“Phi thương bất phú”
Với nữ doanh nhân sinh năm 1983 Đỗ Thị Hoài, tháng 3 là tháng mà chị vất vả nhất, bởi chiến lược kinh doanh của một năm bắt đầu, với những kế hoạch, những chuyến đi và niềm đam mê với kinh doanh đôi khi khiến chị quên đi ngày dành cho phụ nữ - 8/3.
Chị bén duyên với kinh doanh từ lúc mới bước vào lớp 5, khi thường xuyên được nghe câu “phi thương bất phú” từ những người bán hàng ở khu chợ gần nhà. “Tôi vay mẹ 3 triệu đồng để mở một cửa hàng tạp hóa nhỏ trước cửa nhà. Buổi sáng đi học thì nhờ người nhà bán giúp, chiều về, tôi vừa học bài vừa bán hàng. Nhờ vậy, có tiền ăn học cấp II, III và dành dụm được tiền học đại học. Trải nghiệm này còn giúp tôi nhận ra, phải có ước mơ và kinh nghiệm trong kinh doanh mới có thể thành công”, Đỗ Thị Hoài chia sẻ.
Doanh nhân Đỗ Thị Hoài, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Sản xuất CHC Paint Toàn Cầu. |
Đi đại học nhưng nghỉ hè, chị Hoài đi học thêm trang điểm cô dâu với ước muốn sau này mở chuỗi cửa hàng đồ cưới, giúp mọi phụ nữ Việt Nam đẹp hơn trong ngày quan trọng của đời mình. Nhưng rồi chị sớm nhận ra, cái đẹp mà phụ nữ quan tâm nhất là mái ấm của họ, ngôi nhà là hình ảnh cụ thể nhất.
Tìm hiểu thị trường sơn tại Việt Nam, chị Hoài nhận ra, đây là ngành còn đầy tiềm năng, có thể phát triển lâu dài. Thế là vận động người thân bắt tay vào kinh doanh sơn, bằng việc xây dựng nhà xưởng, nhập máy móc hiện đại từ Đức về để gia công sản xuất cho các thương hiệu sơn lớn, với mục đích lấy kinh nghiệm và học kinh doanh. Thành công đến sớm thường làm con người có phần tự tin thái quá. Chị Hoài lấn sân sang các mảng bất động sản, kết quả là thua lỗ, kinh doanh liên tục âm. Từ vấp ngã này, chị nhận ra, hãy phát triển những gì là chuyên môn của mình, đừng thấy người ta làm cũng tham gia.
Để vượt qua khó khăn này, chị quyết định rút toàn bộ số vốn đã đầu tư dàn trải, khất những khoảng nợ đang có và quay lại với ngành sơn. Sau thời gian gia công, năm 2013, chị tách ra làm riêng với thương hiệu sơn CHC chuyên sản xuất sơn nước và sơn dầu.
“Mới đầu, mọi người chưa tin tưởng vào thương hiệu mới. Vậy là phải giải thích, thuyết phục, đồng thời chọn thị trường các tỉnh và vừa thi công, vừa phát triển thương hiệu”, chị Hoài kể.
Đầu năm 2014, chị đi xuống các đại lý sơn khắp cả nước để thăm dò thị trường, từ đó xây dựng kế hoạch phát triển dài hạn. Để cạnh tranh, người phụ nữ này quyết tâm thực hiện chiến lược làm thật, kết quả thật, bằng việc xin làm thử một phần công trình để chứng minh chất lượng. Sau nhiều lần thuyết phục, Công ty CHC đã có các hợp đồng thi công lớn ở Hà Nội.
Chiến lược bó đũa
Để làm tròn vai một người phụ nữ của gia đình và của công việc, đặc biệt, công việc kinh doanh luôn đòi hỏi một người phụ nữ nỗ lực gấp bội, doanh nhân Đỗ Thị Hoài giản dị chia sẻ, thành công không đến dễ dàng, muốn thành công trong kinh doanh thì phải chấp nhận mất mát, khó khăn và muốn thành công thực sự, phải đặt chữ tâm lên hàng đầu, nói không với gian dối
Với ý nghĩ này, năm 2015, chị lập ra những công ty thi công cho thương hiệu sơn của riêng mình. Bên cạnh đó, chị đẩy mạnh phát triển thương hiệu khắp cả nước bằng việc mở các công ty ủy quyền. Hiện nay, chị có 30 đại lý tại 30 tỉnh, thành phố trên cả nước và bắt đầu hướng ra thị trường nước ngoài và tích cực đầu tư nhà xưởng, máy móc nhằm đạt được tiêu chuẩn chất lượng tốt nhất. Chiến lược này giúp CHC mở rộng khách hàng, tiếp cận những công ty bất động sản lớn trên khắp cả nước và lập công ty marketing riêng. Chị giải thích, phải có những công ty thành viên để giúp mình các phần việc và mạnh dạn giao việc cho người giỏi, để mình tập trung phát triển thương hiệu.
“Tôi thường bị trách móc trong chuyện dành thời gian cho bạn bè, gia đình, thậm chí bị hiểu lầm là cố tình không sắp xếp công việc. Đây chính là thiệt thòi với phụ nữ làm doanh nghiệp. Song dù không khéo léo, nhưng là phụ nữ nên tôi luôn được ưu ái, các kế hoạch luôn được ủng hộ và giúp đỡ. Đây là lợi thế nhất mà nữ doanh nhân nhận được trong kinh doanh”, nữ doanh nhân chia sẻ.
Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam hợp tác thực hiện chuyên mục này