Giám đốc Sở KH&CN Thái Bình Trịnh Quang Hiệp trao Giấy khen cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác năm 2024 |
Nền tảng kỷ nguyên công nghệ
Đổi mới sáng tạo (innovation) không chỉ đơn thuần là việc áp dụng các ý tưởng và phương pháp mới, mà còn là động lực cốt lõi để tạo ra giá trị khác biệt và thúc đẩy sự phát triển vượt bậc. Trong kỷ nguyên công nghệ tri thức, khi các tiến bộ như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), blockchain hay điện toán lượng tử đang định hình lại toàn bộ hệ sinh thái sản xuất và đời sống, đổi mới sáng tạo đã trở thành yêu cầu cấp thiết để các quốc gia và địa phương không bị tụt lại phía sau.
Ngay cả trong nông nghiệp - lĩnh vực thường được coi là ít biến động, các ứng dụng của trí tuệ nhân tạo đã nâng giá trị thị trường từ hàng chục tỷ USD lên hàng trăm tỷ USD, minh chứng rõ ràng cho tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo.
Đối với Việt Nam, đổi mới sáng tạo là chiến lược để nâng cao sức cạnh tranh, đồng thời là lời giải cho những thách thức lớn mang tính toàn cầu. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng nhấn mạnh: “Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là tài nguyên vô tận, là con đường ngắn nhất để đạt các mục tiêu”. Lời khẳng định này chính là kim chỉ nam cho các chiến lược phát triển của đất nước, đặc biệt với những địa phương như Thái Bình - nơi đang phải đối mặt trực tiếp với những tác động từ biến đổi khí hậu.
Động lực phát triển tại Thái Bình
Nhận thức rõ vai trò của đổi mới sáng tạo, Tỉnh ủy và UBND Thái Bình đã đưa khoa học công nghệ (KHCN) vào trung tâm của các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 cũng xác định: Khoa học và Công nghệ là một trong 3 khâu đột phá phát triển kinh tế - xã hội. Sở Khoa học và Công nghệ Thái Bình, với vai trò dẫn dắt, đã triển khai nhiều giải pháp đột phá nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo trên toàn tỉnh.
Về quản lý sở hữu trí tuệ, Sở đã tăng cường công tác quản lý và bảo vệ tài sản trí tuệ. Hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân khai thác tối đa giá trị từ các sáng kiến. Điều này giúp khơi dậy tinh thần sáng tạo trong cộng đồng, nâng cao giá trị thương mại hóa sản phẩm, tăng cường năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Trong khuyến khích đổi mới công nghệ, các doanh nghiệp địa phương được hỗ trợ ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại vào quy trình sản xuất. Những hỗ trợ này giúp nâng cao năng suất lao động, cải thiện chất lượng sản phẩm và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Đây là một bước tiến quan trọng giúp đảm bảo sự phát triển bền vững của tỉnh.
Với những tác động ngày càng nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu, Sở KHCN đã tập trung nghiên cứu và chọn lọc các giống cây trồng, vật nuôi có khả năng chịu mặn và chịu ngập. Những giải pháp này đặc biệt hữu ích cho các vùng ven biển Tiền Hải, Thái Thụy và Kiến Xương. Qua đó, đảm bảo được sinh kế bền vững cho người dân địa phương và duy trì sản xuất trước những thách thức từ môi trường.
Bên cạnh đó, Sở đã chú trọng phát triển các giống nông sản có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên và đặc thù từng vùng sinh thái. Những giống nông sản này giúp gia tăng năng suất, nâng cao chất lượng, góp phần xây dựng thương hiệu Thái Bình vững chắc trên thị trường trong nước và quốc tế.
Những nỗ lực trên đã mang lại nhiều thành tựu quan trọng cho Thái Bình. Không chỉ cải thiện năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, các giải pháp đổi mới sáng tạo còn góp phần bảo vệ môi trường và đảm bảo sự phát triển bền vững.
Đổi mới sáng tạo đã và đang trở thành nền tảng vững chắc cho sự phát triển của Thái Bình. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và những thách thức to lớn về môi trường, đây không chỉ là chiến lược để phát triển, mà còn là mệnh lệnh tất yếu nhằm đảm bảo sự tồn tại và thịnh vượng của tỉnh. Với sự quyết tâm làm chủ tương lai và thông qua đổi mới sáng tạo, Thái Bình sẽ khẳng định vị thế, nâng cao sức cạnh tranh và hướng tới một tương lai bền vững.n
(*) Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thái Bình