Đầu tư
Động thổ Dự án Thăng Long – Tesa Site Hải Phòng
Thanh Sơn - 28/01/2022 08:18
Ngày 26/01, tại KCN DEEP C, lễ động thổ Dự án Thăng Long - Tesa Site Hải Phòng đã diễn ra, đánh dấu bước khởi đầu quan trọng cho cơ sở sản xuất mới của Tesa ở Việt Nam.

Tham dự sự kiện qua hình thức trực tuyến, Tiến sỹ Norman Goldberg, Giám đốc điều hành của tesa SE cho biết: “Việc đặt nền móng này là một cột mốc quan trọng của Tesa. Thị trường băng dính của Châu Á đang phát triển rất năng động, và chúng tôi sẽ tận dụng lợi thế đó.

Việc Tesa đầu tư khoảng 55 triệu Euro trong bối cảnh đại dịch Covid-19 cho thấy một tín hiệu lạc quan về tương lai từ phía các cổ đông”. Đồng thời, gửi lời cám ơn đến đội ngũ tesa, chính quyền thành phố Hải Phòng và Đại sứ quán Đức tại Việt Nam, Tiến sỹ Guido Hildner vì đã nỗ lực hỗ trợ dự án.

Dự án này có tổng vốn đầu tư 55 triệu Euro, xây dựng nhà máy rộng 70.000 m2 tại KCN DEEP C Hải Phòng. Mục tiêu của dự án là để tăng năng lực sản xuất và cung ứng cho thị trường Châu Á- một trong những thị trường phát triển mạnh mẽ nhất hiện nay. Tại đây, mỗi năm sẽ sản xuất ra 40.000.000m2 băng dính. Động thái này là một phần trong chiến lược của công ty nhằm mở rộng thị trường và rút ngắn khoảng cách đến các khách hàng và nhà cung cấp. Dự kiến nhà máy sản xuất sẽ khánh thành vào quý I/2023, sau đó sẽ đi vào giai đoạn vận hành chạy thử và thử nghiệm ban đầu. Đến quý I/2024, Tesa sẽ chính thức đưa nhà máy vào hoạt động.

Lễ động thổ Dự án Thăng Long – Tesa Site Hải Phòng lễ động thổ Dự án Thăng Long – Tesa Site Hải Phòng. Ảnh: DEEP C

Hiện, Tesa đang vận hành 14 cơ sở sản xuất trên khắp thế giới, bao gồm các nhà máy lớn tại Đức (Hamburg, Offenburg), Ý, Mỹ và Trung Quốc. Từ nhà máy tại Tô Châu, Trung Quốc, Tesa cung cấp băng dính công nghệ cao cùng các sản phẩm khác cho các thiết bị điện tử để kết dính các linh kiện và màn hình điện thoại di động và máy tính bảng.

Ông Stefan Schmidt, Trưởng bộ phận Cung ứng và Vận hành, phụ trách logistics và sản xuất của tesa trên toàn thế giới chia sẻ rằng: “Việc tiếp cận thị trường, giao hàng nhanh và linh hoạt cho khách hàng và phát triển nguồn vật liệu thô trong nước là các yếu tố quan trọng trong cạnh tranh quốc tế. Và tất cả các yêu cầu đó được đáp ứng bởi các năng lực bổ sung tại chỗ”.

Ngoài ra, các khách hàng tiềm năng của tesa đều có mặt tại Việt Nam, bao gồm cả các khách hàng thuộc ngành công nghiệp điện tử và ô tô. Cũng trong quý I/2020, Việt Nam đã nỗ lực phát triển kinh tế đạt tăng trưởng 3,8% mặc dù trong bối cảnh khủng hoảng toàn cầu do đại dịch. Năm 2022 dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng 6,5%. 

Về phía DEEP C, ông Bruno Jaspaert, Tổng Giám đốc của KCN DEEP C đã đánh giá về làn sóng chuyển dịch đầu tư nước ngoài vào các ngành công nghệ cao. DEEP C đang chứng kiến một xu hướng đầu tư công nghệ hướng vào các ngành điện tử và ô tô, dẫn đến sự hình thành các cụm sản xuất thiết bị, linh kiện điện tử và sản xuất ô tô tại đây. Đồng thời, bày tỏ tin tưởng rằng, sự có mặt của một công ty toàn cầu như Tesa sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền công nghiệp phụ trợ của cả DEEP C và khu vực miền Bắc Việt Nam.

Tesa SE là một công ty đa quốc gia, tesa phát triển băng dính cải tiến và các giải pháp hệ thống tự dính cho đa dạng các ngành nghề, các khách hàng thương mại và người tiêu dùng. Băng dính kỹ thuật bắt đầu xuất hiện trên thị trường cách đây 125 năm. Cho đến nay, đã có trên 7.000 giải pháp kết dính tesa, giúp cải thiện công việc, sản phẩm hoặc đời sống của các khách hàng. Hiện, Tesa chú trọng vào tính bền vững và tiết kiệm năng lượng. tesa đầu tư vào phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường, quy trình sản xuất không dung môi và sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo tại địa phương. Tesa hiện có mặt tại 100 quốc gia và vận hành các nhà máy tại Đức, Ý, Trung Quốc, Mỹ và Việt Nam.

Tin liên quan
Tin khác