Doanh nhân
Doanh nhân Bùi Tiến Thành: Kinh doanh là một cuộc chơi thú vị
Anh Trung - 15/09/2018 10:13
Kinh doanh, đối với Bùi Tiến Thành - chàng trai xứ Thanh 30 tuổi, giống như một cuộc chơi thú vị, càng làm, càng khám phá và chinh phục thử thách, càng tìm ra những cái mới, mang lại lợi ích cho cuộc sống và cộng đồng.

Đam mê…

 Dáng người nhỏ nhắn, bước đi linh hoạt và khá tự tin trong giao tiếp của Bùi Tiến Thành - sinh viên năm thứ ba, Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) trong cuộc phỏng vấn nhân sự thời vụ cho bánh Trung thu Kinh Đô đã gây ấn tượng mạnh với vị giám đốc có mặt tại đó. Một tuần sau, giám đốc công ty đó hẹn gặp riêng để đặt vấn đề mời Thành vào làm vị trí hỗ trợ công tác quản lý và muốn cho Thành góp vốn khoảng 50 triệu đồng. Thành gật đầu, rồi lao vào công việc với sự đam mê. 

Doanh nhân Bùi Tiến Thành

Sau 6 tháng làm việc, Thành được điều đi làm quản lý một chi nhánh nhỏ để thử bản lĩnh. 21 tuổi, vừa tốt nghiệp Đại học với tài sản “bỏ túi” lúc đó là con dấu chức danh và góp vốn vào công ty từ 4 cuốn sổ đỏ của bố mẹ, người thân, Thành đã xây dựng chi nhánh từ 3 người lên 60 người. Sau 5 năm làm việc, chi nhánh do Thành phụ trách luôn có lợi nhuận cao hơn nhiều so với chi nhánh khác, Thành được giao điều hành chi nhánh lớn hơn.        

Không phải ngẫu nhiên, mà công việc của Thành trôi chảy như vậy. Hàng loạt cương vị chứng tỏ sự năng động, hăng hái từ thời sinh viên đã được anh vận dụng một cách tinh tế vào công việc. 

Chàng sinh viên đó là chân dung của doanh nhân Bùi Tiến Thành 10 năm trước. Năm 2017, Tiến Thành lọt vào tốp 15 doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc nhất toàn quốc, nhận Bằng khen và cúp từ Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam. 

Không để ngọn lửa đam mê kinh doanh ngừng cháy

Sau 6 năm làm quản lý, giám đốc chi nhánh và giám đốc điều hành, Thành tách ra ngoài làm riêng. Tuy nhiên, điều khoản ràng buộc với Công ty khi góp vốn là trong thời gian 3 năm kể từ ngày thôi việc, Thành không được phép làm việc, hoạt động trong lĩnh vực phân phối các ngành hàng tiêu dùng, không được phép kinh doanh các mặt hàng tương tự mà Công ty đang phân phối, tuyệt đối không được làm việc cho công ty đối thủ. 

Tôn trọng các điều khoản đã ký kết, Thành chuyển hướng nghiên cứu thị trường và phát hiện ra lĩnh vực kinh doanh văn phòng phẩm tại Thanh Hóa chưa có một công ty nào đầu tư quy mô bài bản. Thành nhắm tới “con mồi” đó và xác định chỉ kinh doanh sản phẩm phân phối. Anh quyết định thành lập Công ty Thương mại Tiến Thành Thảo, bán xe ô tô đang sử dụng để làm vốn nhập hàng, thuê nhà làm kho và văn phòng.

Trong thời gian đầu khởi nghiệp, Thành trực tiếp làm rất nhiều việc, từ bán hàng, giao hàng, đến thủ kho, thủ quỹ, thậm chí cả bốc vác… Sau đó, anh tuyển dụng dần nhân sự để thay thế. Do khá lạ lẫm với ngành nghề văn phòng phẩm, chưa biết phải kinh doanh như thế nào, mua gì và bán gì, Thành đi khắp các tỉnh, thành phố và tiếp cận với các công ty quy mô nhất về lĩnh vực này để cảm nhận nghề nghiệp và xin lĩnh hội những điều hay.

Thành cứ mày mò, vừa học, vừa làm, vừa nghiên cứu, tuyển dụng và xây dựng hệ thống. Đến nay, sau 4 năm xây dựng và phát triển, Công ty Thương mại Tiến Thành Thảo đã trở thành nhà phân phối quy mô nhất trong lĩnh vực phân phối giấy vở, văn phòng phẩm, đồ dùng học sinh. Đó là bệ phóng để Thành mở rộng địa bàn phân phối vào các tỉnh Bắc Trung Bộ trong thời gian tới.

Gây dựng vị thế độc quyền

Theo Công ty Nghiên cứu thị trường toàn cầu Technavio, nhu cầu văn phòng phẩm ở Việt Nam tăng trưởng với tỷ lệ tăng trưởng lũy kế hàng năm (CARG) 10% trong giai đoạn 2015-2019, gấp đôi so với các quốc gia châu Á khác và là con số mơ ước của các thị trường phát triển như Mỹ và châu Âu với tỷ lệ tăng trưởng âm. 

Khi Tiến Thành khởi nghiệp, thị trường văn phòng phẩm chưa nhộn nhịp, chưa có các đại gia ngoại lấn sân như bây giờ. Các cửa hàng tiện ích, trung tâm thương mại, các chuỗi cửa hàng sách truyền thống đang mọc lên như nấm sau mưa cùng hàng loạt các trang thương mại điện tử.

Văn phòng phẩm là một trong những thị trường vô cùng sôi động từ trước tới nay, với rất nhiều nhà sản xuất cung cấp nhiều mặt hàng đa dạng về chủng loại, mẫu mã, giá cả... phục vụ tất cả nhu cầu của mọi tầng lớp người tiêu dùng. Đây vừa là lợi thế, vừa là thách thức với các thương hiệu văn phòng phẩm trong nước.

Bùi Tiến Thành khởi nghiệp trong giai đoạn thị trường văn phòng phẩm tranh tối, tranh sáng, những người kinh doanh lâu năm trong lĩnh vực này đổ xô vào dòng hàng sản xuất từ Trung Quốc và không ít người trở thành “đại gia” nhờ vào việc kiếm lời từ việc nhập nguồn hàng này. Tuy nhiên, ngay thời điểm đó, Thành đã nhận thấy phân khúc này không bền vững, vì sản phẩm chủ yếu là hàng chất lượng thấp và trung bình, nhập khẩu theo đường tiểu ngạch... và ai cũng có thể dễ dàng trở thành nhà phân phối sản phẩm.

Bỏ qua con đường làm giàu lắt léo đó, Thành chọn nhập khẩu, phân phối hàng chính ngạch, chất lượng cao. 

Con đường này mất nhiều thời gian, khó khăn hơn, nhưng nếu kiên trì và thực hiện bài bản, sẽ có cơ hội thành công. Theo Thành, tại các nước phát triển khác trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc cách đây 30 năm, thị trường của họ ưu tiên yếu tố cạnh tranh về giá. Nhưng hiện nay, xu hướng này đã thay đổi, hàng hóa chất lượng cao và dịch vụ tốt luôn được ưu tiên lựa chọn.

“Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ với xu hướng chung của thế giới. Tôi vẫn kiên trì với hướng đi này”, Thành nói và không ngần ngại thừa nhận, kinh doanh lĩnh vực này với 50% vì lợi nhuận, 50% vì sĩ diện địa phương. Hiện nay, Tiến Thành Thảo đang là nhà phân phối văn phòng phẩm độc quyền quy mô nhất tại Thanh Hóa.

Chiến lược phát triển bài bản là yếu tố quyết định sự thành công của mọi mô hình kinh doanh. Thành ví sự phát triển của công ty như một bức tranh đã được vẽ tổng thể bằng bút chì, được tô đủ màu sắc qua năm tháng, rồi biến thành bức tranh sinh động, thu hút ánh mắt của người đời. Có thể, nhiều người thích trường phái của bức tranh Thành vẽ, nhưng cũng có người sẽ lắc đầu, xua tay. “Nhưng điều đó không quan trọng. Quan trọng là tôi thích và nó mang lại hiệu quả”, Thành quả quyết. 

Lộ trình vươn ra toàn thị trường văn phòng phẩm phía Bắc vẫn đang được Thành lên kế hoạch và âm thầm thực hiện. Thế nhưng, lúc này, cục diện thị trường đã thay đổi. Công nghệ thông tin bùng bổ, thế hệ 9x đang nhảy vào thị trường với những cách thức kinh doanh bài bản, chuyên nghiệp hơn rất nhiều, trong đó có cả chiêu trò marketing online, giảm giá, khuyến mại... Trong khi đó, họ không có sản phẩm chính hãng, cạnh tranh bằng giá, nên dễ làm nhiễu loạn thị trường, khiến những người kinh doanh những mặt hàng có chất lượng sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng.

Muốn “sống khỏe” trong bối cảnh đó, Thành chọn trở thành đại lý cấp I của các nhà sản xuất với chìa khóa thành công là uy tín doanh nghiệp và dịch vụ khách hàng luôn được ưu tiên hàng đầu. 

Thành tập trung xây dựng, huấn luyện đội ngũ kinh doanh chuyên nghiệp để quản lý kênh phân phối, chú trọng dịch vụ, tập trung vào hàng hóa có chất lượng cao, độc đáo và doanh nghiệp có cơ hội độc quyền. 

Nhờ có gốc rễ vững chắc, nên Thành không bị đánh bật khỏi vòng xoáy khốc liệt của thị trường. Sự trải nghiệm đó giúp anh cảm nhận được sức hút của công việc kinh doanh.

Kinh doanh thú vị ở chỗ, thị trường luôn luôn vận động, càng làm, càng khám phá và chinh phục thử thách, càng tìm ra những cái mới, mang lại lợi ích cho cuộc sống, cho cộng đồng. Thế nên, với tất cả những người đã lựa chọn con đường kinh doanh, họ gần như không bao giờ bỏ cuộc dù phải đối mặt với khó khăn như thế nào chăng nữa. Đó là những đúc rút của Thành sau nhiều tháng ngày vất vả, bôn ba để nắm thị trường. 

Ngoài sự quen biết rộng rãi, nuôi dưỡng các mối quan hệ, Thành đã khắc tên doanh nghiệp của mình vào trí nhớ của nhiều khách hàng. “Đó là một trong những cách để tôi giữ khách và mở rộng thị phần trong ma trận văn phòng phẩm thượng vàng, hạ cám như hiện nay”, Thành chia sẻ.

Tin liên quan
Tin khác