Matsuo bên vườn hoa cúc ở thung lũng Darahoa. Ảnh: Người đô thị |
Sinh ra trong một gia đình có 4 đời trồng hoa cúc ở Nhật Bản, sau khi tốt nghiệp đại học ngành nông học ở Okasa, Matsuo tiếp tục theo nghiệp của cha mình. Tuy nhiên với bản tính thích đi đây đi đó và tìm những cái mới, khi bắt đầu bước qua tuổi 30, Matsuo đã qua Việt Nam và tìm đến Đà Lạt, một vùng hoa bậc nhất Việt Nam, được nhiều nơi trên thế giới biết đến.
Qua sự giới thiệu của một người quen, Matsuo tìm đến thung lũng Darahoa (cách trung tâm TP Đà Lạt 27km) thuê lại 2ha nhà kính đã khá cũ của một nhà vườn. Từ đây, nhiều người cứ tưởng khu đất này sẽ được cải tạo toàn bộ và lắp đặt những thiết bị hiện đại, tiên tiến của ngành trồng hoa Nhật Bản. Thế nhưng Matsuo lại để nguyên hiện trạng và bắt tay ngay vào việc sản xuất. Cộng sự sát cánh của anh không phải là một kỹ sư chuyên ngành từ Nhật hay Việt Nam mà là một cử nhân văn chương ở Đà Lạt lớn hơn Matsuo 10 tuổi, giữ vai trò trợ lý và quản đốc của khu vườn.
Mất một thời gian để tiếp cận văn hóa, nếp sống của người dân tộc Cill bản địa và cả người Kinh trong vùng, ngày ngày, Matsuo không ngần ngại phóng xe máy hàng chục cây số để đi giao dịch công việc. Ngoài ngôn ngữ chính là tiếng Anh, Matsuo còn cố gắng học nói tiếng Việt và tiếng K’Ho với những câu đơn giản để giao tiếp. Anh quyết định chỉ thu nhận nhân công trồng hoa cho khu vườn của mình là người Cill bản địa vì có sức khỏe tốt, quen với môi trường rừng núi, nhưng tính kỷ luật trong công việc và tiếp thu kỹ thuật mới còn hạn chế. Tuy nhiên, Matsuo cùng người trợ lý Nguyễn Văn Lâm đã sớm khắc phục được điều này. Lâm được Matsuo truyền đạt về kiến thức nông nghiệp, kinh nghiệm trồng hoa cúc ở Nhật Bản, đồng thời gửi đi học những khóa tập huấn ngắn ngày do những doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam tổ chức.
Khâu đóng gói hoa xuất khẩu đi Nhật |
Để thuận tiện trong giao dịch, Matsuo đăng ký thành lập doanh nghiệp và thương hiệu hoa cúc là Marine Agri Farm. Anh cho nhập 31 giống hoa cúc từ Nhật Bản và Hà Lan với những chủng loại giống và màu sắc mà thị trường Nhật ưa chuộng vì mục tiêu xuất thẳng về Nhật mà không tham gia thị trường nội địa.
Người trợ lý của Matsuo cho biết, tuy vườn hoa cúc của Matsuo được sản xuất theo công nghệ rất thủ công như bao vườn hoa khác ở Đà Lạt, nhưng sản phẩm này vẫn hàng tuần vào được Nhật Bản do đạt tiêu chuẩn và được thị trường ưa chuộng. Hàng ngày công nhân ở Marine Agri Farm mỗi người mỗi khâu từ sản xuất giống, trồng, chăm sóc hoa, thu hoạch và đóng gói diễn ra nhịp nhàng. Trung bình cứ vào thứ Bảy hàng tuần, từ vườn của Matsuo sẽ có 15.000-20.000 cây hoa cúc được đưa lên container bảo quản lạnh đưa về cảng ở TP. HCM, sau đó đi bằng đường biển khoảng 10 ngày thì tới trung tâm đấu xảo hoa ở Okasa, Nhật Bản.
Với sản lượng hoa thế này không lớn so với tổng diện tích của trang trại mà Matsuo đang làm, nhưng doanh nhân trẻ người Nhật cho biết thời điểm này vẫn trong giai đoạn thử nghiệm sao cho hoa cúc của trang trại hoàn toàn thích nghi với điều kiện môi trường nơi đây.
Ngôi biệt thự nhỏ được Matsuo xây dựng và đưa vợ con từ Nhật sang sinh sống |
Một dự án liên doanh trồng hoa cúc với diện tích lên tới 30ha sẽ được triển khai tại xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) vào tháng 5 tới. Ở dự án này, việc đầu tư hệ thống canh tác sẽ rất hiện đại theo tiêu chuẩn Nhật và Matsuo sẽ đóng vai trò quan trọng trong liên doanh đang hình thành này. Để chuẩn bị cho dự án mới, hiện Matsuo đã đưa người vợ trẻ cùng con nhỏ qua sống ở căn biệt thự xinh xắn trong khu vườn tại thôn Darahoa, nơi còn hoang vu, vắng vẻ để hòa cùng công việc với những công nhân là người Cill bản địa thân thiện và chất phác