Đầu tư
Đồng Nai xây dựng chính sách giải phóng mặt bằng 2 tuyến kết nối Sân bay Long Thành
Nhằm nhanh chóng xây dựng 2 tuyến đường kết nối Cảng hàng không quốc tế Long Thành tỉnh Đồng đẩy nhanh xây dựng khung chính sách để sớm hoàn thành đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng.
TIN LIÊN QUAN

Xây dựng khung chính sách đền bù, hỗ trợ

Theo quyết định phê duyệt đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành (giai đoạn 1) của Thủ tướng Chính phủ, để đảm bảo kết nối giao thông, 2 tuyến đường kết nối sân bay cũng đã được chấp thuận đầu tư bao gồm tuyến số 1 và số 2.

Theo đơn vị tư vấn, tuyến số 1 có chiều dài 3,8km kết nối cảng hàng không quốc tế Long Thành với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, quốc lộ 51 và khớp nối với đường ĐT.25C. Tuyến số 2 có chiều dài 3,5km có điểm đầu giao với tuyến số 1, chạy song song với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và điểm cuối giao với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Để xây dựng 2 tuyến đường kết nối cảng hàng không quốc tế Long Thành, tỉnh Đồng Nai sẽ thực hiện thu hồi khoảng 122,6 ha đất.

Ông Nguyễn Khắc Phong, Trưởng ban điều hành dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành thuộc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), chủ đầu tư xây dựng 2 tuyến đường kết nối sân bay cho biết, việc xây dựng 2 tuyến đường số 1 và 2 là rất cấp bách để đảm bảo kết nối giao thông khi sân bay đi vào vận hành, khai thác. Đặc biệt, tuyến đường số 1 còn đóng vai trò là tuyến phục vụ quá trình xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Để thực hiện điều này, đòi hỏi công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng phải được triển khai sớm.

Để triển khai công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng các cơ quan chức năng phải xây dựng được khung chính sách đền bù, hỗ trợ, tái định cư đối với các hộ dân có đất bị thu hồi để phục vụ xây dựng 2 tuyến đường.

Theo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, khung chính sách đền bù, hỗ trợ, tái định cư của dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1572/QĐ-Ttg ngày 14/10/2017. Theo đó, hạng mục 2 tuyến giao thông kết nối có thể đề xuất áp dụng theo khung chính sách đã được phê duyệt.

Tuy nhiên, do tuyến đường số 2 lại nằm trong hành lang của dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu với khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được phê duyệt tại Quyết định số 633/QĐ-Ttg ngày 10/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Do đó, đối với khung chính sách đền bù, hỗ trợ, tái định cư khi thực hiện thu hồi đất xây dựng 2 tuyến đường kết nối cảng hàng không quốc tế Long Thành, đơn vị tư vấn đưa ra 2 phương án thực hiện gồm: phương án 1, áp dụng khung chính sách của dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành cho toàn bộ hệ thống giao thông kết nối tuyến số 1 và 2; phương án 2, áp dụng khung chính sách của dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành đối với tuyến số 1 và áp dụng khung chính sách của dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đối với tuyến số 2.

Theo ông Nguyễn Khắc Phong, qua rà soát cho thấy chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư của 2 dự án cơ bản tương đương. Tuy nhiên, giữa 2 khung chính sách này có 3 điểm chênh lệch gồm: hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành hỗ trợ bằng 2 lần giá đất nông nghiệp trong khi dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu áp dụng mức 1,5 lần; hỗ trợ thuê nhà ở đối với dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành áp dụng mức 4 triệu đồng/hộ/tháng còn dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu áp dụng mức hỗ trợ 3 triệu đồng/hộ/tháng; chương trình phục hồi thu nhập và ổn định cuộc sống đối với dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành áp dụng mức 4,5 lần mức lương tối thiểu vùng còn dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu hiện chưa được đề cập.

Do sự chênh lệch trên nên tổng kinh phí dành cho công tác giải phóng mặt bằng theo 2 phương án cũng có sự chênh lệch. Cụ thể, đối với phương án 1, tổng chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 1,5 ngàn tỷ đồng. Trong khi đó, đối với phương án 2 tổng chi phí giải phóng mặt bằng hơn 1,4 ngàn tỷ đồng, giảm gần 59 tỷ đồng so với phương án 1. “Để đảm bảo tiến độ, yêu cầu của dự án, ACV đề nghị tỉnh Đồng Nai xem xét, báo cáo cơ quan có thẩm quyền chấp thuận áp dụng khung chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư cho 2 tuyến đường giao thông kết nối theo một trong hai phương án trên”, ông Nguyễn Khắc Phong cho biết.

Áp dụng chung khung chính sách có lợi nhất cho người dân

Theo ông Võ Tấn Đức, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, việc xây dựng 2 tuyến kết nối giao thông, đặc biệt là tuyến số 1 phục vụ xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 là rất cấp bách. Do đó, phải nhanh chóng hoàn thiện xây dựng khung chính sách đền bù, hỗ trợ và tái định cư khi thực hiện thu hồi đất của người dân.

Đối với khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, ông Võ Tấn Đức cho rằng, việc thống nhất sử dụng chung khung chính sách của dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành để thực hiện đối với cả 2 tuyến đường là hợp lý nhất.

“UBND tỉnh Đồng Nai giao các sở Tài nguyên và Môi trường; Tài chính và UBND huyện Long Thành, ACV và các đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh Đồng Nai có ý kiến thực hiện khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và việc bố trí tái định cư đối với dự án xây dựng 2 tuyến đường để tỉnh Đồng Nai sớm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt”, Võ Tấn Đức nói.

Đối với công tác bố trí tái định cư cho người dân, hiện nay UBND tỉnh Đồng Nai đã giao UBND huyện Long Thành khẩn trương rà soát, xác định chính xác số hộ dân cần bố trí tái định cư. Tỉnh Đồng Nai cũng sẽ đề xuất Thủ tướng chấp thuận bố trí tái định cư cho người dân có đất bị thu hồi phục vụ xây dựng 2 tuyến đường kết nối sân bay vào khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn.

Để đảm bảo tiến độ công tác giải phóng mặt bằng 2 tuyến đường kết nối, UBND huyện Long Thành xây dựng kế hoạch, xác định tiến độ, nguồn lực thực hiện.

Để thực hiện xây dựng 2 tuyến đường kết nối cảng hàng không quốc tế Long Thành, tỉnh Đồng Nai sẽ thực hiện thu hồi khoảng 122,6 ha, giảm khoảng 14ha so với chủ trương đầu tư đã được duyệt (khoảng 136 ha) bởi do quy mô tuyến đường số 2 đã được điều chỉnh giảm.
Tin liên quan
Tin khác