Các tỉnh thành vùng ĐBSCL tăng cường liên kết xúc tiến du lịch. Ảnh: Duy Khương. |
Thời gian qua, các địa phương trong vùng đã quan tâm đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông; xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng; đào tạo nguồn nhân lực du lịch, tăng cường công tác quảng bá xúc tiến, đẩy mạnh liên kết hợp tác giữa các địa phương trong vùng, giữa địa phương với các doanh nghiệp hoạt động du lịch, đặc biệt là liên kết phát triển du lịch giữa vùng ĐBSCL với TP. HCM.
Theo ông Dương Tấn Hiển, Phó chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường du lịch quốc tế chưa thể phục hồi, nên thị trường du lịch nội địa cần được quan tâm, trong đó hoạt động kích cầu, kết nối du lịch vùng ĐBSCL với TP. HCM là nhiệm vụ rất cần thiết nhằm sớm phục hồi ngành du lịch của vùng sau dịch bệnh.
Ông Hiển cho biết, TP. Cần Thơ đã và đang thu hút đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư, doanh nghiệp phát triển du lịch. Tập trung phát triển loại hình du lịch MICE và du lịch đường sông với các sản phẩm du lịch mới như: du thuyền Victoria Mekong chạy tuyến Cần Thơ- Châu Đốc, du lịch cộng đồng Cồn Sơn với nhiều sản phẩm mới, cung cấp nhiều dịch vụ trải nghiệm cho du khách; Công ty CP Mai Linh dự kiến khai thác tàu cao tốc tuyến Cần Thơ- Côn Đảo trong tháng 7/2020...
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP. HCM thông tin, giữa TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL đã có ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch và đang từng bước thực hiện hóa các nội dung thỏa thuận như: liên kết phát triển các sản phẩm mới, kích cầu du lịch và tổ chức các hoạt động đào tạo, đặc biệt là triển khai 3 tuyến du lịch mới kết nối giữa TP.HCM với các địa phương vùng ĐBSCL, như: Tuyến du lịch “Những nẻo đường phù sa”: TP. HCM- Long An- Tiền Giang- Vĩnh Long- Cần Thơ- Hậu Giang- Sóc Trăng- Bạc Liêu- Cà Mau; tuyến du lịch “Sắc màu vùng biên”: TP. HCM- Long An- Đồng Tháp- An Giang- Kiên Giang và tuyến du lịch “Non nước hữu tình”: TP. HCM- Tiền Giang- Bến Tre- Trà Vinh- Sóc Trăng- Bạc Liêu- Cà Mau.
Theo ông Vũ, qua 6 tháng triển khai, chỉ riêng khai thác của 5 doanh nghiệp lữ hành lớn, đã có hơn 50 ngàn lượt khách du lịch từ TP.HCM đi tham quan trải nghiệm những nét đặc sắc của 13 tỉnh, thành ĐBSCL.
Trong khuôn khổ liên kết vùng, tỉnh Kiên Giang và Cà Mau cũng đã xúc tiến kết nối tour tuyến, khai thác điểm đến và sản phẩm du lịch trên tuyến đường Hành lang ven biển phía Nam, trước mắt là mở tuyến tàu cao tốc kết nối Cà Mau - Nam Du - Phú Quốc trong tháng 7 này.
Hoạt động kích cầu, kết nối du lịch vùng ĐBSCL cũng đã nhận được sự hợp tác, hỗ trợ tích cực từ các hãng hàng không. Cuối tháng 6 vừa qua, Vietnam Airlines đã tổ chức lễ công bố 4 đường bay mới giữa Cần Thơ và Hải Phòng, Vinh, Buôn Ma Thuột, Đà Lạt và ký kết thỏa thuận hợp tác kích cầu du lịch với các địa phương có đường bay kết nối trực tiếp đến Cần Thơ.
Ông Lê Hồng Hà, Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines cho rằng, đây là kết quả rất tích cực đến từ quá trình theo dõi, nghiên cứu, làm việc giữa Vietnam Airlines và UBND TP. Cần Thơ, các đơn vị lữ hành, du lịch để đánh giá tiềm năng du khách đến Cần Thơ và ĐBSCL, cũng như từ Cần Thơ đi các điểm nội địa khác.
Theo nhận định của ông Chu Việt Cường, Thành viên HĐQT Vietjet, ĐBSCL là khu vực có văn hóa đặc sắc, ẩm thực đa dạng phong phú, rất nhiều tiềm năng phát triển du lịch nhưng đang cần những hành động phối hợp, thúc đẩy mạnh mẽ hơn để bứt phá không chỉ ở tầm quốc gia mà còn quốc tế.
Theo ông Cường, đồng hành cùng với các cơ quan quản lý địa phương, ngành du lịch... Vietjet đã tạo ra các sản phẩm du lịch mới, thu hút du khách đến với các tỉnh ĐBSCL. Vietjet là hãng hàng không tiên phong đẩy mạnh khai thác tại sân bay Cần Thơ với 7 đường bay nội địa kết nối Cần Thơ với Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Vinh, Thanh Hóa, Nha Trang, Đà Lạt và khai thác 5 đường bay nội địa kết nối Phú Quốc với TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Vinh. Trong năm 2019, tổng lượng khách vận chuyển của Vietjet đến và đi từ cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Phú Quốc và Cần Thơ lên tới xấp xỉ 15 triệu lượt, trong đó chỉ riêng lượng khách đi và đến Cần Thơ đã tăng trưởng tới 56%.
Với lợi thế về cảnh quan sông nước hữu tình, văn hóa đặc sắc, ẩm thực đa dạng... ĐBSCL có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Tuy nhiên, các địa phương trong vùng phần lớn là khai thác tài nguyên sẵn có mà chưa có sự đầu tư phát huy đúng mức. Đa phần sản phẩm du lịch trong vùng còn cũ kỹ, có sự trùng lắp giữa các địa phương với nhau, chủ yếu vẫn là các tour tham quan sông nước miệt vườn, nghe đờn ca tài tử, tát mương bắt cá..., kể cả trong thực đơn vẫn là những món ăn cũ.
Ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch HĐTV Công ty Du ngoạn Việt, một trong những người có nhiều gắn bó với du lịch ĐBSCL chia sẻ, món ăn ở Miền Tây mấy chục năm rồi mà trong thực đơn cho du khách vẫn cũ, vẫn là món cá tai tượng chiên xù, thiếu các món ăn mới, nước chấm thì lại dùng chung...
Theo các chuyên gia, để phát huy được tài nguyên, thế mạnh của vùng sông nước ĐBSCL, đưa du lịch ĐBSCL trở nên hấp dẫn du khách, việc làm mới sản phẩm du lịch, tạo thêm những sản phẩm độc đáo là hết sức cần thiết. Để làm được điều đó, chính quyền các địa phương ĐBSCL cần quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tạo ra nhiều gói sản phẩm dịch vụ hấp dẫn.
Nói về làm mới sản phẩm du lịch, ông Trần Hữu Hiệp, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long chia sẻ: “Cái mới của du lịch miền Tây không từ trên trời rơi xuống. Cái mới cần không gian sáng tạo để nghĩ mới, làm mới thu hút du khách. Nhưng cái mới có thể đến từ cái tưởng như cũ, thành cái đẹp, hay, hấp dẫn. Vẫn nguyên liệu, chất liệu cũ nhưng được đầu bếp giỏi làm ra món ăn ngon thì vẫn món mới đó thôi... Chiếc áo bà ba, khăn rằn quấn cổ đã hiện diện ở đồng bằng này mấy trăm năm qua, nhưng nó chưa cũ, vẫn đẹp... Nếu biết làm mới, đờn ca tài tử ở Tiền Giang khác ở Bạc Liêu. Đó là sự khác biệt mà ta làm mới sản phẩm từ cái cũ, từ nhu cầu của du khách mà tạo ra sự khác biệt”.