Kim ngạch xuất khẩu dệt may 7 tháng năm 2024 so với cùng kỳ. |
Theo thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu dệt may trong tháng 7/2024 đạt 4,29 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 16,1% so với tháng trước.
Trong đó: Xuất khẩu xơ sợi dệt đạt 373,3 triệu USD, giảm 2,7%, hàng dệt may đạt 3,71 tỷ USD, tăng 13,7%, vải mành, vải kỹ thuật khác đạt 68,2 triệu USD, tăng 34,7%, nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày đạt 135 triệu USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Như vậy, tháng 7 là tháng đầu tiên trong năm 2024 kim ngạch xuất khẩu dệt may vượt mốc 4 tỷ USD và cũng là tháng có kim ngạch xuất khẩu đạt mức cao nhất kể từ tháng 8/2022.
Lũy kế 7 tháng năm 2024, xuất khẩu toàn ngành dệt may Việt Nam đạt 23,9 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ, tương ứng với mức tăng 1,33 tỷ USD.
Hầu hết các mặt hàng đều có sự cải thiện về kim ngạch xuất khẩu. Gồm: Hàng xơ sợi dệt đạt 2,53 tỷ USD, tăng 3,5%, hàng dệt may đạt 20,2 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ, vải mảnh, vải kỹ thuật khác đạt 458 triệu USD, tăng 18%, nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày đạt 878 triệu USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sau năm 2023 tăng trưởng âm, từ đầu năm nay, đơn hàng dệt may dần phục hồi, những thàng gần đây, mức độ phục hồi rõ rệt hơn, nhất là trong tháng 7. Tuy nhiên, so với các ngành xuất khẩu lớn như điện tử, máy tính và giày dép, dệt may vẫn có mức tăng trưởng thấp nhất.
Đơn cử: xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện tăng 30%, điện thoại và linh kiện tăng 12,3%, giày dép 10,1%, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác tăng 19%...
Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), xuất khẩu dệt may đang quay lại đà phục hồi, các doanh nghiệp đã có đơn đặt hàng đến hết quý III và cuối năm 2024, tuy nhiên, doanh nghiệp sản xuất cũng đang đối mặt với nhiều thách thức mới do khách hàng có thay đổi yêu cầu, thường đặt đơn hàng nhỏ, số lượng ít, đơn giá thấp, thời gian giao hàng ngắn.
Ở các thị trường như EU, Mỹ, yêu cầu về sản xuất xanh, bền vững từ nguyên liệu, lao động, thiết bị đến năng lượng, vận chuyển đều được luật hoá và triển khai đồng bộ.
Cùng đó, ngành dệt may Việt Nam cũng chịu áp lực ngày càng lớn về lao động để hoàn thành các đơn hàng cho mùa vụ cuối năm.
Từ giờ đến hết năm, nếu duy trì "phong độ" xuất khẩu hơn 4 - 4,2 tỷ USD/tháng, ngành dệt may có thể về đích với doanh thu 44-45 tỷ USD.