Doanh nghiệp
Doanh nhân Tạ Thanh Hải, Đồng sáng lập Công ty Công nghệ OLLI: Đưa AI đến từng ngóc ngách cuộc sống người Việt
Anh Hoa - 10/11/2024 13:55
Với niềm tin ngôi nhà là nơi quan trọng nhất trên thế giới, Tạ Thanh Hải và đội ngũ OLLI nỗ lực ứng dụng công nghệ để làm cho ngôi nhà trở thành nơi thoải mái nhất, giúp mọi người tận hưởng cuộc sống, nuôi dưỡng tốt con trẻ và chăm sóc những người thân yêu.
Tạ Thanh Hải (bên phải) và Bùi Bách Việt - Đồng sáng lập Công ty Công nghệ OLLI.

Cạnh tranh ngang ngửa với sản phẩm của Google, Amazon

Những chiếc loa thông minh trên thế giới dường như không còn quá xa lạ với mỗi người. Tiết kiệm đến 80% thời gian cho những việc hằng ngày như đặt hẹn, chơi nhạc, điều khiển các thiết bị trong nhà…, trợ lý ảo trên những chiếc loa này đang định hình một lối sống tiện lợi trong tương lai. Thế nhưng, không phải chiếc loa hay trợ lý ảo nào cũng hiểu tiếng Việt hay tương tác như cách một người Việt mong đợi. 

Đó cũng chính là nỗi băn khoăn, trăn trở không nhỏ của những người yêu công nghệ và yêu tiếng Việt như hai kỹ sư 8x Tạ Thanh Hải và Bùi Bách Việt.

Năm 2016, làn sóng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển mạnh mẽ trên toàn thế giới, hứa hẹn mở ra một kỷ nguyên mới của công nghệ. Khi đó, đang làm việc trong ngành ngân hàng, nhưng Bùi Bách Việt rất yêu thích khám phá về thiết kế kiến trúc hệ thống công nghệ của sản phẩm. Còn Tạ Thanh Hải qua thời gian làm việc tại Thung lũng Silicon (Mỹ) đã hưởng ứng mạnh mẽ tinh thần sáng tạo, tạo ra những sản phẩm tỉ mỉ và kỳ công. Hải cũng đã nhận ra đam mê của bản thân đối với công nghệ lập trình nhúng kết hợp đám mây và dữ liệu lớn. Cả hai đã tìm thấy niềm tin chung khi thành lập Công ty Công nghệ OLLI (OLLI).

Cuộc sống ngắn ngủi, tuổi trẻ qua mau. Mỗi ngày thức dậy, mình phải sống với đam mê sao cho sau này về già bớt tiếc nuối về những gì mình đã không lựa chọn thực hiện.

- Doanh nhân Tạ Thanh Hải, Đồng sáng lập Công ty Công nghệ OLLI

Hình ảnh những người lớn tuổi ở thành thị phải loay hoay, thậm chí căng thẳng khi sử dụng hệ thống thiết bị điện thông minh trong nhà; những người lớn tuổi ở vùng quê cô đơn khi con cháu đi làm xa; những đứa trẻ từ thành thị đến nông thôn đều dán mắt vào tivi, điện thoại để tìm kiếm niềm vui khi cha mẹ không có nhiều thời gian trò chuyện và chơi cùng con… đã thôi thúc họ quyết định khởi nghiệp với Dự án Trợ lý AI và loa thông minh thuần Việt nhằm đưa AI vào mọi gia đình, giúp cuộc sống của mọi thành viên trở nên nhẹ nhàng, vui vẻ, tích cực và gắn kết hơn. 

Về mặt kỹ thuật, OLLI nhắm tới việc làm chủ một hệ sinh thái hoàn chỉnh, bao gồm thiết kế và sản xuất thiết bị phần cứng tại nhà xưởng của riêng mình, xây dựng các nền tảng cloud, App, nghiên cứu AI, kết nối đối tác cho kho nội dung dữ liệu.

Việc làm một trợ lý AI giao tiếp nghe hiểu bằng tiếng Việt vào thời điểm 5 - 7 năm trước đòi hỏi nhiều dữ liệu đặc thù của ngôn ngữ, văn hóa, vùng miền… 

Tháng 5/2021, sau 5 năm nghiên cứu phát triển, OLLI chính thức ra mắt sản phẩm loa thông minh và trợ lý AI đầu tiên. 

“Sản phẩm đã phủ rộng ở Việt Nam, cạnh tranh tốt với các dòng sản phẩm loa thông minh của Google hay Amazon ở phần tiếng Việt”, Tạ Thanh Hải hồ hởi chia sẻ.

Đến nay, trợ lý AI Maika có hơn 80.000 người dùng và hộ gia đình phủ khắp tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước. Nền tảng này đã được kết nối với hơn 50 đối tác nhà thông minh, trở thành nền tảng AIoT đứng đầu, một cái tên quen thuộc đối với những ai sử dụng nhà thông minh tại Việt Nam.

Mở rộng sản phẩm, đưa AI đến từng ngóc ngách cuộc sống

Nhìn ra tiềm năng rất lớn của AI, Tạ Thanh Hải cho rằng, nếu chỉ dựa vào phân phối các thiết bị thông minh, thì sẽ không đưa được công nghệ AI đến từng ngóc ngách cuộc sống người Việt. Theo đó, OLLI bắt đầu mở rộng sang nhánh cung cấp nền trợ lý ảo của mình cho các đối tác công nghệ, đối tác sản xuất thiết bị điện tử, thiết bị điện lạnh trong nước.

Trong quá trình phân phối sản phẩm loa thông minh, Hải và các cộng sự nhận thấy, đa số người dùng loa là trẻ em và người lớn tuổi. Nắm bắt được nhu cầu này, OLLI mở rộng thị trường sang sản phẩm đồ chơi thông minh, hướng đến đối tượng trẻ em, giúp các em giảm sự phụ thuộc vào điện thoại.

Khoảng thời gian gọi vốn đầu tư cho OLLI còn giúp Hải nhận ra rằng, sản phẩm đồ chơi thông minh, an toàn, bổ ích cho trẻ là vấn đề quan tâm hàng đầu của các công ty đồ chơi trên thế giới. Vì vậy, OLLI quyết tâm mở rộng hệ sinh thái Maika sang thị trường quốc tế.

Đối với đồ chơi thông minh, OLLI sẽ giải bài toán lớn hơn về AI, vì sản phẩm cho trẻ em yêu cầu kiểm duyệt về nội dung chặt chẽ hơn. Đặc biệt, khi phân phối ra thị trường toàn cầu, sẽ yêu cầu khắt khe hơn về vấn đề thông tin an toàn.

AI đang tạo làn sóng cách tân, nhưng hầu hết người tiêu dùng vẫn chưa thích nghi, bởi AI chưa được ứng dụng mạnh mẽ vào cuộc sống hằng ngày. Sự ra đời của ChatGPT vào cuối năm 2022 đã giúp mở rộng ý thức và sự quan tâm của đại chúng đối với sức mạnh của AI. Tuy nhiên, nó chỉ thể hiện mạnh mẽ trong lĩnh vực hành chính văn phòng (như soạn thảo văn bản, tìm kiếm thông tin) và marketing, như viết nội dung, tạo hình ảnh, video…

Với lợi thế làm chủ cả công nghệ AI đến thiết bị phần cứng, những người sáng lập OLLI đã nhanh nhạy học hỏi và ứng dụng các mô hình AI mới nhất vào hệ thống hiện tại để tăng sự trải nghiệm cho khách hàng. Trong phiên bản phần mềm có tích hợp ChatGPT, người dùng loa Maika đã cảm nhận được sức mạnh vượt trội của AI khi nó có thể trả lời bất kỳ thông tin gì mà người dùng muốn biết, từ khoa học, lịch sử, địa lý, văn chương đến đời sống tâm linh. 

Công nghệ mang đến rất nhiều tiến bộ vượt bậc cho xã hội, nhưng cũng làm giảm sự kết nối trực tiếp giữa con người. Số lượng trẻ em mắc các chứng bệnh tự kỷ tăng động, rối loạn cảm xúc hành vi, giảm thị lực do nghiện thiết bị thông minh có màn hình gia tăng. Chứng kiến thực trạng này, Tạ Thanh Hải và các cộng sự tại OLLI luôn trăn trở tìm cách tạo ra sản phẩm giúp trẻ em học tập, vui chơi lành mạnh và giảm lệ thuộc vào điện thoại.

Loa thông minh Maika hiện tại và các thiết bị đồ chơi tích hợp trợ lý Maika trong tương lai hứa hẹn “giải phóng” trẻ em khỏi màn hình điện thoại. Qua việc rèn luyện nói chuyện hằng ngày với trợ lý Maika, trẻ sẽ tăng khả năng giao tiếp và kết nối bằng âm thanh, bằng ngôn từ với thế giới xung quanh.

Với trợ lý Maika tiếng Việt, bên cạnh phát triển các tính năng giáo dục, hỗ trợ việc học tập của trẻ như đánh vần, viết chính tả, luyện đọc tiếng Anh, chơi đố vui…, OLLI còn chú trọng phát triển kho nội dung mang giá trị nhân văn và được kiểm duyệt kỹ lưỡng với gần 500 truyện cổ tích, gần 300 bài đồng dao và thơ thiếu nhi, hàng trăm âm thanh thú vị (tiếng động vật, xe cộ, thiên nhiên), giúp nuôi dưỡng trí tuệ cảm xúc cho trẻ.

“Chúng tôi tin rằng, nếu tuổi thơ của các con được nuôi dưỡng, tưới tẩm trong những điều tích cực, thiện lành, thì lớn lên, các con sẽ có cuộc đời hạnh phúc và bình an. Có lẽ, rất nhiều bậc phụ huynh vẫn nghĩ rằng, chỉ số thông minh quyết định hoàn toàn sự thành công sau này của một đứa trẻ. Nhưng các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, chỉ số trí tuệ cảm xúc quyết định đến 80% sự thành công và hạnh phúc của một đứa trẻ khi trưởng thành, trong khi đó, chỉ số thông minh chỉ chiếm 20%”, Tạ Thanh Hải phân tích.

Ngoài nhóm trẻ em, OLLI còn quan tâm tới đời sống tinh thần của những người lớn tuổi, những cuộc đời không may mắn bị mất đi ánh sáng từ lúc vừa mới chào đời hay do biến cố trong cuộc sống. Đó là động lực để đội ngũ OLLI phát triển tính năng điều khiển nhà thông minh, gọi điện, nhắc nhở, radio, tin tức, podcast, pháp thoại, kinh phật…

Tin ở người bạn đồng hành

Khoảng 7 năm nay, Hải sống ở Mỹ, nhưng dành toàn thời gian cho OLLI. Là đồng sáng lập, nên Hải và Việt có sự phân vai rõ ràng trong vận hành và phát triển Công ty. Trong giai đoạn đầu, cả hai cùng phát triển sản phẩm. Sau này, Việt tập trung vào quản lý sản xuất, quản lý kho, quy trình hoạt động, marketing; Hải tập trung vào kinh doanh, gọi vốn, tài chính, quản lý và tuyển dụng nhân sự.

“Cả hai có sự bổ trợ, bọc lót cho nhau. Điều quan trọng nhất là niềm tin dành cho nhau. Chúng tôi chơi thân với nhau từ năm lớp 7, trải qua thời gian học cùng cấp 2, cấp 3 và ở Mỹ cùng với nhau trong thời đại học, nên thật sự rất hiểu và tin tưởng nhau”, anh Hải chia sẻ.

Tuy vậy, hai nhà đồng sáng lập vẫn có sự khác biệt. Việt khá kỹ lưỡng, chi tiết, phân tích mọi việc cẩn thận và là người cực kỳ thông minh, sáng tạo; còn Hải lại là người liều lĩnh, nhiệt huyết vì đam mê, nhưng cũng rất kiên nhẫn khi cần và luôn tò mò khám phá những cái mới.

Thời gian qua, OLLI gọi vốn từ các nhà đầu tư thiên thần và đang tiến hành gọi vốn từ các quỹ đầu tư trong nước, ngoài nước. Kế hoạch gọi vốn cho các vòng tiếp theo sẽ được cân nhắc kỹ lưỡng, trên cơ sở lợi nhuận mà Công ty tạo ra, có mục đích sử dụng rõ ràng để mở rộng các dòng sản phẩm mới và tiếp cận thị trường mới.

“OLLI sẽ không gọi vốn chỉ vì mục đích gọi vốn và có tiền, tránh xa việc bị rơi vào tình trạng đói vốn liên tục do đối mặt với áp lực tăng trưởng quá nhanh”, Hải khẳng định.

Theo Hải, để phát triển công ty bền vững, cần có thời gian xây dựng năng lực nội tại cho đội ngũ nhân sự, có thời gian để họ nâng cao năng lực, đi cùng với sự phát triển của công ty.

Hải thừa nhận, việc xây dựng một nền tảng như Maika không hề dễ. Đó là lý do chỉ có vài công ty trên thế giới làm trợ lý riêng cho mình (trước khi có ChatGPT) như: Amazon Alexa, Google Assistant, Apple Siri, Xiaomi XiaoAi, Alibaba Genie, KaKao AI. Một tên tuổi khởi nghiệp thuần Việt đi được đến ngày hôm nay, còn giữ nguyên chiến lược mục tiêu lâu dài là đưa sản phẩm Việt ra đấu trường công nghệ thế giới chính là lời khẳng định tiềm năng công nghệ của Việt Nam. Trong tương lai, những nghiên cứu đó sẽ góp phần ghi dấu tên tuổi công nghệ Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới.

Tin liên quan
Tin khác