Theo dự báo, đến năm 2018, khi Việt Nam dỡ bỏ hàng rào thuế quan với ô tô, các doanh nghiệp ô tô của Việt Nam sẽ chuyển sang nhập khẩu nguyên chiếc về bán |
Chương trình đối thoại tập trung vào phân tích cơ chế, chính sách theo định hướng tại Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam; Đề xuất giải pháp phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô, từng bước xây dựng ngành công nghiệp sản xuất ô tô Việt Nam.
Với mục đích thu hút đầu tư và xây dựng một ngành công nghiệp ô tô để theo kịp các nước trong khu vực, cho nên từ hai chục năm nay, ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam được coi là ngành trọng điểm và là ngành luôn luôn được ưu đãi nhất trong số các ngành công nghiệp. Sự ưu ái rất đặc biệt này thể hiện qua những chính sách thuế quan của Bộ Tài chính, với chính sách thuế ưu đãi về tỷ lệ nội địa hóa, thuế nhập khẩu cho linh kiện lắp ráp và thuế thu nhập doanh nghiệp.
Tuy nhiên, kết quả của chính sách ưu đãi đối với ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam là giá xe sản xuất trong nước cao gấp 2 đến 3 lần so với nhiều nước. Theo dự báo, đến năm 2018, khi Việt Nam dỡ bỏ hàng rào thuế quan với ô tô, các doanh nghiệp ô tô của Việt Nam sẽ chuyển sang nhập khẩu nguyên chiếc về bán.
Cuộc đối thoại hy vọng sẽ tìm ra lời giải cho ngành công nghiệp ô tô, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng và dỡ bỏ thuế quan với nhiều mặt hàng, trong đó có ô tô nhập khẩu.
Đối thoại có sự tham dự của lãnh đạo Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, Tập đoàn Ô tô Thành Công, Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp, Công ty Toyota Việt Nam; Công ty Honda Việt Nam; Công ty cổ phần ô tô Trường Hải...