“Tiến độ giao hàng của chúng tôi nhiều khi phải tính bằng ngày, bằng giờ, vậy mà từ nhà máy lên TP.HCM chỉ có vài chục cây số, nhiều khi phải di chuyển mất 4 tiếng đồng hồ. Đi lại khó khăn đã ảnh hưởng rất nhiều đến kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp, khó bảo đảm được “chữ tín” về tiến độ giao hàng cho đối tác là các tập đoàn kỹ nghệ, các doanh nghiệp phân phối lớn”, bà Lan cho biết.
| ||
Hạ tầng ở Đồng Nai, nhất là hạ tầng giao thông đang ngày càng không theo kịp yêu cầu phát triển của doanh nghiệp |
Chia sẻ quan điểm này, ông Yamaguchi Kimio, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.HCM cho biết, từ TP.HCM đến các KCN ở Đồng Nai không xa, nhưng việc đi lại luôn là nỗi “ám ảnh” đối với doanh nghiệp Nhật thời gian qua.
Cũng theo ông Kimio, trong số hơn 600 thành viên của Hiệp hội, có không ít doanh nghiệp có dự án tại Đồng Nai, nên họ thực sự quan tâm đến tiến độ của những công trình giao thông trọng điểm của tỉnh.
Đến thời điểm này, trong số 4 công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, chỉ có 2 dự án có khả năng hoàn thành kế hoạch đề ra là thông xe trước Tết Nguyên đán, đó là Quốc lộ 1 tuyến tránh TP. Biên Hòa và Tỉnh lộ 769.
Bà Bồ Ngọc Thu, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai thừa nhận, đầu tư xây dựng các dự án hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, còn chậm và chưa đạt so với yêu cầu. Theo bà Thu, “rào cản” lớn nhất là thiếu vốn đầu tư, bởi ngoài giá trị xây lắp rất lớn, thì để thực hiện một dự án giao thông, chi phí giải phóng mặt bằng thường lớn hơn giá trị xây lắp công trình.
Để gỡ khó, ngoài vốn đầu tư từ nguồn ngân sách địa phương, Đồng Nai đang tích cực huy động các nguồn lực về vốn. Đến thời điểm đầu năm 2014, tại Đồng Nai đã có 1 dự án giao thông đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) được duyệt, 1 dự án khác đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) đang trình cấp có thẩm quyền xem xét…
Ông Đinh Quốc Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, năm 2014, tổng nguồn vốn ngân sách của tỉnh khoảng 11.000 tỷ đồng, trong đó khoảng 3.000 tỷ đồng sẽ được phân bổ cho các dự án hạ tầng kỹ thuật. Ưu tiên của tỉnh là phân bổ vốn cho các dự án giao thông trọng điểm, góp phần tăng thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội…
Năm 2014, Đồng Nai có kế hoạch thu hút vốn đầu tư nước ngoài 700 - 900 triệu USD. Bà Thu cho biết, năm nay, Đồng Nai chủ trương chọn lọc thu hút các dự án công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, dự án của các tập đoàn lớn sản xuất theo chuỗi, dự án thân thiện môi trường, ở lĩnh vực dịch vụ, hạ tầng…
Cùng với đó, Đồng Nai tiếp tục quan tâm đến “hạ tầng mềm”, với việc hải quan triển khai ứng dụng hệ thống thông quan tự động mới; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; khuyến khích các mô hình doanh nghiệp FDI có quy mô lớn thực hiện R&D… để tăng cạnh tranh, thu hút thêm nhiều nhà đầu tư ngoại đến với địa phương.
Hồng Sơn