn đã giảm từ 5,8% trong năm 2012 xuống còn 3% vào năm 2013.

Do vậy, Công ty bắt đầu tìm kiếm lợi nhuận từ những ngành khác, trong đó có việc đầu tư vào lúa gạo và collagen. Đây là cách để VHC hoàn thiện chuỗi giá trị từ thức ăn - nuôi trồng – chế biến - xuất khẩu.

Hiện Vĩnh Hoàn tập trung đầu tư gạo thơm và gạo đồ, hai loại gạo đang trở thành “vũ khí” mới trong xuất khẩu gạo của Việt Nam. Gạo đồ là loại gạo thu được từ thóc được ngâm nước nóng hoặc sấy trong hơi nước rồi phơi khô, sau đó mới được gia công chế biến qua các công đoạn chế biến khác như xay, xát, đánh bóng. Tại một số quốc gia, xu hướng sử dụng gạo đồ thay cho gạo trắng đang tăng lên, đặc biệt là ở các vùng dân cư có thu nhập cao. Trong khi đó, gạo thơm đang được thị trường Trung Quốc, Hồng Kông ưa chuộng.

Năm 2013, gạo mang về cho Vĩnh Hoàn khoảng 1,3 tỷ đồng doanh thu. Nhà máy gạo đầu tư ngay trong giai đoạn rất khó khăn, nên trước khi có lợi nhuận, Công ty cần 2-3 năm để ổn định quy mô và thị trường.

Mới đây, bà Trương Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Vĩnh Hoàn đã có chuyến gặp gỡ đối tác tại thị trường Trung Quốc để thúc đẩy xuất khẩu gạo, đặc biệt, Vĩnh Hoàn đang xúc tiến việc mua quota để xuất khẩu sang thị trường này.

Dự kiến, đến năm 2015, Công ty sẽ tiếp tục triển khai 24 ha đất để làm khu liên hợp bao gồm các cơ sở từ nghiên cứu giống lúa, nhà máy sấy, xay xát, chế biến và công ty xuất khẩu gạo.

Ngoài ra, VHC đang kỳ vọng vào nguồn thu từ sản phẩm collagen. Cách đây 6 năm, công ty này đã nghiên cứu, đầu tư sản xuất sản phẩm này từ phụ phẩm cá tra để tối ưu hóa giá trị, gia tăng doanh thu và lợi nhuận, bởi giá trị xuất khẩu của sản phẩm này cao gấp 8-10 lần so với cá tra.

Cuối năm nay, nhà máy mới đi vào hoạt động nhưng VHC đã đặt ra mục tiêu có lợi nhuận ngay. Dự kiến, năm 2015, nhà máy sẽ hoạt động 30% công suất, thu lợi nhuận gần 30 tỷ đồng. Sang năm 2016, nhà máy sẽ nâng công suất hoạt động lên 50% và lợi nhuận thu về khoảng 62 tỷ đồng và sẽ tăng lên 100 tỷ đồng vào năm 2017.

 

Tin liên quan
Tin khác