Tiêu dùng
Đồng Tháp đầu tư gần 98 tỷ đồng cho Dự án phát triển sản phẩm OCOP từ sen
Trúc Giang - 28/10/2021 08:28
Dự án nhằm phát triển các sản phẩm từ sen, liên kết với các điểm du lịch kết nối thị trường tiêu thụ và xây dựng hình ảnh huyện Tháp Mười gắn với biểu tượng sen.
Tham quan đầm sen, thưởng thức các sản phẩm từ sen là đặc trưng của du lịch Đồng Tháp

Thông tin từ UBND tỉnh Đồng Tháp, địa phương này đang xây dựng Dự án mô hình điểm phát triển sản phẩm OCOP - sản phẩm từ sen trên địa bàn huyện Tháp Mười.

Dự án do UBND huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp làm chủ đầu tư, với tổng vốn thực hiện dự án giai đoạn 2021-2025 là 97,965 tỷ đồng. Trong đó, vốn Trung ương 10,655 tỷ đồng; vốn địa phương 29,725 tỷ đồng và vốn đối ứng hộ dân là 57,585 tỷ đồng.

Mục tiêu của Dự án nhằm xây dựng hoàn thiện vùng sản xuất trọng điểm và phát triển chuỗi liên kết ngành hàng sen trở thành ngành chủ lực, hiệu quả; hình thành liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm đảm bảo tính bền vững; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng của các sản phẩm ngành hàng sen đạt các tiêu chuẩn có thể tham gia chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), trở thành sản phẩm đặc trưng của huyện Tháp Mười và hướng đến mục tiêu xuất khẩu.

Đồng thời, phát triển các sản phẩm từ sen kết hợp du lịch sinh thái và ẩm thực sen với xây dựng hình ảnh đặc trưng của Tháp Mười gắn với biểu tượng sen, nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước đến với vùng sen Tháp Mười.

Về nội dung và giải pháp cụ thể, Dự án đi sâu vào phân tích những giải pháp nhằm định hướng phát triển cây sen, như các giải pháp về cơ chế, chính sách nhằm xây dựng liên kết chuỗi giá trị nông sản, tạo điều kiện cho hợp tác xã, các doanh nghiệp liên kết chặt chẽ với các nông hộ để đảm bảo sản xuất theo quy trình, có đầu mối bao tiêu sản phẩm ổn định, qua đó nâng cao giá trị sản phẩm. Thu hút các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu sản phẩm đặt nhà máy trên địa bàn huyện và đầu tư vào khoa học - công nghệ, từ khâu sản xuất đến chế biến, đóng gói và tiêu thụ sản phẩm… Đa dạng hóa sản phẩm từ sen (sản phẩm ẩm thực từ sen, mỹ phẩm từ sen, tơ sen…) phục vụ phát triển du lịch.

Song song đó là các giải pháp khôi phục vùng nguyên liệu sen; các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm; xây dựng điểm trưng bày sản phẩm OCOP từ sen tại khu du lịch Gò Tháp; tổ chức lễ hội sen gắn với các lễ hội truyền thống của huyện Tháp Mười...

Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, diện tích trồng sen của huyện Tháp Mười khoảng hơn 150 ha/năm; trong đó, diện tích phục vụ khai thác du lịch khoảng 30 ha, còn lại là diện tích trồng sen lấy hạt. Vào năm 2016, tỉnh Đồng Tháp đã đăng ký thành công nhãn hiệu chứng nhận “Sen Tháp Mười” trong nước và nước ngoài. Hiện nay, huyện Tháp Mười đang hoàn chỉnh quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu kết hợp với du lịch sinh thái tại Khu du lịch Đồng Sen Tháp Mười. Đồng thời, huyện cũng thuê tư vấn đang hoàn chỉnh kế hoạch sử dụng và phát triển nhãn hiệu Sen Tháp Mười.

Tính đến cuối năm 2020, huyện Tháp Mười có 9 sản phẩm từ sen tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cấp tỉnh đạt chứng nhận từ 3-4 sao…

Căn cứ Quyết định số 4078/QĐ-BNN-VPĐP ngày 28/10/2019 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt Kế hoạch khung chỉ đạo điểm triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, tỉnh Đồng Tháp được chọn triển khai 3 mô hình chỉ đạo điểm tại Công văn số 412/BNNVPĐP ngày 14/01/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, gồm: Dự án sản phẩm từ sen (huyện Tháp Mười), sản phẩm xoài chế biến (huyện Cao Lãnh) và Làng văn hóa du lịch Sa Đéc (TP.Sa Đéc).

Tin liên quan
Tin khác