Quốc tế
Doanh số bán lẻ của Mỹ giảm mạnh nhất trong gần 2 năm
Đông Phong - 15/02/2025 19:11
Doanh số bán lẻ của Mỹ trong tháng 1/2025 giảm mạnh nhất trong gần hai năm qua, một dấu hiệu cho thấy sự suy giảm mạnh về tăng trưởng kinh tế ngay đầu quý I/2025.
Tâm lý người tiêu dùng Mỹ chuyển biến xấu đi sau khi lạm phát vào đầu tháng 2 được dự báo đạt mức cao nhất trong 15 tháng. Ảnh: AFP

Doanh số bán lẻ của Mỹ trong tháng 1/2025 đã giảm 0,9% theo tháng, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 3/2023, sau khi tăng 0,7% vào tháng 12/2024, theo công bố ngày 14/2 của Cơ quan thống kê thuộc Bộ Thương mại Mỹ. So với cùng kỳ năm trước, doanh số bán lẻ tháng 1 của Mỹ đã tăng 4,2%.

Các nhà kinh tế được Reuters thăm dò đã dự báo doanh số bán lẻ, chủ yếu là hàng hóa và không được điều chỉnh theo lạm phát, sẽ giảm 0,1% trong tháng 1/2025.

Tuy vậy, doanh số bán lẻ giảm mạnh có lẽ không phản ánh sự thay đổi đáng kể trong chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ vì trước đó nó đã có 4 tháng liên tiếp tăng trưởng mạnh.

Trong tháng 1, doanh số bán xe cơ giới giảm mạnh nhất khi các đại lý ô tô báo doanh số giảm 2,8% sau khi mức tăng 0,9% vào tháng 12. Ngoài thời tiết có thể khiến người mua không đến các phòng trưng bày, tình trạng thiếu hụt có thể là một nguyên nhân khiến doanh số bán xe giảm.

Dữ liệu khác từ Cơ quan thống kê thuộc Bộ Thương mại Mỹ cho thấy lượng hàng tồn kho xe cơ giới bán lẻ đã cạn kiệt vào tháng 12/2024. Nguồn cung khó có thể cải thiện, với báo cáo từ Fed cho thấy sản lượng xe cơ giới giảm mạnh 5,2% vào tháng 1.

Ngoài ra, doanh số bán đồ thể thao, sở thích, nhạc cụ và các đồ bán tại hiệu sách đã giảm 4,6% trong tháng 1.

Trái lại, các dịch vụ ăn uống, thành phần dịch vụ duy nhất trong báo cáo doanh số bán lẻ, đã tăng 0,9% trong tháng 1 sau khi tăng nhẹ 0,1% vào tháng trước. Các nhà kinh tế coi việc ăn uống bên ngoài là một chỉ số quan trọng về sức khỏe tài chính của các hộ gia đình Mỹ.

Thật vậy, phần lớn nước Mỹ bị bao phủ bởi bão tuyết và băng giá vào tháng 1, trong khi cháy rừng đã thiêu rụi nhiều vùng ven đô ở Los Angeles.

"Sự sụt giảm là rất lớn, nhưng một số yếu tố giảm nhẹ cho thấy không có lý do gì đáng ngại", ông Robert Frick, chuyên gia kinh tế doanh nghiệp tại Navy Federal Credit Union, nhận định.

Ông Jay Hawkins, chuyên gia kinh tế cấp cao tại PNC Financial, cho rằng: "Các vụ cháy rừng ở Los Angeles, khu vực đô thị lớn thứ hai ở Mỹ và thời tiết mùa đông khắc nghiệt ở các khu vực khác của đất nước, có thể đã hạn chế hoạt động mua sắm trực tiếp".

Các nhà kinh tế cho rằng rất khó để loại bỏ những biến động lớn theo mùa khỏi dữ liệu kinh tế Mỹ vào đầu năm. Không riêng doanh số bán lẻ, xu hướng này cũng thể hiện rõ trong báo cáo lạm phát tiêu dùng tháng 1.

Họ vẫn kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ không cắt giảm lãi suất trong nửa đầu năm này, trong bối cảnh một số chính sách của chính quyền Tổng thống Donald Trump, đặc biệt là thuế quan với hàng nhập khẩu, đã phủ mây đen lên nền kinh tế.

Việc mua hàng trước để phòng ngừa thuế quan đã giúp thúc đẩy doanh số bán lẻ tại Mỹ trong những tháng gần đây. Nhưng tâm lý người tiêu dùng đã xấu đi sau khi lạm phát vào đầu tháng 2 được dự báo đạt mức cao nhất trong 15 tháng. Các hộ gia đình Mỹ nhận thấy rằng "có thể đã quá muộn để tránh tác động tiêu cực của chính sách thuế quan", theo kết quả khảo sát người tiêu dùng của Đại học Michigan vào tuần trước.

"Có thể mọi người đang bối rối về câu chuyện thuế quan và nghĩ rằng chúng sẽ xảy ra ngay lập tức và do đó thậm chí không cân nhắc đến việc mua hàng", ông James Knightley, chuyên gia kinh tế quốc tế trưởng tại ING cho biết.

"Chúng ta sẽ cần phải đợi đến dữ liệu tháng 2 để xem liệu đây có phải là khởi đầu của xu hướng người tiêu dùng thận trọng hơn hay thực sự chỉ là sự sụt giảm liên quan đến thời tiết", chuyên gia của ING nói thêm.

Tổng thống Trump đã hoãn áp thuế quan 25% đối với hàng hóa của Mexico và Canada cho đến tháng 3, còn mức thuế bổ sung 10% đối với hàng hóa từ Trung Quốc đã có hiệu lực trong tháng này.

Chiến tranh thương mại nóng lên khi tuần này, ông Trump đã yêu cầu cho đội ngũ kinh tế của mình lập kế hoạch áp dụng thuế quan có đi có lại đối với mọi quốc gia đánh thuế hàng nhập khẩu của Mỹ.

Số liệu bán lẻ đã không làm thay đổi nhiều quan điểm cho rằng Fed sẽ đợi đến cuối năm mới tiến hành đợt cắt giảm lãi suất tiếp theo.

Fed đã giữ nguyên lãi suất cơ bản trong ngưỡng 4,25 - 4,50% vào tháng 1, sau khi đã giảm 100 điểm cơ bản kể từ tháng 9/2024 - thời điểm bắt đầu chu kỳ nới lỏng chính sách. Trước đó, cơ quan tiền tệ Mỹ đã tăng 5,25 điểm phần trăm lãi suất cơ bản vào năm 2022 và 2023 để kiềm chế lạm phát.

Tin liên quan
Tin khác