Viễn thông - Công nghệ
“Dọn đường” cho nhà mạng tăng giá?
Hữu Tuấn - 27/04/2015 08:27
Việc GfK bất ngờ đưa ra kết quả nghiên cứu 92% người dùng đồng ý tăng cước 3G làm dấy lên nghi vấn rằng, các nhà mạng chuẩn bị tăng giá dịch vụ này.

Chỉ 12 tiếng sau khi Công ty Nghiên cứu thị trường Công nghệ và bán lẻ GfK Việt Nam công bố kết quả báo cáo Dự án “Nghiên cứu hành vi sử dụng dịch vụ 3G của người dùng Việt Nam năm 2014” (chiều 23/4), kết quả thăm dò ý kiến “Các nhà mạng có nên tăng cước 3G ở thời điểm hiện tại không?” của Báo Vietnamnet  cho thấy, có hơn 1.000 người bỏ phiếu không tăng giá, với tỷ lệ “chống” trên 98%.

Phần đông khách hàng đã phản ứng quyết liệt khi các nhà mạng đề xuất tăng giá cước 3G vào cuối năm 2013 và 2014. Ảnh: Đức Thanh

 

Điều này trái ngược hoàn toàn với kết quả của GfK khi khẳng định rằng, chỉ có 8% người dùng phản đối tăng giá, tức là có tới 92% người dùng đồng ý với giả định nhà mạng tăng cước 3G. Câu hỏi được dư luận đặt ra là kết quả của GfK có chính xác? GfK công bố thông số này nhằm mục đích gì? Liệu đây có phải là động thái “dọn đường” để nhà mạng chuẩn bị tăng giá 3G?...

Những nghi vấn nêu trên không phải là không có cơ sở.

Thứ nhất, tổng số thuê bao 3G phát sinh cước của 3 nhà mạng Viettel, MobiFone, VinaPhone tính đến cuối năm 2014 (thời điểm tiến hành khảo sát) là 27,5 triệu thuê bao. Nhưng GfK chỉ tiến hành khảo sát… 576 khách hàng, một lượng khách hàng quá nhỏ, không phản ánh chính xác ý kiến người tiêu dùng. Mặt khác, cuộc khảo sát chỉ được tiến hành ở 3 địa phương là Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, không thể đại diện cho các vùng, miền.

Thứ hai, GfK đã đưa ra cho người khảo sát một câu hỏi theo kiểu “đặt bẫy”. Đó là “Giả sử nhà cung cấp dịch vụ 3G mà anh chị đang dùng tăng giá cước 3G thì anh/chị chấp nhận được mức tăng bao nhiêu?”, với những phương án lựa chọn là dưới 5%, từ 5-10%, từ 10-20%, trên 30% và không đồng ý tăng. Con số 8% người dùng phản đối tăng giá cước mà GfK đưa ra chính là nhóm người chọn câu trả lời cuối cùng này.

Nếu tăng giá, 82% người dùng cho biết họ chỉ chấp nhận được mức tăng 5% hoặc thấp hơn. Với mức tăng từ 5-10%, 59% người dùng sẽ chuyển qua gói cước rẻ hơn. Trong trường hợp mức tăng vượt trên 10%, có tới 47% người dùng khẳng định họ sẽ đổi qua nhà cung cấp khác. Như vậy, ở tình huống giả định này, GfK đã “đặt bẫy” người được khảo sát để gom họ vào nhóm “tăng giá cước”.

Trước những nghi vấn đặt ra, bà Đinh Ngọc Bảo Trân, đại diện GfK Việt Nam đã khẳng định sự khách quan của số liệu và cho biết, công ty khảo sát thực hiện trường hợp giả định mà không dựa vào đợt tăng giá cước 3G năm 2013. Với ý kiến cho rằng, câu hỏi này “cài” người được hỏi vào thế có dùng hay không, chứ không phải có chấp nhận tăng cước hay không, bà Trân cho rằng, câu hỏi của GfK cũng tương tự câu “Anh/Chị có chấp nhận tăng giá cước hay không?”.

Ngay tại buổi họp công bố kết quả nghiên cứu, câu trả lời của đại diện GfK đã không nhận được sự đồng tình của báo giới. Ông Lê Nam Thắng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho rằng, chỉ nên coi đây là một kênh thông tin mới để tham khảo, chứ không phải là số liệu chính thống của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Được biết, báo cáo trên do GfK thực hiện với sự tài trợ của Qualcomm và sự hợp tác của 3 nhà mạng MobiFone, VinaPhone và Viettel. Đầu tháng 10/2013, chính 3 nhà mạng này đã cùng lúc tuyên bố tăng giá cước 3G (tăng khoảng 40%), nhưng đã gặp phải sự phản ứng gay gắt từ người dùng. Các lý do được đưa ra là giá cước 3G đang trong nhóm thấp nhất thế giới và các nhà mạng cần tăng giá cước để hoàn vốn đầu tư, tái đầu tư đã không thuyết phục được người dùng.

Sau lần đó, các nhà mạng cũng đã nhiều lần đề xuất tăng giá cước 3G thêm 43%, thậm chí là 80% vào cuối năm 2013 và năm 2014, nhưng đều vấp phải sự phản đối của khách hàng. Trong năm 2014, dù chưa công bố tăng giá cước 3G, nhưng các nhà mạng âm thầm có sự “điều chỉnh”, “cơ cấu lại” các gói cước 3G.

Và lần này, với việc GfK đặt câu hỏi và đưa ra kết quả khảo sát chỉ có 8% người dùng phản đối tăng cước 3G, phải chăng các nhà mạng lại đang tiếp tục “dọn đường” để đề xuất tăng giá cước 3G?

Tin liên quan
Tin khác