Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu đại diện chư tôn đức Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam trao bằng tuyên dương công đức cho vợ chồng doanh nhân Lê Minh Hiệu - Vũ Thị Suốt |
Thành công bắt đầu từ nghề dệt quê hương
Là người con quê hương, doanh nhân Lê Minh Hiệu cùng vợ là doanh nhân Vũ Thị Suốt bắt đầu khởi nghiệp từ nghề dệt truyền thống Phương La nổi tiếng gần xa. 35 năm lập nghiệp vượt qua bao khó khăn thử thách, họ đã trở thành những doanh nhân thành đạt, hội nhập vào nền kinh tế đất nước và quốc tế với những nhà máy hiện đại như Nhà máy Dệt khăn tay bông xuất khẩu Nam Long, Nhà máy Sản xuất sợi xuất khẩu chất lượng cao Minh Long, Nhà máy Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu Minh Vượng, cùng hệ thống 24 nhà máy nước sạch với tổng công suất trên 100.000 m3/ngày đêm, góp phần vào công cuộc phát triển sản xuất công nghiệp, sản xuất hàng xuất khẩu, xây dựng nông thôn mới, phục vụ đời sống dân sinh, tạo việc làm cho nhiều ngàn lao động tại Thái Bình, Hưng Yên.
- Ông Bùi Văn Hà, Bí thư Đảng ủy xã Thái Phương
Công ty và đôi vợ chồng doanh nhân đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương; bà Vũ Thị Suốt đạt danh hiệu Bông hồng Vàng, Nữ doanh nhân xuất sắc châu Á - Thái Bình Dương…
Đặc biệt, trong mấy chục năm qua, đôi vợ chồng doanh nhân này đã lặng lẽ công đức, góp phần trùng tu nhiều công trình tâm linh, như Hậu Cung đền Tiên La (huyện Hưng Hà), cổng chùa Bồ (TP. Thái Bình)..., cung tiến tượng pháp, tiền bạc vào nhiều ngôi chùa trong và ngoài tỉnh.
Tưởng không còn ngôi chùa báu vật của cha ông
Quả chuông cổ được đúc vào thời Lê Hy Tông năm thứ chín (1688), cùng các tài liệu đã chứng minh bề dày lịch sử mấy trăm năm của chùa Linh Ứng.
“Là những người con thành đạt nhờ hồng phúc quê hương, vợ chồng chúng tôi tự thấy trách nhiệm của mình phải chung tay xây dựng lại ngôi chùa Linh Ứng - một báu vật của cha ông gửi lại đang có nguy cơ không còn nữa”, doanh nhân Lê Minh Hiệu bộc bạch.
Sau quá trình chuẩn bị, mùa Xuân năm 2018, chùa Linh Ứng được khởi công và mùa Đông năm 2020 cơ bản đã xong các hạng mục chính. Ngày 24/3/2024 (tức ngày 15/2 năm Giáp Thìn), đại biểu Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp, Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trụ trì chùa, hàng ngàn Phật tử, cùng đông đảo người dân hoan hỉ dự Đại lễ khánh thành chùa Linh Ứng.
Để hoàn thành công cuộc mở rộng, xây dựng mới toàn bộ 21 hạng mục chùa Linh Ứng, gia đình doanh nhân Lê Minh Hiệu đã cung tiến 1.245 cây vàng và bà con nhân dân cung tiến 2 tỷ đồng.
Bao khó khăn tưởng không thể vượt qua
Khó khăn đầu tiên là phải có đủ mặt bằng thì mới xây dựng lại được cơ bản các hạng mục theo chùa truyền thống, mà mặt bằng chùa chỉ còn 3.000 m2. Vợ chồng doanh nhân Lê Minh Hiệu đã vận động bà con quanh chùa nhượng đất. Kết quả là chùa đã rộng gần gấp đôi.
Khó khăn tiếp là chùa ở giữa làng, mà đường vào quá nhỏ, không thể đáp ứng việc vận chuyển vật liệu rất lớn, nhất là những cột gỗ lim dài trên 11 m. Được sự ủng hộ của cấp ủy chính quyền cùng nhân dân, một con đường dài hơn 300 m, rộng 12 m đã hoàn thành, phục vụ kịp thời cho công việc thi công ngôi chùa.
- Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Doanh nhân Vũ Thị Suốt chia sẻ, một khó khăn nữa là kiến thức, kinh nghiệm xây chùa, mỗi hạng mục là một kiểu kiến trúc khác nhau... Để giải quyết, một mặt lựa chọn các nhà thầu thi công tâm đức, kiến thức, kinh nghiệm, sự giúp đỡ của Giáo hội Phật giáo, mặt khác phải tự tìm hiểu để quản lý điều hành công trình đạt hiệu quả tốt nhất.
“Một khó khăn bất khả kháng là, trong mấy năm, vợ chồng tôi vừa phải quản lý đầu tư, xây dựng, sản xuất nhiều dự án, nhà máy, vừa phải trực tiếp chỉ đạo đầu tư xây dựng chùa. Chúng tôi phải tranh thủ đêm ngày, kể cả ngày nghỉ, xuống công trường để cùng nhà chùa, nhà thầu ‘chụm đầu’ giải quyết những khó khăn, công việc nảy sinh... Đó là chưa kể áp lực về giá làm đội vốn đầu tư rất lớn, trong khi Covid-19 cũng tạo thêm thử thách không nhỏ. Song tất cả đều đã được vượt qua”, bà Vũ Thị Suốt chia sẻ.
Chùa Linh Ứng sau khi hoàn thành 21 hạng mục công trình |
Xây chùa tặng quê như xây chính nhà mình
Tất cả 21 hạng mục công trình chùa Linh Ứng, như đường, cầu, tam quan, Phật Điện, Cửu Thiên Pháp, Đài Quan Âm, Đền Mẫu, Tổ Đường, Lăng Bia, Thiền Viện, nhà khách, Phật tượng, Tế khí, hoành phi, câu đối... đều được hoàn thành viên mãn. Đặc biệt, tất cả hạng mục lớn, nhỏ đều được thiết kế đẹp, lựa chọn vật liệu kỹ càng, xây dựng chắc chắn, chăm chút từng chi tiết.
Từ ngoài vào chùa bắt đầu là con đường xoài xanh mát, mặt asphalt láng bóng, qua cây cầu đá vững chãi là tới cổng Tam quan 3 tầng lầu, trong có treo Đại hồng chung bằng đồng nặng 800 kg, sớm chiều vang tiếng chuông chùa bình yên.
Qua một sân rộng là Đại Hùng Bảo Điện xây chính trên nền chùa cũ. Bái đường 7 gian, Phật Điện 3 gian 3 tầng mái, cao 12 m bằng gỗ lim, lợp ngói mũi hài. Việc bài trí tượng pháp tuân theo quy chế chùa cũ, đậm dấu ấn Phật giáo Đại thừa Việt Nam. Chính giữa trên cao thờ tượng Tam thế Phật, tiếp dưới là A Di Đà, Thích Ca Mâu Ni, Tất Đạt Đa sơ sinh. Bên trái là Tạng Vương, bên phải là Quan Thế Âm Bồ Tát… Mặt tường ngoài Bảo Điện được đắp bộ tranh nổi mô tả cuộc đời Đức Phật từ đản sinh, tu hành, giác ngộ, hoằng pháp độ sinh, tới nhập diệt.
Tòa phủ 5 gian tôn thờ Tam Vị Thánh Mẫu: Mẫu Thiên, Mẫu Địa, Mẫu Thoải. Cùng với đó là Mẫu Bát Nàn, Mẫu Nhiếp Chính Ỷ Lan và Đức Thánh Trần Hưng Đạo. Nơi đây còn thờ Tổ nghề dệt Phương La và Bác học Lê Quý Đôn.
Nhà Tổ 5 gian tôn thờ sư tổ Bồ Đề Đạt Ma, Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông, Thiền sư Từ Đạo Hạnh, thiền sư Không Lộ, cùng các sư tổ của chùa.
Sừng sững, vững chãi, thanh thoát vươn lên bầu trời là Cửu Thiên Bảo Tháp cao 36 m. Đỉnh tháp là tòa sen, tỏa ra 6 mặt với 48 pho tượng Phật bằng đá trắng tự nhiên. Tầng 1 và 2 của Bảo Tháp thờ toàn bộ tượng Tam bảo cũ để lưu giữ linh khí. Đặc biệt, tầng 3 phụng thờ xá lị Đức Phật Thích Ca thỉnh về từ Myanmar và Ấn Độ.
Cùng với đó là thiền viện, trai đường, tăng phòng, lầu tượng Quan Âm, Di Lặc, đồi tùng, nhà bia, hồ nước, non bộ, cầu kiều, cây xanh… Tất cả đều đẹp đẽ.
Mãi mãi đồng hành cùng ngôi chùa
Phát biểu trong Đại lễ, doanh nhân Lê Minh Hiệu gửi gắm dòng tâm huyết: “Quê hương Phương La lại có ngôi chùa Linh Ứng linh thiêng để tôn thờ Phật, Thánh, sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh, nơi mỗi người con hướng về, tu dưỡng thân tâm, tự hào truyền thống, tăng thêm khát vọng cống hiến cho quê hương, đất nước. Đây chính là mục tiêu cao cả nhất của đại gia đình chúng tôi khi cung tiến xây dựng lại ngôi chùa.
Xây dựng lại chùa rất khó, giữ gìn chùa vững bền theo năm tháng cũng không dễ. Xin gửi gắm ngôi chùa và trách nhiệm cho cấp ủy, chính quyền, Ban Quản lý di tích chùa, Giáo hội Phật giáo. Hằng mong chùa Linh Ứng mãi là ngôi chùa đẹp đẽ và trường tồn của trăm họ. Chúng tôi cam kết mãi mãi đồng hành cùng ngôi chùa Linh Ứng thân yêu”.