Doanh nhân
Doanh nhân Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn T&T: Cơ hội không chờ đợi ai
Thanh Hương - 07/02/2022 08:31
Hợp tác với các tên tuổi lớn để hiện thực hóa chiến lược phát triển năng lượng xanh, sạch, doanh nhân Đỗ Quang Hiển cho thấy khả năng nắm bắt cơ hội để tiến xa hơn trong lĩnh vực này.
Doanh nhân Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn T&T


Đi cùng “người khổng lồ”

Những tháng cuối năm 2021, cộng đồng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch Việt Nam liên tục đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác khi chứng kiến sự hợp tác giữa Công ty cổ phần Tập đoàn T&T (T&T Group) và những tên tuổi lớn trên thế giới.

Dẫu vậy, với doanh nhân Đỗ Quang Hiển, điều này dường như đã nằm trong lộ trình. Gần 10 năm qua, ông và T&T Group đã nghiên cứu, tìm hiểu, hợp tác với một số đối tác, đồng thời hoạch định chiến lược phát triển trong lĩnh vực năng lượng tái tạo phù hợp với chủ trương, chính sách của Nhà nước và Chính phủ.

T&T Group đầu tư vào nhiều dự án điện mặt trời, điện gió trên bờ với công suất đã hòa lưới điện quốc gia khoảng 1.000 MW. Tuy nhiên, đó mới là “phần nổi”. Các dự án điện khí (LNG), điện gió ngoài khơi đã đầu tư nhưng chưa hòa lưới hoặc sắp triển khai, hay những kế hoạch đầu tư trong thời gian tới mới thực sự khiến nhiều người phải choáng ngợp. Điều này lý giải một phần cho câu hỏi: “Vì sao các đối tác lớn lại chọn T&T Group”.

Thành lập năm 1993, T&T Group thuộc nhóm những công ty tư nhân tham gia vào nền kinh tế ở giai đoạn công cuộc Đổi mới diễn ra mạnh mẽ. Đến thời điểm hiện tại, Tập đoàn đã có bề dày kinh nghiệm nhất định ở thị trường nội địa. Với tên tuổi, uy tín và thương hiệu của mình, T&T Group luôn là đối tác đáng tin cậy mà các tập đoàn tên tuổi trong và ngoài nước hướng đến.

Một trong những đối tác lớn vừa quyết định đồng hành cùng T&T ở lĩnh vực năng lượng sạch và xanh là Ngân hàng Standard Chartered. 

Ông Đỗ Quang Hiển chia sẻ: “Trước chuyến đi châu Âu tháp tùng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), tôi được cấp dưới báo cáo về việc Standard Chartered chủ động gửi thư đề nghị tài trợ 6 tỷ USD cho các dự án xanh của Tập đoàn. Tôi cũng khá bất ngờ, vì trước đó chưa hề gặp gỡ phía bạn”.

Ở chiều ngược lại, sự lựa chọn của Standard Chartered hoàn toàn không phải tình cờ, bởi khá nhiều dự án của T&T Group như điện mặt trời, điện gió, xử lý rác thải, xử lý và biến nước biển thành nước ngọt... rất phù hợp với Danh mục Xanh mà ngân hàng này theo đuổi.

Về phía doanh nhân Đỗ Quang Hiển, với sự nhanh nhạy và kinh nghiệm nhiều năm lăn lộn trên thương trường, ông đã sớm nhìn ra xu hướng đầu tư vào những lĩnh vực mới mẻ như năng lượng tái tạo và nhanh chóng nắm bắt cơ hội.

Trong khuôn khổ chuyến tham dự Hội nghị COP26, thăm và làm việc tại Vương quốc Anh của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (tháng 11/2021), T&T Group và Standard Chartered đã trao biên bản ghi nhớ về việc Standard Chatered tài trợ vốn cho các dự án môi trường và xử lý chất thải, điện khí, năng lượng tái tạo mà T&T Group triển khai tại Việt Nam. Bên cạnh đó, lãnh đạo Standard Chartered đã cùng T&T Group làm việc với các đối tác tên tuổi như Orsted, Total.

Xác định năng lượng là một trong những lĩnh vực kinh doanh chính ở T&T thời gian tới, ông Hiển quyết định tái cấu trúc mảng hoạt động này. Theo đó, khoảng 20 công ty thành viên sẽ được tái cấu trúc để hình thành Công ty cổ phần Tập đoàn Năng lượng T&T với mục tiêu đến năm 2031 trở thành một tập đoàn năng lượng lớn tầm quốc gia, mở rộng dư địa đầu tư, tiếp cận công nghệ, chủ động hợp tác quốc tế.

Đột phá từ nhân lực

Đến năm 2045, Việt Nam sẽ trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Mục tiêu này đã được xác định rõ tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Là một doanh nhân mang trong mình dòng máu Việt, ông Đỗ Quang Hiển đã và đang góp sức để hiện thực hóa mục tiêu này.

Có cơ hội đến nhiều quốc gia; tham gia nhiều diễn đàn, hội nghị quốc tế; gặp gỡ, tiếp xúc với rất nhiều nhà quản lý và doanh nhân trên thế giới, ông Hiển luôn tự đặt ra câu hỏi: “Tại sao họ cũng có xuất phát như mình, nhưng lại đạt được sự phát triển cao trong các lĩnh vực”. Suy nghĩ đó đã thôi thúc ông tìm hiểu kỹ càng chiến lược, cách đi của các doanh nghiệp lớn và nghiệm ra rằng, nhân lực chính là yếu tố quan trọng nhất để tạo sự bứt phá.

Thực hiện giấc mơ lớn mạnh và tự đứng vững của mình, trong quá trình hợp tác với nước ngoài, ông Hiển không ngần ngại chia sẻ quan điểm về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực và đề nghị đối tác có lộ trình chuyển giao công nghệ, để đội ngũ nhân lực trong nước được tiếp cận, làm chủ công nghệ sau quá trình hợp tác.

Chủ trương này được triển khai nhất quán ở tất cả hợp đồng liên doanh hợp tác đầu tư giữa T&T Group với các tập đoàn nước ngoài, từ lĩnh vực năng lượng, tới y tế, giáo dục, nông nghiệp.

“Nhà đầu tư nước ngoài không thể vào đầu tư kiếm lợi nhuận rồi rút đi, như thế, chúng ta không được tiếp cận công nghệ; nhân lực không được đào tạo, thì đất nước không phát triển được. Tôi nói thẳng quan điểm này với đối tác. Ban đầu, họ cũng có phần không hài lòng, nhưng sau đó thì rất trân trọng. Nhiều đối tác gửi thư bày tỏ, họ đánh giá cao T&T Group về tính cộng đồng, luôn luôn muốn nguồn nhân lực trong nước được tiếp cận, tiếp thu công nghệ để đưa đất nước Việt Nam phát triển bền vững”, ông Hiển tâm sự.

Đó là yêu cầu tiên quyết mà người đứng đầu T&T Group đặt ra với đối tác, còn với hệ thống của mình, ông luôn nhắc rằng, chúng ta đang phát triển với tốc độ khá nhanh, nhưng nội lực, năng lực quản trị công nghệ thì vẫn chưa theo kịp, bởi vậy, cần phải nỗ lực, cố gắng, làm việc gấp 3 lần.

“Tôi thường nói với đội ngũ nhân lực T&T Group, nếu chờ hội tụ đủ các điều kiện mới bắt tay vào việc, thì không bao giờ có cơ hội. Cơ hội không chờ đợi bất cứ ai”, vị thuyền trưởng của T&T Group nhấn mạnh.

Riêng với ngành năng lượng, mục tiêu mà T&T Group đặt ra khi đi cùng các “ông lớn” không chỉ là vấn đề đào tạo nhân lực, mà còn là mở ra cơ hội để người Việt tham gia sâu vào chuỗi sản xuất của thế giới.

“Trong 10 năm tới, với nhiều dự án năng lượng tái tạo tiếp tục được đầu tư, thì cần phải có nền công nghiệp phụ trợ đi kèm, không chỉ để phục vụ thị trường trong nước, mà còn hướng tới xuất khẩu. Khi tôi chia sẻ vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng rất quan tâm, bởi nếu được triển khai, sẽ tạo ra nền công nghiệp phụ trợ năng lượng tái tạo”, ông Hiển bày tỏ.

Nghĩ là làm, ông đã đặt vấn đề với Orsted - công ty năng lượng hàng đầu của Đan Mạch về việc đầu tư khu công nghiệp phụ trợ với mục tiêu sản xuất trang thiết bị, vật tư cung cấp cho các dự án năng lượng tái tạo ở Việt Nam và xuất khẩu ra các nước trong khu vực.

Ông Hiển cho biết, đối tác đã đồng ý về chủ trương liên doanh, nhưng theo tính toán của Orsted, để thu hút các nhà đầu tư vào khu công nghiệp sản xuất, phụ trợ, cần phát triển tối thiểu công suất điện gió ngoài khơi tới năm 2030 khoảng 10.000 MW. Tuy nhiên, Dự thảo Quy hoạch Điện VIII mới đặt ra mức 5.000 MW, nên việc đầu tư cần có tính toán kỹ.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã khảo sát kỹ tiềm năng điện gió ngoài khơi của Việt Nam và cho rằng, với lợi thế chiều dài biển, tiềm năng kỹ thuật rất tốt, Việt Nam hoàn toàn có khả năng trở thành trung tâm điện gió ngoài khơi của khu vực châu Á.

“Vấn đề còn lại là chúng ta quyết tâm đến mức nào để có vị trí trong ngành này”, ông Hiển nói.

Vào cuối những năm 1990, ông Đỗ Quang Hiển từng rất thành công khi tham gia sản xuất xe máy, góp phần kéo giá bán xe đang cao ngất ngưởng xuống mức dễ mua hơn với người dân. Giờ đây, khi đẩy mạnh đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, ông cũng rất được kỳ vọng sẽ lãnh đạo T&T Group đóng góp xây dựng nguồn năng lượng bền vững cho tương lai đất nước.

Càng khó khăn, càng cần phải thay đổi và thích nghi

Sau 2 năm đối mặt với đại dịch Covid-19, ông muốn chia sẻ nhất điều gì?

Hai năm chống chọi với dịch bệnh mới thấy giá trị của doanh nghiệp, lúc khó khăn mới biết ai tốt. Nhưng, càng khó khăn, thì càng thấy nhiều thứ cần phải thay đổi, từ quản trị doanh nghiệp, đến quan hệ giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với cộng đồng, cộng đồng với cộng đồng… Tất cả đều phải thay đổi và thích nghi với hoàn cảnh.

Năm Nhâm Dần 2022 đánh dấu một hoa giáp với người tuổi Hổ như ông. Người tuổi Hổ thường rất có khí chất. Những nét tính cách đó của ông ảnh hưởng thế nào tới đường hướng hoạt động của Tập đoàn?

Người ta nói, “ông Hổ” là biểu tượng của khí phách, thường bảo vệ người yếu, có tâm giúp người, cứu người…

Người tuổi Hổ cũng được nhìn nhận là có khí phách mạnh mẽ, thẳng thắn, quyết liệt, bảo vệ lẽ phải… Ngoài những điều đó, tôi luôn truyền cho đội ngũ tinh thần quyết tâm và khát vọng dân tộc.

Thế hệ kế cận ở T&T Group đã bắt đầu vào làm việc tại Tập đoàn. Ông có hài lòng với những gì mà thế hệ trẻ đang thể hiện?

Thế hệ sau này được tiếp cận sớm với những cái mới, có trình độ ngoại ngữ tốt, nhưng tôi muốn nhìn thấy ở các bạn trẻ ngọn lửa đam mê và tinh thần quyết liệt hơn nữa…

Nhiều người vẫn nghe ông nói về những bữa cơm lúc 2 giờ sáng…

Nếu không đi công tác, thì một tuần tôi ăn cơm ở nhà khoảng 3 buổi, nhiều bữa tận 2 giờ sáng mới ăn. Tôi cũng có thói quen đọc sách, mỗi ngày tôi đọc sách ít nhất 2 tiếng, trừ những hôm tiếp khách quá chén. Tôi chỉ ngủ khoảng 4 tiếng mỗi ngày. Nhiều hôm đọc sách xong, tôi chỉ ngủ 30 phút rồi lại dậy và bắt đầu ngày mới.

Dù vậy, cũng có những lúc tôi cho phép mình nghỉ ngơi, thả lỏng một chút…

Ông hay đọc sách loại gì?

Tôi đọc nhiều loại, nhưng thích nhất là đọc về mô hình quản trị của các tập đoàn. Tôi thường gạch chân nhiều câu nói của các tỷ phú như Bill Gates, Elon Musk, ông chủ Samsung… trong những cuốn sách này và suy nghĩ để rút ra những bài học cho mình, vì ở đó có đầy đủ những kiến thức, kinh nghiệm, trải nghiệm, tư duy… của họ.
Tin liên quan
Tin khác