Du lịch
Doanh nhân Nguyễn Hữu Đường chia sẻ về nhân tố mới đưa du lịch phục hồi và cất cánh
Hữu Tuấn thực hiện - 19/12/2021 10:50
Ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch Hòa Bình Group chia sẻ về giải pháp đột phá để đưa du lịch Việt Nam phục hồi sau đại dịch và cất cánh bay cao.
Ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch Hòa Bình Group.

Golden Beef Restaurant đi vào hoạt động chỉ một thời gian ngắn đã trở thành hiện tượng, gây sốt trong giới truyền thông quốc tế, mạng xã hội, Internet như một cách làm độc đáo, mới mẻ… Vì sao ông dùng vàng để “tạo sóng”, tạo trào lưu, mà không phải là thứ khác?

Đây không phải là lần đầu tiên sự kiện dát vàng của chúng tôi thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận trong và ngoài nước. Trước đó, năm 2017, Tổ hợp căn hộ khách sạn 5 sao Da Nang Golden Bay cùng công trình bể bơi vô cực dát vàng 24k tại tầng thượng của hai tòa tháp đạt Kỷ lục “Bể bơi vô cực dát vàng 24k cao nhất và lớn nhất thế giới”.

Còn năm 2020, Hòa Bình Group tiếp tục gây ấn tượng mạnh với Khách sạn Dolce by Wyndham Hanoi Golden Lake. Công trình này đã xác lập Kỷ lục Việt Nam bởi Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) và Kỷ lục thế giới bởi Liên minh Kỷ lục thế giới (WorldKings) là “Khách sạn có ngoại thất bằng gạch dát vàng với số lượng trang thiết bị nội thất và các món ăn, thức uống dát vàng nhiều nhất”.

Tại Hanoi Golden Lake, từ khi khai trương đến nay, tất cả các món ăn, đồ uống đều được phủ vàng, rắc vàng, kể cả thịt bò, như một dấu ấn thương hiệu ẩm thực độc đáo, mới mẻ tại nhà hàng của khách sạn là F29 Lounge and Restaurant. Chúng tôi định vị Dolce by Wyndham Hanoi Golden Lake không chỉ là khách sạn 8 sao dát vàng toàn bộ, trở thành một điểm check-in du lịch độc đáo, mà còn là một khách sạn tiên phong tạo ra các xu thế mới, trải nghiệm mới đang thịnh hành trên thế giới.

Vì vậy, gần đây, sau khi thử nghiệm việc đặt miếng thịt bò lên gạch dát vàng cho kết quả giữ nóng từ 60-120 phút, lá vàng phủ làm thịt chín đều, phải nói là ngon nhất thế giới, chúng tôi đã quyết định đưa hạng mục kinh doanh này vào thực đơn chính với giá từ 30 đến 45 USD/suất, đổi tên F29 Lounge and Restaurant thành Golden Beef Restaurant.

Từ lúc quyết định và đưa vào khai trương chỉ 24 giờ đồng hồ. Kết quả đã vượt mong đợi của tôi, khi mỗi ngày, có 150-200 người đến thưởng thức và phải đặt chỗ trước 2-3 ngày. Tôi tin tưởng, khi dịch bệnh qua đi, sẽ có một lượng lớn khách du lịch đến Hà Nội để thưởng thức món ăn này. Nói thật là tôi rất cảm ơn các hãng thông tấn quốc tế, trong nước đã quảng bá, thu hút sự quan tâm của du khách đối với du lịch và ẩm thực Việt Nam.

Năm 2022, khi dịch lắng xuống, tôi dự định sẽ tổ chức một giải thi đấu ẩm thực, mời các đầu bếp nổi tiếng nhất, giỏi nhất trên thế giới từ Mỹ, Anh, Đức, Nhật Bản, Trung Quốc… về Hanoi Golden Lake để thi đấu. Để bày tỏ sự mến khách của người Việt Nam và cảm ơn họ đã quảng bá cho du lịch Việt Nam, tôi sẽ tài trợ ăn nghỉ tại khách sạn dát vàng và trao giải thưởng 200.000 USD cho đầu bếp xuất sắc nhất.

Từ hàng ngàn năm trước, con người ở các nền văn minh cổ đại Ai Cập, Hy Lạp, Trung Quốc... đã sử dụng vàng trong thực phẩm và y học. Vàng không chỉ gây ấn tượng về thẩm mỹ, mà còn có lợi cho sức khỏe. Sách y học của Lý Thời Trân (Trung Quốc) hay Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đều khẳng định tác dụng của vàng là “hòa huyết, trấn tâm, an ngũ tạng, trừ cốt nhiệt và bệnh phong”.

Ngày nay, vàng là phụ gia thực phẩm đã được Liên minh châu Âu phê chuẩn. Theo kết quả phân tích của Cục Thực phẩm Munich (Đức), vàng sau khi được đưa vào cơ thể, sẽ hấp thụ các chất độc hại và thải chúng ra ngoài cơ thể, giúp phòng chống bệnh tật và cải thiện não bộ. Nghiên cứu đăng trên Tạp chí Khoa học Frontier cho thấy, những người ăn hoặc uống 30 mg dung dịch vàng/ngày trong 4 tuần liên tiếp thì chỉ số IQ tăng lên 20%.

Tôi không thích vàng, nhưng đa số người dân đều thích sự quyền quý, bổ dưỡng và sang trọng của vàng, vì thế, tôi sử dụng vàng để đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của tất cả mọi người. Tôi dùng vàng để làm khách sạn, làm bể bơi, làm món ăn… để người ta nhớ đến, tìm đến. Tôi dùng vàng để tạo ra một hướng đi riêng, một xu hướng mới, làm kinh doanh mà đi theo người khác thì rất khó thành công.

Giới kinh doanh nói chung và makerting nói riêng đánh giá rất cao tài năng makerting của ông từ sản xuất bia, xây dựng khách sạn dát vàng và ẩm thực. Họ gọi ông là “Phù thủy makerting” bởi mỗi chiêu thức của ông đều gây tiếng vang, sự chú ý đặc biệt của thị trường. Xin ông chia sẻ kinh nghiệm với thị trường và đưa ra lời khuyên cho giới trẻ khởi nghiệp hiện nay?

Đất nước Việt Nam từ xưa đến nay không thời nào thiếu nhân tài. “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi đã viết: “Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau/ Song hào kiệt thời nào cũng có”. Trên thế giới, chưa có dân tộc nào 3 lần đánh thắng quân Nguyên, 2 lần đánh thắng đế quốc và thực dân sừng sỏ nhất thế giới là Mỹ và Pháp. Vậy mà chúng ta làm được!

Tại sao Việt Nam được thế giới khâm phục trong thời chiến lại không trở thành một đất nước mà cả thế giới cũng khâm phục trong thời cuộc xây dựng và phát triển đất nước?

Tôi luôn băn khoăn, trăn trở tìm hướng phát triển cho đất nước, cộng đồng doanh nghiệp và cho Hòa Bình Group, đặc biệt trong bối cảnh hiện tại, khi dịch bệnh Covid-19 đã tàn phá khủng khiếp nền kinh tế, doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề, đứng bên bờ phá sản, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tôi luôn nghĩ phải có một giải pháp, một cách làm đột phá nào đó thì chúng ta mới thoát khỏi tình trạng nguy hiểm này.

Hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm sản xuất ra không chỉ giảm lượng tiêu thụ, vận chuyển khó khăn, khó xuất khẩu, mà đưa vào hệ thống trung tâm thương mại cũng không được hoan nghênh, vì các trung tâm thương mại đó là của nước ngoài, họ phải ưu tiên bán hàng của nước họ. Nếu chúng ta không làm chủ được hệ thống thương mại, thì chúng ta sẽ thất bại.

Chúng ta có thế mạnh về du lịch với tài nguyên khí hậu rất ưu đãi, ấm áp hơn nhiều nước Đông Bắc Á, lại có cả mùa đông. Việt Nam cũng có nhiều danh lam thắng cảnh với hơn 3.620 km đường bờ biển nắng ngập tràn quanh năm. Chúng ta có lợi thế phát triển du lịch, nhưng tỷ lệ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam rất thấp.

Theo tôi, lý do là chúng ta chưa thỏa mãn được nhu cầu mua sắm của du khách. Nếu trước đây, du khách dành cho ẩm thực, lưu trú, di chuyển 70% chi tiêu, thì nay chỉ còn 30% và 70% cho mua sắm, vui chơi, giải trí. Tức là nếu đến năm 2030, Việt Nam đạt 100 triệu lượt khách quốc tế với chi tiêu mua sắm chỉ 1.000 USD/khách, thì sẽ đạt doanh thu 100 tỷ USD; 150 triệu lượt khách nội địa mỗi khách chi tiêu mua sắm 10 triệu đồng, chúng ta đã có 1,5 triệu tỷ đồng. Chúng ta sẽ có hàng trăm ngàn công ty, doanh nghiệp sản xuất, mua bán và hàng triệu người lao động phục vụ nhu cầu mua sắm khổng lồ này.

Năm 2022, dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường, ngay cả khi khả quan nhất, dự kiến chúng ta cũng chỉ đón được 5-10% lượng khách du lịch quốc tế của năm 2019. Ngành du lịch nước ta 5 năm nữa vẫn còn khó khăn. Nhưng khó khăn cũng là một lợi thế khi các quốc gia trở về cùng một điểm xuất phát.

Các nước đang lên kế hoạch, có các chính sách để thu hút khách du lịch, phục hồi nền kinh tế. Thái Lan đang lên kế hoạch với chiến lược hỗ trợ giá phòng và vé máy bay giá rẻ, đặt mục tiêu lấp đầy 50% phòng khách sạn ở Chiang Mai, Phuket, Nakhon Ratchasima và Ayutthaya, doanh thu 50% của năm 2019.

Cách đây vài hôm, tôi xem trên Bản tin VTV về làn sóng người châu Âu đổ xô đến Thổ Nhĩ Kỳ để du lịch và mua hàng hóa giá rẻ hơn nơi họ sinh sống. Rõ ràng, mô hình du lịch mua sắm giá rẻ nhất thế giới mà tôi đề xuất từ mấy năm nay đã được một số nước học tập, áp dụng cho đất nước họ.

Nếu thực hiện Đề án Xây dựng hệ thống trung tâm thương mại thu phí tượng trưng, bán hàng giá rẻ hơn 30-40% so với thế giới, Việt Nam sẽ đi trước trong lĩnh vực thương mại với chiến lược hàng hóa chất lượng cao, giá rẻ nhất thế giới, sẽ nhanh chóng là thỏi nam châm thu hút khách du lịch, thỏa mãn tâm lý mua sắm, nghỉ ngơi sau suốt thời gian dài bị dịch bệnh “giam cầm”, vây hãm.

Người xưa có câu: “Bần cư trung thị vô nhân vấn, phú tại thâm sơn hữu khách tầm”, tức là nghèo khó ở giữa đô thị không ai hỏi, giàu có thì ở giữa rừng người ta thấy lợi ích cũng vẫn vào. Chúng ta phải tạo ra lợi ích cho khách hàng trên toàn cầu, thì người ta sẽ vào Việt Nam mua sắm, du lịch, tạo nguồn thu khổng lồ cho đất nước. Nhưng nếu chúng ta chậm chân, các nước như Thái Lan, Singapore sẽ làm trước, thì chúng ta sẽ lỡ cơ hội trong cuộc đua với họ. 

Lời khuyên của tôi với bạn trẻ khởi nghiệp là, du lịch Việt Nam vẫn là ngành kinh tế của tương lai, các bạn vẫn phải học ngoại ngữ, công nghệ thông tin, hoàn thiện các kỹ năng. Hãy học tập các doanh nghiệp lớn của nước ngoài, các dự án FDI lớn để tích lũy kiến thức, kinh nghiệm làm giàu, quản trị, điều hành của họ. Sau khi chúng ta có hệ thống trung tâm thương mại thì khởi nghiệp, đầu tư sản xuất hàng hóa để bán vào đấy, hoặc xuất khẩu, cạnh tranh với thị trường thế giới.

Được biết, từ năm 2015, ông đã đề xuất xây dựng hệ thống trung tâm thương mại miễn phí thuê mặt bằng. Đến nay, ông còn theo đuổi kế hoạch đó hay không?

Từ năm 2015, để chứng minh Đề án Xây dựng hệ thống trung tâm thương mại miễn phí trên cả nước khả thi, Hòa Bình Group đã dành 25.000 m2 sàn miễn phí tại Trung tâm Thương mại Hòa Bình (Hà Nội) cho các doanh nghiệp trong nước làm nơi giới thiệu, quảng bá, bán sản phẩm của mình. Việc miễn phí thuê mặt bằng cho các doanh nghiệp đã đem lại hiệu quả cao, giá bán rẻ hơn so với các trung tâm thương mại khác tới 30%.

Tháng 3/2017, tại cuộc họp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Chính phủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ kết luận, Đề án của Hòa Bình là có hiệu quả, Chính phủ và các bộ, ngành ủng hộ. Trên cơ sở đó, chúng tôi đã trình Đề án lên Thủ tướng Chính phủ đề nghị xin được thuê đất xây dựng trung tâm thương mại tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Suốt 7 năm qua, Hòa Bình Group đã gửi nhiều văn bản, có nhiều buổi làm việc với các tổ chức, cơ quan trung ương và địa phương, đề nghị được thuê đất trả tiền hàng năm để xây dựng trung tâm thương mại theo cơ chế như các doanh nghiệp nước ngoài. Ý tưởng vừa khả thi, vừa hiệu quả cao đã nhận được sự ủng hộ của Quốc hội, Chính phủ, UBND các địa phương, song vì vướng nhiều cơ chế, chính sách về đất đai, nên đến nay vẫn chưa thể triển khai đồng loạt.

Ngày 15/9/2020, Hòa Bình Group đã gửi Công văn số 209-2020/CV-HB tới UBND TP. Hà Nội đề xuất đấu thầu chủ đầu tư Dự án Trung tâm thương mại V+ và Nhà ở với diện tích trung tâm thương mại là 620.000 m2 và khu nhà ở phục vụ trung tâm thương mại.

Sau rất nhiều công văn kiến nghị, đề xuất, đến ngày 4/11/2021, Ban Cán sự Đảng UBND TP. Hà Nội đã có báo cáo gửi Thường trực Thành ủy Hà Nội về đề xuất này của Hòa Bình Group. Chúng tôi đang chờ Thường trực Thành ủy Hà Nội họp quyết định, thông qua.

Nếu được thông qua và hoàn thiện các thủ tục trong 2 tháng, thì từ tháng 3/2022, chúng tôi có thể khởi công xây dựng. Với năng lực thiết kế, thi công, quản lý và áp dụng công nghệ xây dựng tiên tiến nhất, chúng tôi có thể hoàn thành công trình sau 18 tháng, khánh thánh vào tháng 10/2023, đúng dịp kỷ niệm 1.013 năm Thăng Long - Hà Nội. Chúng tôi cũng sẽ hoàn tất các hạng mục của Dự án sau 42 tháng kể từ khi khởi công.

Tôi tin rằng, đề án trung tâm thương mại thu phí tượng trưng sẽ là nhân tố mới đưa du lịch Việt Nam cất cánh, sánh vai với các cường quốc du lịch trong khu vực và trên thế giới.

Tin liên quan
Tin khác