Du lịch
Độc đáo 4 tuyến với 38 điểm du lịch của Công viên địa chất Lạng Sơn
Hồ Hạ - 02/04/2024 15:17
Mang chủ đề “Dòng chảy sự sống nơi miền đất thiêng”, 4 tuyến với 38 điểm du lịch tại Công viên địa chất Lạng Sơn có sự hòa quyện giữa lịch sử hình thành thế giới tự nhiên, cảnh quan địa chất, văn hóa và tín ngưỡng thờ Mẫu.

Chiều 2/4, tại Hà Nội, Ban Quản lý Công viên địa chất Lạng Sơn phối hợp với Công ty TNHH Viện Phát triển Du lịch bền vững Việt Nam tổ chức Tọa đàm ký kết hợp tác phát triển du lịch Công viên địa chất Lạng Sơn.

Bà Phạm Thị Hương, Phó trưởng Ban Quản lý Công viên địa chất Lạng Sơn cho biết, đã có 4 tuyến với 38 điểm du lịch tại Công viên địa chất Lạng Sơn. (Ảnh: Hồ Hạ)

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, bà Phạm Thị Hương, Phó trưởng Ban Quản lý Công viên địa chất Lạng Sơn cho biết, Tọa đàm ký kết hợp tác phát triển du lịch Công viên địa chất Lạng Sơn là dịp quan trọng để giới thiệu, quảng bá Công viên địa chất Lạng Sơn, các điểm trên 4 tuyến du lịch Công viên địa chất Lạng Sơn, du lịch địa chất đến các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương, các nhà điều hành tour. 

Bà Phạm Thị Hương kỳ vọng, việc ký kết thỏa thuận đối tác Công viên địa chất Lạng Sơn trong khuôn khổ sự kiện này sẽ mở ra nhiều triển vọng cho Mạng lưới đối tác Công viên địa chất Lạng Sơn, quảng bá, khai thác, phát triển hiệu quả các tuyến, điểm du lịch Công viên địa chất Lạng Sơn. 

“Không chỉ mong muốn ký kết hợp tác với các nhà điều hành tour, chúng tôi cũng tìm kiếm cơ hội hợp tác với các cơ quan truyền thông của Trung ương, địa phương để giới thiệu, quảng bá về Công viên địa chất, tạo sức lan toả hơn nữa đến khách du lịch trong nước và quốc tế. Từ đó, góp phần nâng cao vị thế của tỉnh Lạng Sơn nói chung, Công viên địa chất Lạng Sơn nói riêng, trong việc phấn đấu đưa Công viên địa chất Lạng Sơn trở thành một sức hút, điểm đến mới hấp dẫn cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp lữ hành, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, khách du lịch trong và ngoài nước”, bà Phạm Thị Hương nhấn mạnh. 

Giới thiệu về Công viên địa chất Lạng Sơn, bà Phạm Thị Hương cho biết, Công viên địa chất Lạng Sơn được thành lập từ năm 2021, đến năm 2023 điều chỉnh phạm vi ranh giới lên 8 huyện, thành phố, diện tích khoảng 4.842 km2, dân số khoảng 627.000 người (chiếm 58% diện tích và 78% dân số toàn tỉnh).

Hiện nay, Ban Quản lý Công viên địa chất Lạng Sơn đã trình bộ Hồ sơ lên UNESCO và đang hoàn thiện các tiêu chí về hạ tầng và cảnh quan, dự kiến cơ bản xong trước tháng 7/2024 để đón đoàn chuyên gia thẩm định danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu Lạng Sơn, hướng tới mở cửa cho công chúng tham quan, khai thác phát triển du lịch bền vững.

Với chủ đề “Dòng chảy sự sống nơi miền đất thiêng”, các tuyến, điểm du lịch tại Công viên địa chất Lạng Sơn đang được tập trung xây dựng trên nền tảng gắn kết các địa điểm tiêu biểu về lịch sử tiến hóa liên tục của sự sống và tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ, với các di sản văn hóa đặc sắc và cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp. Đó là sự kết hợp hài hòa giữa lịch sử hình thành thế giới tự nhiên và cảnh quan địa chất, sự đa dạng về văn hóa và tín ngưỡng thờ Mẫu ở Lạng Sơn.  

Có tổng cộng 4 tuyến với 38 điểm du lịch đang được triển khai. Hành trình khám phá các tuyến chủ yếu đi qua trục đường quốc lộ 1A, 1B, 4B và 279 thuận tiện. Mỗi tuyến có từ 7 đến 11 điểm tham quan đa dạng khác nhau. 

Một góc thung lũng Bắc Sơn. (Ảnh: Hồ Hạ) 

Tuyến “Khám phá thế giới Thượng Ngàn” là hành trình tham quan đầu tiên gắn với màu áo Xanh của Thánh Mẫu Thượng Ngàn. Tuyến du lịch này có 8 điểm, quãng đường khoảng 120 km, khởi nguồn từ đền Bắc Lệ của huyện Hữu Lũng vốn là địa điểm nổi tiếng trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt,  nơi đặt Trung tâm thông tin Công viên địa chất. 

Ngoài tham quan di sản địa chất đặc trưng thung lũng núi đá vôi, trên tuyến còn có các điểm Thung lũng thần tiên Đồng Lâm thơ mộng, các làng bản homestay yên bình của người Tày xã Hữu Liên, khu di tích lịch sử ải Chi Lăng, chứng tích của các vụ phun trào núi lửa lục địa.

Tuyến “Hành trình về miền Thiên giới” là tuyến du lịch số 2 gắn với màu áo Đỏ của Thánh Mẫu Liễu Hạnh với 11 điểm tham quan, quãng đường khoảng 130 km. Mở đầu là cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, qua đền Mẫu Đồng Đăng đến các điểm dọc quốc lộ 1B về miền quê hương cách mạng Bắc Sơn anh hùng. Những địa danh như cầu Khánh Khê, rừng hồi Xứ Lạng, hang Thẩm Khuyên - Thẩm Hai, dòng sông ngầm tại điểm du lịch sinh thái suối Mỏ Mắm, ký ức biển Khuổi Nọi nơi thành lập đội cứu quốc quân đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam, đến Vườn quýt Hang Hú độc đáo, Bảo tàng Khởi nghĩa Bắc Sơn… đã gắn các giá trị di sản địa chất, quá trình tiến hóa sự sống tiêu biểu của loài người tiền sử lâu đời nhất Việt Nam, từ nền Văn hóa Bắc Sơn cho đến vùng quê hương cách mạng quật khởi yên bình ẩn hiện trong thung lũng lúa vàng tạo nên một hành trình tham quan kỳ thú.

Tuyến “Cuộc sống dân dã nơi trần thế” là tuyến du lịch số 3 gắn với màu Vàng đặc trưng của tượng đồng nguyên bản các vị Thánh Mẫu. Có 9 điểm tham quan trên hành trình khoảng 130 km, khởi nguồn từ huyện Bắc Sơn. Đón bình mình trên làng bản văn hóa Tày xã Quỳnh Sơn, trải nghiệm nghề làm ngói âm dương thủ công truyền thống, những cánh rừng hồi Văn Quan xanh ngút mắt, đến cảnh quan cát-tơ thung lũng đá vôi, thăm đền Chầu Mười linh thiêng giữa núi rừng, trải nghiệm nghề làm cao khô Vạn Linh với đồng bào dân tộc Nùng, tận mắt chiêm ngưỡng các hóa thạch động vật biển kỷ Devonian gần 400 triệu năm trước hay hóa thạch Cúc đá huyện Chi Lăng, chinh phục Hang Gió kỳ vĩ… đây xứng đáng là những trải nghiệm thú vị.

Tuyến “Khám phá Thủy cung” là chủ đề của tuyến du lịch số 4, gắn với màu áo Trắng của Thánh Mẫu Thoải, có 10 điểm tham quan trên quãng đường khoảng 80 km. Bắt đầu từ chùa Tam Thanh, theo quốc lộ 4B đi về hướng Lộc Bình. Qua chùa Bắc Nga thâm nghiêm cổ kính, hành trình đến với vùng núi Mẫu Sơn ẩn hiện trong mây núi quanh năm trong lành mát mẻ. Đến đài quan sát ngắm toàn cảnh vùng trũng Na Dương, nơi được ví như “cửa sổ nhìn về thế giới cổ đại”, nơi phát hiện hàng loạt hóa thạch niên đại khoảng 40 triệu năm trước, một địa điểm quan trọng thu hút sự quan tâm nghiên cứu tìm hiểu và khám phá. Hành trình còn qua các điểm thác Bản Khiếng, chùa Tiên, đền Mẫu Thoải linh thiêng… 

Tại Tọa đàm ký kết hợp tác phát triển du lịch Công viên địa chất Lạng Sơn, các chuyên gia, doanh nghiệp du lịch gợi mở, đóng góp nhiều ý kiến để du lịch địa chất Lạng Sơn sớm “cất cánh”.

Bà Phạm Thị Hương khẳng định, sau Tọa đàm, Ban Quản lý Công viên địa chất Lạng Sơn sẽ tiếp thu để xây dựng chương trình truyền thông, quảng bá, xây dựng các sản phẩm du lịch Công viên địa chất độc đáo, phù hợp với xu thế và thị hiếu của khách du lịch. Đồng thời, tiếp tục kết nối, hiện thực hóa một số sáng kiến để hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế đến khám phá Công viên địa chất Lạng Sơn.

Tin liên quan
Tin khác