- Doanh nhân Vũ Quỳnh Anh, CEO Hoàng Minh Travel: “Nghề du lịch mang đến cho tôi một cuộc đời ý nghĩa”
- Doanh nhân Lê Duy Toàn, CEO Duy Anh Foods: Tinh thần tự hào dân tộc dẫn lối khởi nghiệp
- Tú Vũ, nhà sáng lập refined. Coffee: Khát khao thay đổi định kiến về cà phê Robusta của Việt Nam
- Doanh nhân Nguyễn Bình Nam, nhà sáng lập, Giám đốc điều hành Opla CRM: Tự tin chinh phục thị trường Mỹ
Doanh nhân Nguyễn Ngọc Thịnh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Dịch vụ Thương mại Tiến Thịnh |
Chinh phục các “ông lớn” công nghệ
Sản phẩm chủ đạo của Công ty Tiến Thịnh là dây điện từ đạt yêu cầu khắt khe của đối tác quốc tế, đặc biệt là dòng sản phẩm dây đồng tròn tráng men cách điện với kích thước từ siêu nhỏ đến siêu lớn (0,05 mm - 4,00 mm), tráng tối đa 3 lớp men với cấp chịu nhiệt lên đến 240 độ C.
Hiện Tiến Thịnh là một trong những doanh nghiệp đi đầu cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho những “ông lớn” công nghệ hàng đầu thế giới, như Canon, Toyota, Toshiba, Beko, Samsung, LG, Electrolux, Bosch… Tiến Thịnh cũng là công ty duy nhất tại Việt Nam có thể sản xuất được dây nhôm bọc men cách điện, dây LITZ, USTC với kích thước, số sợi, số bước xoắn và vật liệu bọc phù hợp với yêu cầu của nhiều tập đoàn đa quốc gia.
Doanh nhân Nguyễn Ngọc Thịnh chia sẻ, để tham gia được chuỗi cung ứng toàn cầu, Tiến Thịnh đã phải “hy sinh” tài chính, chịu sức ép về quản trị trong nhiều năm, đặc biệt, phải đảm bảo các tiêu chí: giá cả cạnh tranh, sản phẩm chất lượng cao, dịch vụ hoàn hảo…
Trên thực tế, không nhiều doanh nghiệp trong nước đạt được tất cả tiêu chí trên. Để đạt được, mỗi doanh nghiệp đều phải trải qua quá trình đầu tư lâu dài, chấp nhận tỷ suất lợi nhuận không cao…
- Doanh nhân Nguyễn Ngọc Thịnh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Dịch vụ Thương mại Tiến Thịnh
Với Tiến Thịnh, hành trình này gian nan gấp nhiều lần, vì xuất phát điểm là một doanh nghiệp gia đình chuyên sản xuất dây quấn của máy ổn áp để hỗ trợ ổn định nguồn điện cho các hộ gia đình, quy mô nhỏ, tiềm lực tài chính hạn chế.
Năm 2007, khi Nguyễn Ngọc Thịnh bắt đầu tiếp quản doanh nghiệp, nhu cầu sử dụng ổn áp gần như không còn. Trong khi đó, các thiết bị như quạt máy, máy lạnh, máy giặt… được sử dụng rộng rãi, lượng tiêu thụ ngày càng tăng.
Nhìn thấy tiềm năng của thị trường, anh quyết định chuyển sang sản xuất dây kim loại đồng, nhôm bọc men cách điện dùng trong các loại động cơ… Mục tiêu được doanh nhân 8X đặt ra là đưa Tiến Thịnh trở thành nhà cung ứng của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Có thể nói, đây là quyết định mang tính bước ngoặt, đánh dấu điểm bắt đầu của hành trình đưa Tiến Thịnh đến với chuỗi cung ứng toàn cầu. Hướng tới những khách hàng lớn cũng đồng nghĩa khó khăn sẽ gia tăng. “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, Nguyễn Ngọc Thịnh không ngại nâng mức thử thách cho bản thân. Anh dồn nhiều tâm huyết, đầu tư kinh phí cho máy móc thiết bị, đội ngũ nhân sự…
Khi đó, các doanh nghiệp Việt chủ yếu sản xuất thép xây dựng, rất ít doanh nghiệp đầu tư phát triển thép kỹ thuật. Nhờ sớm chuyển hướng sản xuất, nên Tiến Thịnh có cơ hội tiếp cận các đối tác nước ngoài khi họ tìm mua linh kiện chất lượng để đảm bảo hoạt động sản xuất.
Ngoài ra, anh Thịnh còn tự tạo ra cơ hội cho mình khi chủ động tham gia các hội chợ, triển lãm; cố gắng “gõ cửa” các nhà máy lớn trên thế giới. Đáp ứng được các tiêu chí khắt khe, Tiến Thịnh đã chinh phục được những “gã khổng lồ” trong ngành công nghệ.
Đến năm 2012, doanh nghiệp bắt đầu làm việc với các tập đoàn nước ngoài nhiều hơn và trở thành một “điểm nối” của chuỗi cung ứng toàn cầu, là đối tác chiến lược đáng tin cậy của các doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Mạnh dạn đầu tư để phát triển
“Thời điểm tôi bắt đầu tiếp quản doanh nghiệp của gia đình và thay đổi định hướng phát triển của Tiến Thịnh, ngành điện - điện tử của Việt Nam chưa có tên trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các doanh nghiệp đa quốc gia, nhiều tên tuổi vẫn chưa chấp nhận doanh nghiệp Việt. Tôi đứng trước sự lựa chọn: tiếp tục hay dừng lại”, anh Thịnh kể.
Cơ hội tốt, nhưng thách thức cũng không nhỏ, bởi các đối tác đặt ra yêu cầu chung: giá và chất lượng sản phẩm của Tiến Thịnh phải đồng đều với các nhà cung cấp khác trên thế giới, trong đó có các nhà cung cấp của Trung Quốc.
Lường trước khó khăn và cả những rủi ro, nhưng anh Thịnh vẫn quyết định đầu tư, vì tin tưởng rằng, mình sẽ làm được.
Nhưng, thành công không đến dễ dàng. Sau 4 - 5 năm đầu tư nhà xưởng, máy móc thiết bị và con người…, Tiến Thịnh mới lọt vào “mắt xanh” của các đối tác nước ngoài.
Những hợp đồng đầu tiên đã được ký kết, mà lợi nhuận thì vẫn… ở rất xa. “Các ông lớn trong ngành công nghiệp đưa ra mức giá thấp nhất trên hệ thống. Đặc biệt, giá trên mỗi sản phẩm của Tiến Thịnh chỉ được chênh lệch khoảng 5 - 10% so với nhà cung cấp của Trung Quốc. Do chưa có kinh nghiệm sản xuất hàng hóa theo các chuẩn quốc tế, tỷ lệ hao hụt cao, nguồn nguyên liệu đầu vào chưa được tối ưu…, Tiến Thịnh phải chịu lỗ đến 10% trong 4 năm đầu”, anh Thịnh nhớ lại những ngày tháng gian nan.
Chấp nhận “gồng mình” chịu lỗ để đổi lấy cơ hội hợp tác với các tập đoàn đa quốc gia là một quyết định đầy bản lĩnh của Nguyễn Ngọc Thịnh, đồng thời cũng cho thấy, anh là một người “thuyền trưởng” có tầm nhìn chiến lược.
Tự đặt câu hỏi: “Tại sao doanh nghiệp Trung Quốc có thể bán sản phẩm, linh kiện với giá rất rất cạnh tranh”, anh Thịnh tìm đáp án bằng cách đi đến rất nhiều nhà xưởng trên khắp thế giới để xây dựng lại chuỗi cung ứng cho riêng mình; nghiên cứu sử dụng phương pháp sản xuất tối ưu, nâng cao trình độ của đội ngũ lao động để hạn chế phế phẩm ở mức thấp nhất có thể.
Đồng thời, anh mạnh tay đầu tư, thay mới hoàn toàn công nghệ, nhập khẩu máy móc, thiết bị hiện đại để nâng tầm doanh nghiệp; thay đổi cả cách quản lý, điều hành, hướng đến phong cách quản trị tiên tiến mà mình đã học hỏi được từ các doanh nghiệp Mỹ, Đức…
Để nâng chất lượng sản phẩm, Tiến Thịnh đầu tư dây chuyền sản xuất dây điện từ hoàn toàn tự động, giúp giảm thiểu phát sinh phế liệu và sự cố… Đặc biệt, hệ thống quản lý chuẩn mực theo ISO & IATF được Tiến Thịnh áp dụng để sản phẩm đạt các tiêu chuẩn quốc tế về kỹ thuật (như UL, JIS C, IEC, NEMA, G) và thân thiện với môi trường (như RoHS, REACH…).
Đặc biệt, anh Thịnh chia sẻ, để chinh phục được các ông lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, cần phải hiểu được văn hóa mỗi quốc gia. Do đó, Tiến Thịnh thành lập đội ngũ quản trị quy trình phục vụ theo từng nhóm khách hàng.
Không ngừng ““nâng cấp” bản thân và doanh nghiệp
Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, nhìn lại hành trình đã đi qua và hướng đến mục tiêu phía trước, anh Thịnh chia sẻ: “Trước khi dấn thân vào lĩnh vực sản xuất, mở rộng quy mô lớn hơn, tôi đã dự đoán trước những khó khăn. Thế nhưng, với niềm đam mê và tin tưởng rằng bản thân sẽ làm được, nên tôi liên tục đầu tư cuốn chiếu, chinh phục chuỗi cung ứng toàn cầu và mở rộng danh mục sản phẩm để nâng cao tỷ suất lợi nhuận, đưa Tiến Thịnh hướng đến con đường phát triển bền vững”.
Anh nói, các tập đoàn lớn của nước ngoài khi tới Việt Nam đầu tư, đặt nhà máy thường kéo theo nhà cung ứng lâu năm, nên doanh nghiệp Việt rất khó “chen chân”. Sản phẩm hoàn thành ở Việt Nam, nhưng đến 90%, thậm chí 100% linh kiện là hàng nhập khẩu. Từ những trăn trở này, Tổng giám đốc Nguyễn Ngọc Thịnh đã quyết định “nâng cấp” doanh nghiệp, cũng là tự đặt ra thách thức cao hơn cho chính bản thân.
Anh cho biết thêm, sản phẩm phục vụ ngành công nghiệp hỗ trợ luôn dồi dào về nguồn cung, có sẵn ở nhiều quốc gia trên thế giới, nên mức độ cạnh tranh rất cao. Do đó, Tiến Thịnh lựa chọn sản xuất các sản phẩm độc quyền, có mặt đầu tiên ở Việt Nam, đồng thời hướng đến phát triển thêm những dòng sản phẩm điện, điện tử dùng cho tiêu dùng thiết yếu và phân phối trực tiếp đến người tiêu dùng để cải thiện tỷ suất lợi nhuận.
Với sự nhanh nhạy trong kinh doanh, mỗi khi dự báo và nhìn thấy cơ hội từ thị trường, anh lập tức cho đội ngũ nghiên cứu và sản xuất sản phẩm mới, để luôn là đơn vị đầu tiên cung ứng sản phẩm khi các tập đoàn lớn có nhu cầu. Đây cũng là một trong những bí quyết để Tiến Thịnh để chiếm lĩnh thị trường.
Hiện nay, các dòng sản phẩm của Tiến Thịnh đã được xuất khẩu sang Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc.
Về kế hoạch dài hạn, Tiến Thịnh đặt mục tiêu xuất khẩu toàn cầu cho những sản phẩm điện gia dụng vì nhu cầu về các dòng sản phẩm này tại nhiều thị trường rất cao.
Với những cố gắng không ngừng nghỉ, dưới sự chèo lái của Tổng giám đốc Nguyễn Ngọc Thịnh Công ty Tiến Thịnh đã nhận được sự tin tưởng, hợp tác của nhiều đối tác quốc tế và được các tổ chức trong nước đánh giá cao.
Cuối tháng 12/2022, anh Nguyễn Ngọc Thịnh vinh dự là một trong 5 doanh nhân trẻ xuất sắc được vinh danh tại Lễ trao giải thưởng “Doanh nhân trẻ xuất sắc TP.HCM” năm 2022 do Thành đoàn TP.HCM, Hội Liên hiệp Thanh niên TP.HCM và Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM tổ chức.