Nhóm VN30 lao dốc mạnh về chiều, giảm hơn 9 điểm phiên đáo hạn phái sinh
Giữ được sắc xanh trong nửa đầu phiên sáng, VN30-Index quay đầu lao dốc mạnh phiên chiều. Một lần nữa, trong phiên đáo hạn phái sinh, VN30-Index lại rơi mạnh khi gần kết phiên. Với 18 mã giảm, chỉ 9 mã tăng và 3 mã đứng giá tham chiếu, VN30-Index giảm 9,25 điểm (-0,61%) xuống còn 1.510 điểm, ngang ngửa mức giá đóng cửa của hợp đồng tương lai VN30F2112.
POW là cổ phiếu duy nhất trong VN30 tăng kịch biên độ nhưng chỉ góp gần 0,6 điểm tăng, không đủ bù lại sự sụt giảm của đa số cổ phiếu trong rổ.
VPB là cổ phiếu giảm sâu nhất và cũng là yếu tố tác động tiêu cực nhất đến chỉ số VN-30 khi góp tới 3 điểm giảm. Cổ phiếu nhà băng này tăng nhẹ thời điểm mở cửa nhưng liên tục giảm sâu sau đó và đóng cửa giảm 2,74%. Lực cung mạnh từ các nhà đầu tư nước ngoài cũng là một trong các nguyên nhân dìm cổ phiếu này. Giá trị bán ròng tại VPB lên tới hơn 316 tỷ đồng, cao nhất trong phiên hôm nay.
Giá trị giao dịch các cổ phiếu trong rổ VN30 xấp xỉ 8.000 tỷ đồng, chưa đến 30% thanh khoản của sàn HoSE. Sự sụt giảm dễ thấy nhất là ở cổ phiếu HPG. Thanh khoản cổ phiếu Hòa Phát hai phiên gần đây đều ở mức thấp với giá trị khớp lệnh đạt 525 tỷ đồng trong ngày 16/12, giảm hơn 41% so với bình quân 10 phiên gần đây.
Thanh khoản toàn thị trường phiên hôm nay vẫn nhích nhẹ so với phiên liền trước với giá trị giao dịch xấp xỉ 32.280 tỷ đồng. Trong đó, tổng giá trị khớp lệnh đạt 29.887 tỷ đồng, tăng 6,8%. Khối ngoại bán ròng 326 tỷ đồng trên ba sàn. Tuy nhiên, chỉ một vài cổ phiếu bị tập trung bán ròng mạnh. Ngoài VPB, lực cung chính của khối ngoại tập trung ở cổ phiếu CEO (176 tỷ đồng), TCH (63,5 tỷ đồng), chứng chỉ quỹ đại diện quỹ VNDiamond-FUEVFVND (51,6 tỷ đồng), DXG (51 tỷ đồng).
Dù VN30-Index giảm 0,61%, chỉ số đại diện cho cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ lại tăng mạnh trên 1%, lần lượt tăng 1,39% đối với VNMid-Index và 1,1% đối với VNSML-Index. Thị trường chứng khoán giao dịch giằng co với số mã tăng/giảm gần như ngang ngửa. VN-Index đóng cửa trong sắc xanh bất chấp đà giảm của rổ VN30. Cụ thể, chỉ số sàn HoSE tăng 1,11 điểm (+0,08%) lên 1.476,61 điểm. Chỉ số hai sàn còn lại cũng chỉ tăng nhẹ. HNX-Index đóng cửa ở mức tăng 0,73% lên 457 điểm, UPCoM-Index tăng 0,01% lên 111,74 điểm.
. |
Tương tự thị trường chứng khoán Việt Nam, các thị trường chứng khoán châu Á đa số đều đóng cửa trong sắc xanh, cá biệt ASX 200 của Australia giảm 0,43%. Cuộc họp chính sách lãi suất của Fed đã kết thúc rạng sáng nay theo giờ Việt Nam. Trong dự báo kinh tế công bố sau cuộc họp, các quan chức Fed ước tính lạm phát năm 2022 là 2,6%, cao hơn so với con số 2,2% đưa ra hồi tháng 9, và tỷ lệ thất nghiệp giảm còn 3,5%.
Các quan chức Fed đang thiên về phương án tăng lãi suất 3 lần, mỗi lần tăng 0,25 điểm phần trăm, trong năm 2022, tiếp đó 3 lần tăng trong năm 2023 và 2 lần tăng trong năm 2024..
Dòng bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ “nổi sóng”
Phiên giao dịch hôm nay ghi nhận sự vươn lên mạnh mẽ của cổ phiếu bất động sản nhóm vốn hóa nhỏ và vừa. Trong khi các cổ phiếu vốn hóa lớn như VIC, NVL chỉ đứng giá tham chiếu hay VHM, VRE giảm lần lượt 0,36% và gần 1%, nhiều cổ phiếu nhóm này tăng kịch biên độ như FLC, DIG, AGG tăng 7% hay ICG và SDU trên sàn HNX tăng xấp xỉ 10%.
Dòng cổ phiếu này còn thu hút mạnh dòng tiền với giá trị giao dịch ở một số cổ phiếu lên tới hàng trăm tỷ đồng. Tăng kịch biên độ, cổ phiếu DIG của DICGroup ghi nhận giá trị giao dịch hơn 526 tỷ đồng. Tương tự, cổ phiếu ITA và LDG cũng tăng kịch trần và đạt thanh khoản lần lượt là 399 tỷ đồng và 349 tỷ đồng.
Trái ngược với sự sôi động ở dòng bất động sản, sắc đỏ lại áp đảo ở nhóm cổ phiếu tài chính. Nhóm bảo hiểm giao dịch thăng hoa vài phiên trước nhưng đã nhanh chóng điều chỉnh. Đáng chú ý, PTI giảm tới 9,81% trong phiên, kéo tụt giá cổ phiếu này về 46.900 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu Bảo hiểm Quân đội (MIG), Bảo hiểm Petrolimex (PGI) đều giảm trên 1%. Sắc xanh chỉ xuất hiện hiếm hoi ở cổ phiếu BMI hay PRE (PVI Re). Tương tự, chỉ một vài cổ phiếu dòng chứng khoán đóng cửa trong sắc xanh gồm ART, APS hay TVS. Còn lại, đa phần cổ phiếu giảm trên 1%. Dòng ngân hàng phân hóa, nhưng đa phần các ngân hàng vốn hóa lớn đều đóng cửa trong sắc đỏ.