Giải phóng mặt bằng là một trong những nút thắt lớn nhất khiến giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Trong ảnh: Thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo. |
Giải ngân nhanh - chậm: Lỗi tại đâu?
Một loạt bộ, ngành, địa phương đã bị Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính “điểm tên” và phê bình tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc đôn đốc đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 và thực hiện Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, được tổ chức hôm qua (21/2), vì giải ngân vốn đầu tư công chậm trong năm 2022. Thủ tướng nhấn mạnh, phải làm rõ trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm người đứng đầu.
Nhận trách nhiệm của mình, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM chỉ ra 5 nguyên ngân khiến giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 của Thành phố chỉ đạt trên 71% so với số vốn cân đối được. Đó là thủ tục dự án, thủ tục xây dựng, phân bổ vốn làm chậm; giải phóng mặt bằng khó khăn, ảnh hưởng tới tiến độ xây lắp; giá vật liệu tăng; thủ tục một số dự án ODA chậm… “Nhưng bao trùm là trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc chuẩn bị hồ sơ, đánh giá các tình huống phát sinh, chủ động tháo gỡ khó khăn”, ông Phan Văn Mãi nói.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Trương Hải Long cho biết, năm 2022, Gia Lai giải ngân được 76,29% kế hoạch Thủ tướng giao, thấp hơn tỷ lệ chung của cả nước. Nguyên nhân trước tiên xuất phát từ việc chuẩn bị dự án chưa được tốt, dẫn tới phải điều chỉnh chủ trương đầu tư nhiều. “Một số dự án bị vướng mắc điều chỉnh quy hoạch, việc giải phóng mặt bằng sạch cho các công trình chưa được giải quyết dứt điểm dẫn đến tiến độ giải ngân và xây dựng công trình chậm”, ông Long nói.
Giải phóng mặt bằng có lẽ là một trong những nút thắt lớn nhất được các địa phương chỉ ra khiến giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, khi chia sẻ kinh nghiệm năm 2022, tỉnh giải ngân được 147% kế hoạch Thủ tướng giao, cho biết, hàng tuần, tỉnh tập trung trung lắng nghe vướng mắc, khó khăn của các dự án để cùng tháo gỡ.
“Bản thân tôi là Chủ tịch tỉnh cũng lắng nghe, trong vòng 10 ngày phải tập trung xử lý. Vướng lớn nhất là giải phóng mặt bằng, dự án nào cũng có điểm nghẽn như vậy hết, thì cố gắng rút ngắn thủ tục không cần thiết, tập trung lo quỹ đất để tái định cư, người dân bị thu hồi đất có chỗ ở ngay, đồng thời tập trung tuyên truyền cho người dân hiểu…”, ông Thọ nói.
Còn theo quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy, ngoài việc thành lập các tổ công tác đặc biệt để thúc đầu tư công, gắn giải ngân với thi đua khen thưởng, không làm được thì thu hồi vốn, tỉnh này còn tập trung tái cơ cấu đầu tư công. “Như năm 2023, chúng tôi chỉ khởi công mới 7 dự án”, ông Huy nói.
Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh… là 2 trong số 8 bộ, cơ quan trung ương và 30 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt 100% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao năm 2022, ngược lại với số lượng không nhỏ các bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân chậm. Một lần nữa, câu chuyện “nơi giải ngân nhanh - nơi lại chậm chạp” lặp lại. Và nguyên nhân chủ quan là chủ yếu.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, có chuyện vai trò người đứng đầu tại một số bộ, ngành, địa phương chưa được phát huy đầy đủ. “Hơn nữa, năng lực lập kế hoạch chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án còn hạn chế”, Thứ trưởng nói.
Gỡ vướng, thúc giải ngân đầu tư công năm 2023
Hàng loạt vướng mắc về thể chế, chính sách trong các khâu chuẩn bị đầu tư, gồm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất lúa…; giai đoạn thực hiện dự án, cũng như kết thúc dự án… đã được Thứ trưởng Trần Quốc Phương tiếp tục chỉ ra là các nguyên nhân cơ bản cản trở quá trình triển khai các dự án đầu tư công. “Chỉ cần chuyển đổi mục đích sử dụng một diện tích rất nhỏ đất rừng cũng phải lên Thủ tướng Chính phủ”, Thứ trưởng nói.
Trước ý kiến của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, ông Trần Sỹ Thanh về việc phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong công tác kế hoạch đầu tư công, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, trước đây đúng là có chuyện “2 lên, 3 xuống”, nhưng giờ chỉ còn “1 lên, 2 xuống”.
“Các địa phương chỉ một lần báo cáo danh mục các dự án đầu tư, còn lại đã được phân cấp, phân quyền, chủ động hoàn toàn. Ngay cả quy trình lập dự án, Luật Đầu tư công đã phân cấp triệt để, thẩm quyền thuộc địa phương. Vốn ODA cũng chỉ dự án nhóm A, dự án quan trọng quốc gia phải báo cáo lên Trung ương”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Dẫn câu chuyện chuyển đổi đất rừng, Thứ trưởng Trần Quốc Phương khẳng định, vướng mắc về thể chế, chính sách không phải chỉ nằm ở Luật Đầu tư công, mà còn ở nhiều chính sách pháp luật khác nhau, cần phải sửa đổi luật. “Qua khảo sát, chúng tôi đã nắm được tình hình và đang từng bước tìm cách tháo gỡ”, Thứ trưởng nói.
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách chính là một trong những giải pháp quan trọng được đưa ra để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, bởi nhiệm vụ năm nay rất nặng nề, khi tổng nguồn đầu tư công lên tới trên 711.000 tỷ đồng.
Thông tin cho biết, tính đến hết tháng 1/2023, hơn 84,2% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao đã được phân bổ. Số vốn còn lại cần tập trung phân bổ là trên 117.000 tỷ đồng. Trong khi đó, giải ngân vốn đầu tư công mới trên 12.800 tỷ đồng, đạt 1,81% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn con số 2,5% của cùng kỳ năm 2022 và toàn bộ là vốn trong nước.
“Vốn đầu tư công vừa là động lực, vừa là nguồn lực phát triển, phải phấn đấu giải ngân ít nhất 95% trong số hơn 711.000 tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2023”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nói và chỉ đạo phải tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án; phải lựa chọn đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, nâng cao kỷ cương, kỷ luật đầu tư công.
Theo ông Phan Văn Mãi, trong Dự thảo Nghị quyết về các cơ chế đặc thù cho TP.HCM, có nhiều cơ chế về thu hút đầu tư, phân cấp, phân quyền mạnh hơn trong thực hiện dự án đầu tư công. “Nếu Nghị quyết được thông qua vào tháng 5 tới, sẽ có tác động lớn thúc đẩy đầu tư công của Thành phố”, ông Mãi nói.
Không chỉ ông Mãi, nhiều địa phương như Hà Giang, Hà Nội, Quảng Ninh… cũng cho biết, đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy đầu tư công. Kỳ vọng, mục tiêu giải ngân năm 2023 sẽ hoàn thành, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.