Chỉ có 910 xe dưới 7 chỗ qua trạm thu phí cầu Hạc Trì trong khi có tới 4.385 lượt xe qua lại cầu Việt Trì cũ (miễn phí)/ngày đêm |
Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa báo cáo Bộ Giao thông vận tải (GTVT) kết quả giám sát công tác thu phí của Trạm thu phí cầu Việt Trì mới (cầu Hạc Trì) – hoàn vốn cho Dự án xây dựng cầu Việt Trì mới dành riêng cho giao thông đường bộ qua sông Lô trên Quốc lộ 2.
Theo ghi nhận của Đoàn kiểm tra độc lập của Tổng cục Đường bộ, trong vòng 10 ngày (từ 12h ngày 5/10 – 12h ngày 15/10/2016), lưu lượng xe qua trạm thu phí cầu Hạc Trì là 37.370 lượt xe bao gồm 5 loại xe, các xe vé tháng/quý và xe miễn phí. Tính bình quân, mỗi ngày chỉ có 3.838 lượt xe qua trạm thu phí cầu Hạc Trì, trong đó có 910 xe loại 1(xe chở người dưới 7 chỗ).
Điều đáng nói là trong khi đó lưu lượng xe loại 1 (xe chở người dưới 7 chỗ) qua cầu Việt Trì cũ (miễn phí) là 4.385 lượt xe/ngày đêm.
Tính toán của đoàn kiểm tra cho thấy, doanh thu bình quân 1 ngày trong thời gian giám sát tại trạm thu phí cầu Hạc Trì là 202 triệu đồng. Con số này gần như không có sự chênh lệch với số liệu do Nhà đầu tư cung cấp trong vòng 10 ngày trước giám sát.
Mức doanh thu rất đáng quan ngại này, theo đoàn kiểm tra, chỉ bằng 64% so với phương án tài chính theo hợp đồng BOT. Nếu tính cả việc nút giao IC7 của tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai sắp được thông xe, doanh thu thu phí của trạm Hạc Trì trong năm 2017 có thể giảm tiếp 7% nữa.
Trong văn bản gửi Bộ GTVT, ông Nguyễn Xuân Cường – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền, xem xét, quyết định việc điều chỉnh thời gian thu phí của Dự án như thỏa thuận trong hợp đồng BOT.
Trao đổi với báo Đầu tư, đại diện Công ty cổ phần BOT cầu Việt Trì từ chối đưa ra bình luận về báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam nhưng cho biết là sẽ chờ cơ quan nhà nước có thẩm quyền đưa ra các hỗ trợ theo đúng cam kết của hợp đồng BOT cũng như khi tiến hành kêu gọi đầu tư.
Theo các chuyên gia, nếu trừ đi các chi phí vận hành, doanh thu thực tế được tính hoàn vốn mà Công ty cổ phần BOT cầu Việt Trì chỉ thu về khoảng 45% doanh thu dự kiến. Hiện thời gian thu phí hoàn vốn cho Dự án được tạm tính là 18 năm 6 ngày bắt đầu từ ngày 1/6/2015. Nếu như không có thêm hỗ trợ của Nhà nước, nhà đầu tư này sẽ hơn 40 năm để hoàn vốn.
Trường hợp mức độ tăng trưởng lưu lượng xe không đạt được như tính toán và tính đến các điều kiện bất lợi nêu trên như xe đi nhiều qua hướng nút giao IC7, IC9 và cầu Việt Trì - Ba Vì , giá vé cũng không tăng được như theo tính toán do các yếu tố khách quan khác thì Dự án coi như đã vỡ trận về phương án tài chính.
Liên quan đến việc thu phí cầu Hạc Trì, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có văn bản chỉ đạo Bộ GTVT chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá an toàn cầu Việt Trì và giải pháp phân luồng giao thông. Trên cơ sở rà soát chặt chẽ tổng mức đầu tư Dự án BOT cầu Việt Trì mới và phương án tổ chức giao thông, Bộ Giao thông vận tải và Nhà đầu tư thực hiện điều chỉnh Hợp đồng BOT theo thẩm quyền, đúng quy định hiện hành.
“Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ tuyên truyền cho người dân khu vực Dự án về phương án tổ chức giao thông; có biện pháp xử lý thích hợp đối với các đối tượng có hành vi phá loại tài sản, cản trở giao thông để bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Trước đó, Bộ GTVT đã có tại văn bản số 9492/BGTVT-KCHT ngày 16/8/2016 về việc sửa chữa cầu Việt Trì cũ trên QL.2. Theo đó, sau khi sửa chữa xong từ ngày 21/8/2016 sẽ cho xe con chở người 7 chỗ trở xuống, xe máy và xe thô sơ đi qua.
Kể từ ngày 21/8 đến nay doanh thu thu phí sụt giảm mạnh từ khoảng 280 - 300 triệu/ngày đêm xuống còn 202 triệu/ngày đêm.