Tài chính - Chứng khoán
Dòng chứng khoán rơi sâu, nhóm ngân hàng hồi phục chưa đủ “kéo xanh” VN-Index
Thanh Thuỷ - 24/08/2021 17:40
VN-Index chưa trở lại mốc 1.300 điểm. Giao dịch diễn ra giằng co với sự thận trọng của các nhà đầu tư. Cổ phiếu trong phiên giao dịch thanh khoản khủng ngày 20/8 sẽ về tài khoản ngày mai.

Giằng co mạnh trên cả ba sàn

Sau hai phiên điều chỉnh sâu, VN-Index mở cửa trong sắc xanh, có thời điểm tăng lên gần 1.308 điểm. Tuy nhiên, hồi phục chóng vánh, chỉ số trở lại trạng thái giằng co. Các cổ phiếu vốn hoá lớn dù tăng điểm khá tích cực, nhất là VN30-Index đóng cửa tăng 6.26 điểm (+0,44%).

Ở chiều ngược lại, VNMid-Index và VNSML-Index của rổ các cổ phiếu vốn hoá vừa và nhỏ lần lượt giảm 0,72% và 1,45%. Sự phục hồi yếu ớt của nhóm vón hoá lớn khiến VN-Index vẫn đóng cửa giảm 0,01% về mức 1.298,74 điểm. Tương tự, HNX-Index và UPCoM-Index đóng cửa giảm 0,91% và 0,36%. Sắc đỏ xuất hiện trong phần lớn phiên giao dịch.

Giao dịch giằng co khiến sàn chứng khoán Việt Nam tiếp tục đóng cửa trong sắc đỏ.

Cùng đó, số lượng cổ phiếu giảm giá cũng chiếm ưu thế. Toàn sàn có hơn 460 mã giảm, trong khi chỉ có 306 mã tăng giá và 21 mã tăng kịch biên độ.

Cổ phiếu chứng khoán từng là dòng giữ được sắc xanh hiếm hoi trong phiên hôm qua đã quay đầu điều chỉnh. Trong đó, 5 cổ phiếu giảm kịch biên độ gồm VIX, VDS, PSI, CTS và cả HCM của ông lớn Chứng khoán HSC. Cổ phiếu VCSC cũng giảm tới 6,59%, SSI giảm 3,47%...

Ở chiều ngược lại, một số nhóm ngành giao dịch khá tiêu cực hôm qua lại có sự hồi phục. Đáng chú ý nhất là nhóm dầu khí, thuỷ sản. Giá dầu thế giới đã tăng trở lại phiên thứ 2 liên tiếp sau tuần lao dốc mạnh liền trước. Cổ phiếu BSR của doanh nghiệp sở hữu Nhà máy Lọc hoá dầu Dung Quất tăng 1,7%. Một số cổ phiếu họ P tăng 1-3%. Tuy nhiên, nhóm phân phối xăng dầu như Petrolimex (PLX) và PVOil (OIL) gần như chỉ đi ngang. Nhóm thuỷ sản cũng tăng không đồng đều. Cổ phiếu 2 doanh nghiệp lớn là VHC và FMC lần lượt tăng 4% và 3%.

Phần lớn các cổ phiếu ngân hàng đều đã lấy lại sắc xanh. Tuy nhiên, dù là nhóm có giá trị vốn hoá lớn của thị trường, mức độ hồi phục nhẹ phiên nay chưa đóng góp đáng kể cho đà tăng của chỉ số.

Top 10 cổ phiếu nâng đỡ thị trường chỉ có 2 ngân hàng gồm VPB tăng 0,66% và TCB tăng 0,51% so với hôm qua. Các cổ phiếu đóng góp nhiều nhất vào mức tăng hôm nay là cổ phiếu bất động sản PDR hay NVL, nhóm bán lẻ - tiêu dùng như MSN, SAB, MWG. Ở chiều ngược lại, cổ phiếu của Vingroup (VIC) lại là “ông lớn” ghìm chân VN-Index. Sự điều chỉnh của nhóm chứng khoán cũng khiến SSI, VCI và HCM đều lọt top 5 cổ phiếu kéo chỉ số giảm. 

Tương tự phiên hôm qua, Việt Nam nằm trong số ít các sàn chứng khoán châu Á đóng cửa trong sắc đỏ. Nhiều thị trường chứng khoán đã tăng mạnh như sàn Hồng Kông tăng tới 2,46%. Việc Trung Quốc đang tạm khống chế thành công đợt lây nhiễm mới của dịch Covid-19 tác động tích cực lên tâm lý nhà đầu tư chứng khoán trên thị trường này và cả ở một số thị trường hàng hoá như dầu mỏ. Về mặt chính sách, ông Yi Gang, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) hôm qua cũng cho biết chính sách cần tăng cường hỗ trợ tín dụng cho nền kinh tế đồng thời tăng cường sự ổn định của tổng tăng trưởng tín dụng.

Khối ngoại trở lại mua ròng, nhà đầu tư thận trọng trước ngày lượng cổ phiếu khủng về tài khoản

Trừ sàn HNX ghi nhận thanh khoản nhích lên, giá trị giao dịch đã giảm phiên thứ hai liên tiếp trên sàn HoSE và UPCoM. Trên sàn HoSE, giá trị giao dịch đạt 23.424 tỷ đồng, trong đó, giá trị khớp là 21.215 tỷ đồng, giảm 14,4% so với hôm qua. Trên ba sàn, thanh khoản xấp xỉ 29.730 tỷ đồng, trong dó giá trị khớp lệnh trên ba sàn đạt đạt 26.985 tỷ đồng, giảm 11,7%.

Không chỉ thanh khoản sụt giảm, diễn biến giằng co của chỉ số cũng cho thấy phần nào sự thận trọng của các nhà đầu tư. Ngay phiên ngày mai, khối lượng cổ phiếu lớn chưa từng có được mua trong ngày 20/8 sẽ về tài khoản. Việc tiếp tục giữ hay bán ra cổ phiếu cũng như quyết định của bên bán khi lượng tiền lớn về tài khoản có ý nghĩa quan trọng, nhất là khi các chỉ số chứng khoán hiện chưa rõ xu hướng.

Khối ngoại đã có động thái mua ròng trở lại dù giá trị mua vẫn còn khá khiên tốn (chưa đến 30 tỷ đồng). Cổ phiếu được mua nhiều nhất là SSI (156 tỷ đồng). Các nhà đầu tư nước ngoài đã gom thêm khi cổ phiếu này điều chỉnh mạnh. Trước đó, tương tự nhiều cổ phiếu chứng khoán, SSI cũng xác lập đỉnh giá mới. Một lượng cổ phiếu lớn đã bị khối ngoại bán ra chốt lời những ngày giữa tháng 8 vừa qua.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu bị khối ngoại bán ra nhiều nhất cũng là cổ phiếu của VNDirect – một công ty chứng khoán nắm giữ thị phần môi giới lớn trên thị trường với giá trị bán ròng hơn 120 tỷ đồng. Cả SSI và VND đều nằm trong nhóm cổ phiếu có thanh khoản trong phiên trên nghìn tỷ đồng với giá trị giao dịch lần lượt là 1.429 tỷ đồng và 1.124 tỷ đồng. Đây là các cổ phiếu không thường xuyên có thanh khoản lớn như vậy. Ngoài ra, VHM và HPG – gương mặt quen thuộc của nhóm cũng tiếp tục đạt mức thanh khoản nghìn tỷ. Giao dịch cổ phiếu VHM hôm nay đạt 2.217 tỷ đồng, trong đó khối ngoại mua ròng 94,5 tỷ đồng.

Tin liên quan
Tin khác