Kế hoạch vận hành lại toàn bộ Nhà máy Xơ sợi polyester Đình Vũ còn gặp rất nhiều chông gai. Ảnh: Đức Thanh |
Tiếp tục tìm đối tác
Sau 3 năm ngừng sản xuất, Dự án Nhà máy Sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi vận hành lại từ ngày 14/10/2018 theo hợp đồng hợp tác gia công với Công ty CP Xuất nhập khẩu tạp phẩm (Tocontap). Tính từ tháng 10/2018 đến tháng 4/2019, Nhà máy đã sản xuất 2.000 m3 ethanol đạt chất lượng; từ ngày 7/4 đến 13/4/2019, Nhà máy tiếp tục vận hành đợt 2, sản xuất 500 m3 ethanol đạt chất lượng.
Những tưởng, mọi sự suôn sẻ khi có đối tác cùng “chia lửa”, nhưng nay, dự án này phải quay lại cảnh tìm đối tác.
Báo cáo mới nhất của Chính phủ gửi Quốc hội cho thấy, dù Nhà máy vận hành lại với sự hỗ trợ của Tocontap, nhưng thực tế tiêu thụ sản phẩm khó khăn, giá sắn cao, nên đối tác không thực hiện được kế hoạch sản xuất, kinh doanh trong năm 2019 và đã dừng hợp tác.
Cùng “cảnh ngộ” với Dự án Nhà máy Sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi là Dự án Nhà máy Xơ sợi polyester Đình Vũ. Tháng 4/2018, nhà máy này khởi động lại 3 dây chuyền DTY của Phân xưởng sợi filament và đến đầu tháng 11/2018, chuyển sang thực hiện hợp đồng gia công sợi cho AST. Tổng lượng sản phẩm Nhà máy Xơ sợi polyester Đình Vũ sản xuất ra từ ngày 20/4/2018 đến ngày 31/8/2019 là 6.917 tấn sợi DTY, trong đó lượng sản phẩm gia công cho AST là 5.409 tấn sợi DTY.
Từ ngày 8/5/2019, Công ty CP Hóa dầu và Xơ sợi dầu khí (PVTex) đưa thêm 2 dây chuyền DTY vào hoạt động, nâng tổng số dây chuyền hoạt động lên con số 12. Tuy nhiên, hiện nay, Nhà máy đã giảm xuống 7 dây chuyền sản xuất và điều đáng lo ngại nhất là đối tác - Tập đoàn An Phát Holdings - đã rút lui khỏi Dự án.
Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) xác nhận, Tập đoàn An Phát không tiếp tục gia hạn Hợp đồng hợp tác, nên PVTex đang mời rộng rãi để tìm kiếm đối tác hợp tác sản xuất, kinh doanh nhằm khởi động lại toàn bộ Nhà máy.
Như vậy, kế hoạch vận hành lại toàn bộ Nhà máy Xơ sợi polyester Đình Vũ còn gặp rất nhiều chông gai.
Không dễ “chia lửa”
Điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh chưa bao giờ là dễ dàng, huống hồ với các dự án bết bát về tài chính, sản phẩm chưa ổn định, đầu ra hạn hẹp như Dự án Nhà máy Xơ sợi polyester Đình Vũ hay Nhà máy Sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi.
Sau thời gian đưa vào vận hành một phần nhà máy có sự chung tay của các đối tác, kết quả kinh doanh của cả 2 dự án này vẫn rất ảm đạm, thậm chí còn tăng thua lỗ. Cụ thể, Nhà máy Sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi lỗ lũy kế 983.70 tỷ đồng, tăng lỗ 14,8%, tổng nợ 1.304,90 tỷ đồng; Dự án Nhà máy Xơ sợi polyester Đình Vũ lỗ lũy kế 5.120,2 tỷ đồng, tăng lỗ 12%, tổng nợ phải trả 7.806,1 tỷ đồng.
Bộ Công thương nhận định, Dự án Nhà máy Xơ sợi polyester Đình Vũ vẫn còn hàng “núi” việc phải xử lý để có thể vận hành lại toàn bộ và dần thoát khó. Nhiệm vụ của Dự án là khẩn trương xây dựng phương án khởi động lại toàn bộ Nhà máy, làm rõ vấn đề thị trường tiêu thụ sản phẩm và hiệu quả tổng thể trong kế hoạch giai đoạn 2020 - 2024.
Trong khi đó, Dự án Nhà máy Sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi cũng ngập trong khó khăn và chưa tìm thấy lối ra, bởi 2 vướng mắc lớn cần phải giải quyết là: chạy thử, nghiệm thu Phân xưởng Xử lý nước thải và đảm bảo đủ nguyên liệu (kể cả nguyên liệu thay thế) để sản xuất ổn định.
Báo cáo của Chính phủ cho thấy, hiện nay, Nhà máy đã hoàn thành Phân xưởng Xử lý nước thải, nhưng để chạy thử, nghiệm thu phân xưởng này, làm cơ sở cho việc nghiệm thu, quyết toán hoàn thành Dự án, thì cần có kinh phí. Trong khi đó, cổ đông PVOIL không sử dụng được vốn của mình để hỗ trợ chạy thử, vì e ngại vi phạm nguyên tắc “Nhà nước không bỏ thêm tiền vào Dự án”.
Chưa kể, hiện nay, giá sắn và giá ethanol không thuận lợi, nếu vận hành Nhà máy sẽ phát sinh lỗ, trong khi các cổ đông không thể hỗ trợ tài chính hoặc góp vốn cũng do nguyên nhân nêu trên.
Bởi thế, tương lai của Dự án Nhà máy Sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi và Dự án Nhà máy Xơ sợi polyester Đình Vũ vẫn khá mờ mịt.