Ngày 16/6, UBND tỉnh Đồng Nai đã tổ chức lễ công bố xuất khẩu chuyến hàng sầu riêng đầu tiên theo Nghị định thư ký kết giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc trên địa bàn tỉnh.
Tại buổi lễ, 20 container với 360 tấn sầu riêng gồm giống Dona, Ri6 đã xuất phát sang thị trường Trung Quốc bằng đường bộ qua các cửa khẩu Tân Thanh, cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, cửa khẩu quốc tế Móng Cái. Dự kiến trong năm 2023, Đồng Nai sẽ xuất khẩu 20.000 tấn sầu riêng sang Trung Quốc.
Sầu riêng là một trong 24 cây trồng chủ lực của tỉnh Đồng Nai với diện tích 11.345 ha, đứng đầu khu vực Đông Nam bộ và đứng thứ 4 cả nước. Các giống sầu riêng chủ yếu là Ri6 (chiếm 45% diện tích) và DONA (chiếm 50%) diện tích. Dự kiến, sản lượng sầu riêng năm 2023 của tỉnh sẽ đạt khoảng 69.000 tấn. Đồng Nai cũng là tỉnh tích cực xây dựng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Đến nay, toàn tỉnh có 11 vùng trồng sầu riêng với diện tích 820 ha được cấp mã vùng trồng.
Ông Từ Châu, Phó tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại TP.HCM cho biết, nhu cầu về tiêu thụ sầu riêng tại Trung Quốc là rất lớn, lên tới một triệu tấn mỗi năm và không có hạn chế về sản lượng nhập khẩu.
“Nếu Việt Nam có thể cung cấp đủ sản lượng, chúng tôi mong muốn có càng nhiều càng tốt”, ông Từ Châu cho biết.
Tuy nhiên, phía Trung Quốc cũng khuyến nghị cần nâng cao chất lượng nông sản, đảm bảo chặt chẽ các khâu đóng gói, bảo quản và xây dựng thương hiệu để được biết đến nhiều hơn. Bên cạnh đó, Phó tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại TP.HCM cũng kiến nghị cải thiện, đa dạng các phương thức vận chuyển, hoạt động logistic nhằm giảm thiểu chi phí, tránh tình trạng ùn tắc cửa khẩu.
Ông Từ Châu, Phó tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại TP.HCM được mời dùng thử sầu riêng tại Lễ công bố xuất khẩu chuyến hàng sầu riêng đầu tiên theo Nghị định thư ký kết giữa Bộ NN&PTNT cùng Tổng cục Hải quan Trung Quốc. |
Trong khi đó, ông Võ Văn Phi, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai nhận định sầu riêng là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh. Những năm qua, Đồng Nai đã tập trung xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất theo chuẩn thị trường xuất khẩu chất lượng cao, giá cả cạnh tranh với sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
“Trung Quốc là một thị trường lớn và quan trọng. Chinh phục được thị trường này sẽ là bước đệm để các mặt hàng trái cây, nông sản của Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung tiến xa hơn, chinh phục những thị trường khác trên thế giới”, ông Phi nói.
Để làm được vậy, ông Phi cho rằng cầu có sự phối hợp của các bộ, ban, ngành, cơ quan địa phương và các doanh nghiệp trong việc tạo điều kiện thuận lợi và không ngừng nâng cao trình độ kỹ thuật canh tác, tiêu chuẩn sản phẩm để đáp ứng các thị trường khó tính nhất. Đồng thời, không ngừng nghiên cứu các phương pháp chế biến sâu, tạo giá trị gia tăng cho nông sản.
Các đại biểu cắt băng xuất khẩu những chuyến hàng sầu riêng đầu tiên của Đồng Nai xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. |
Trả lời phỏng vấn tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung đánh giá cao về công tác tổ chức quảng bá, xúc tiến, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản, trái cây của tỉnh Đồng Nai.
“Đồng Nai không phải là một tỉnh trọng yếu về nông nghiệp nhưng tỉnh đã có những hoạt động, cách thức quảng bá hình ảnh sản phẩm của địa phương”, Thứ trưởng Trung cho biết.
Cũng theo Thứ trưởng Hoàng Trung, Bộ NN&PTNT đánh giá rất cao sự đổi mới, sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh, nhất là thực hiện tốt xây dựng các vùng chuyên canh trái cây xuất khẩu, đặc biệt là trái sầu riêng. Tuy nhiên, địa phương cần quan tâm xây dựng thương hiệu sầu riêng trên thị trường quốc tế, minh bạch về chất lượng sản phẩm. Bộ NN&PTNT cam kết sẽ đồng hành với tỉnh trong phát triển sản xuất đáp ứng các yêu cầu của thị trường xuất khẩu.