Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Những ứng dụng xóa nhòa khoảng cách
Trước năm 2010, thị trường giáo dục chứng kiến sự vào cuộc của một số đơn vị tiên phong tìm kiếm cơ hội kinh doanh từ mô hình Edtech như Violet.vn, hocmai.vn, Topica… thì tới năm 2016, Việt Nam đã có khoảng 150 dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực này.
Năm 2016 cũng là năm đánh dấu sự thành công của khá nhiều dự án khởi nghiệp Edtech tại Việt Nam. Đầu tiên phải kể tới Elsa, ứng dụng nâng cao khả năng phát âm tiếng Anh sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), dù mới được thành lập năm 2015, nhưng đã vượt qua 1.200 đối thủ giành giải nhất tại SXSWedu , cuộc thi khởi nghiệp về công nghệ giáo dục tổ chức tại Mỹ. Hay ứng dụng Monkey Junior, đã vượt qua hơn 1.000 đối thủ đến từ 104 quốc gia để giành chiến thắng trong cuộc thi Sáng kiến toàn cầu 2016 (GIST Tech-I 2016) cũng được tổ chức tại Mỹ.
Đi cùng sự xuất hiện của các mô hình giáo dục trực tuyến là sự thay đổi trong tư duy của các bậc phụ huynh và điều này đang trở thành hậu thuẫn khá tốt cho các nhà đầu tư Edtech tại Việt Nam.
Ông Đào Xuân Hoàng, người sáng lập Monkey Junior chia sẻ: “Trí tuệ nhân tạo (AI) và thực tế ảo (VR) đang được áp dụng rộng rãi trong giáo dục, cho phép xóa nhòa mọi khoảng cách và mang lại cơ hội học tập chất lượng, với chi phí rẻ hơn nhiều so với cách học truyền thống. Với việc nhận được lợi ích thực sự và nhiều hơn, các bậc phụ huynh đang sẵn sàng chi trả cho các phần mềm giáo dục như Monkey Junior”.
Thành công từ khai thác thị trường ngách
Năm 2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khởi động dự án đại học ảo, nhưng không để lại nhiều dấu ấn trên thị trường. Trong khi đó, các dự án Got It, Monkey Junior hay Elsa… đều gây được tiếng vang lớn và đã đạt được thành công nhanh chóng trên thị trường.
Tính về lợi nhuận đầu tư, một nhà đầu tư đào tạo tiếng Anh tại Việt Nam đưa ra con số, nếu trong một năm có 20.000 lượt học và giá mỗi bài giảng là 10.000 đồng, thì doanh thu trên mỗi bài giảng là 200 triệu đồng/năm.
Monkey Junior đang thu phí người học trọn đời khoảng trên 500.000 đồng, còn Elsa khoảng 60.000 đồng/tháng nếu mua gói cả năm và số lượng người học thời gian tới có thể lên tới 3 - 4 triệu lượt người.
Đơn cử Monkey Junior, trong vòng nửa năm trở lại đây, đã tăng trưởng khá lớn từ nhiều thị trường, trong đó lớn nhất là Việt Nam (chiếm 40% người dùng) và Mỹ (chiếm 30% người dùng). Sau hơn một năm ra mắt, Monkey Junior đã có trên 2 triệu lượt tải khắp thế giới. Tương tự, ứng dụng Elsa, mặc dù mới khai thác từ năm 2016, nhưng đến nay đã có khoảng 1 triệu lượt sử dụng.
Những dự án này đều do người Việt xây dựng, phát triển và điểm mấu chốt làm nên thành công là đều đi vào thị trường ngách, chọn một phân khúc người dùng để phục vụ.
Theo ông Hoàng: “Nhìn ở khía cạnh thị trường, đầu tư giáo dục sớm không nhiều lắm, do đó, chúng tôi chọn đầu tư cho phân khúc khách hàng nhỏ, từ 6 tháng - 10 tuổi. Việc chọn phân khúc này sẽ tăng khả năng cạnh tranh, cũng như cơ hội thành công cao hơn”.
Tương tự, khi chọn phục vụ là đào tạo tiếng Anh cho người lớn, bà Văn Đinh Hồng Vũ, người đồng sáng lập Elsa cho biết, Elsa là đơn vị đầu tiên trên thế giới áp dụng công nghệ AI vào đào tạo tiếng Anh. “Những dự án đào tạo ngoại ngữ khác tập trung vào các kỹ năng viết, đọc, ngữ pháp, trong khi đa phần người học gặp khó khăn để nói đúng và nghe hiểu người bản ngữ nói gì. Thực tế này thôi thúc chúng tôi nghĩ tới ứng dụng chỉ tập trung vào dạy nói với chi phí rẻ và sử dụng máy móc điều chỉnh phát âm cho người học”, bà Hồng Vũ nói.
Ông Mai Duy Quang, Nhà sáng lập, Giám đốc điều hành Hãng AZ Stack nhận định: “Các nhà đầu tư Edtech phải giải bài toán làm sao để cá nhân hóa mỗi bài học, đáp ứng nhu cầu từng học viên. Nếu không sẽ không khác gì 100 người có một giáo án. Bài toán này chỉ có thể giải quyết khi nhà đầu tư có dữ liệu lớn và đầu tư nghiên cứu với chi phí lớn về tài chính và thời gian”.
Ví dụ từ Elsa, mặc dù bà Hồng Vũ không tiết lộ đầu tư chi phí, nhưng theo một chuyên gia, để dạy cho máy hiểu được người học sai chỗ nào, tập dạy cho máy nói đúng… thì Elsa đã phải chi số tiền lên lớn cho giảng viên.
Theo chia sẻ của ông Lê Công Thành, Giám đốc Topica AI Lab, riêng chi phí để đơn vị này thực hiện khoảng 5.000 mẫu thử, trong đó 2.000 mẫu video từ 2 - 10 giây, thì số lượng người làm trong 6 tháng đã lên tới 300 người với chi phí trên 2 tỷ đồng.
Cả Monkey Junior và Elsa đều cho biết, đến thời điểm hiện tại, chi phí lớn nhất của 2 đơn vị này là nhân sự. Phía Monkey Junior cho biết thêm, thời gian tới, rất có thể đơn vị này sẽ phải gọi vốn thêm, nếu muốn áp dụng AI trong việc cá nhân hóa các bài giảng.
Có thể nói, thị trường mới mẻ với sự sẵn sàng chi trả ngày càng cao của khách hàng, đang khiến Edtech trở thành lĩnh vực thu hút nhiều nhà đầu tư khởi nghiệp tại Việt Nam. Nếu được nghiên cứu đầu tư đúng tầm, đây sẽ là lĩnh vực kinh doanh đầy hứa hẹn.