Tài chính - Chứng khoán
Dòng tiền chảy vào kênh đầu tư rủi ro
Hà Tâm - 27/12/2020 14:06
Nhiều kỷ lục được thiết lập trong năm 2020 của các kênh đầu tư khiến dòng tiền xoay chuyển chóng mặt từ các kênh đầu tư an toàn sang kênh đầu tư rủi ro, nhưng có lợi nhuận cao hơn.

Vàng, chứng khoán, tiền ảo liên tiếp lập kỷ lục

Năm 2020 chứng kiến sự bùng nổ của nhiều kênh đầu tư, bất chấp Covid-19. Trong đó, nhiều kênh đầu tư thiết lập mốc giá cao nhất mọi thời đại.

Tháng 8/2020, vàng khiến nhà đầu tư phát cuồng khi đạt mức giá 2.075 USD/oz - chưa từng có trong lịch sử. Cơn sốt vàng hạ nhiệt dần và đang được giao dịch ở ngưỡng dưới 1.900 USD/oz. Song theo ông Huỳnh Trung Khánh, cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam, Singapore và Indonesia, vàng sẽ sớm quay trở lại chinh phục mốc 2.000 USD/oz, có thể ngay đầu năm sau.

Sự trở lại của vàng có thể gặp sức cản khi một kênh đầu tư mới bất ngờ trỗi dậy: Bitcoin (BTC). Lóe sáng từ cuối tháng 11, đầu tháng 12/2020, Bitcoin và tiền mã hóa chưa bao giờ nóng như hiện nay, không chỉ phá đỉnh lịch sử thiết lập năm 2018, mà còn có lúc chạm mức giá 24.000 USD/BTC đầu tuần này, tăng hơn 3 lần so với đầu năm. Thậm chí, nhiều chuyên gia nhận định, Bitcoin sẽ đè bẹp vàng và trở thành kênh đầu tư hấp dẫn nhất mọi thời đại.

“Bitcoin và tiền mã hóa là điểm bất ngờ nhất của dòng tiền cuối năm 2020. Giá Bitcoin đang ở đỉnh cao nhất mọi thời đại. Sự chuyển hướng của nhà đầu tư có thể để đón đầu cách mạng 4.0, chứ không hẳn chỉ là yếu tố sinh lời”, ông Phan Dũng Khánh, chuyên gia phân tích đầu tư nhận định.

Không tăng sốc như Bitcoin hay vàng, song thị trường chứng khoán cũng liên tục lập đỉnh mới, ngày càng tiến dần tới mốc giá lịch sử giai đoạn 2007-2008. Sự thăng hoa của thị trường chứng khoán có đóng góp rất lớn của các nhà đầu tư mới (F0), khi số lượng tài khoản mở mới cao nhất trong vòng 3 năm qua. Hiện tượng này không chỉ diễn ra tại Việt Nam, mà còn tại nhiều nước trên thế giới.

Theo quan sát của ông Phan Dũng Khánh, nếu 3 quý đầu năm, dòng tiền đầu tư vào chứng khoán chủ yếu của nhà đầu tư cá nhân, còn nhà đầu tư tổ chức có xu hướng đầu tư vào tài sản an toàn (trái phiếu chính phủ, vàng), thì từ đầu quý IV/2020, dòng tiền đầu tư vào cổ phiếu của các nhà đầu tư tổ chức lại tăng mạnh.

Tại Việt Nam, từ đầu năm đến nay, các quỹ ngoại liên tục bán ròng, song xu hướng này đã chậm lại trong vài tháng qua. Thậm chí, có quỹ ngoại liên tục bán ròng từ đầu năm đã chuyển hướng mua ròng 3 tháng gần đây. Số mở tài khoản cao nhất 2 năm qua, cộng dồn lại ra con số khổng lồ. Số tài khoản chứng khoán trên thế giới của các hãng môi giới từ Á sang Âu, Mỹ cũng tăng vài trăm phần trăm so với năm 2019. 

Không được nhiều người nói đến, song dầu cũng là kênh đầu tư có mức tăng đáng nể năm 2020. Hiện dầu có mức giá gần 50 USD/thùng. So với thời điểm khủng hoảng khi giảm về mức giá âm 3,5 USD/thùng vào tháng 4/2020, dầu đã có mức tăng hàng chục lần.

Các kênh đầu tư trầm lắng nhất năm 2020 có lẽ là bất động sản, tiền gửi tiết kiệm và ngoại tệ. Tuy nhiên, trong số này, tiền gửi vẫn được nhiều nhà đầu tư cá nhân lựa chọn bởi tính an toàn, thanh khoản cao.

Kênh đầu tư nào sẽ nóng năm 2021?

Năm 2021, nhiều chuyên gia cho rằng, các kênh đầu tư như vàng, chứng khoán, tiền ảo… vẫn tăng trưởng ấn tượng.

Lãi suất tiết kiệm đã giảm khá sâu và dư địa giảm không còn nhiều, nên nhà đầu tư không cần lo lắng lãi suất sẽ giảm sâu thêm. Xu hướng tiền số tăng mạnh trên thế giới có thể khiến kênh đầu tư tiền ảo tăng mạnh. Các kênh đầu tư chứng khoán, tiền ảo, vàng đang chia sẻ dòng tiền đầu tư vào bất động sản, nhưng bất động sản sẽ còn nhiều cơ hội phục hồi. Thực tế, giao dịch bất động sản đang ấm dần lên những tháng gần đây. 

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế

“Vàng có thể tiếp tục tăng giá trở lại vào năm 2021 khi dòng tiền kích thích kinh tế được các quốc gia, đặc biệt là Mỹ bơm ra thị trường. Tương tự, chứng khoán dự báo cũng có sự phục hồi tốt năm 2021. Thị trường bất động sản tuy hồi phục chậm hơn, song tôi cho rằng, sẽ ấm hơn năm 2020. Đặc biệt, nhiều phân khúc nhà ở phục vụ nhu cầu thực và bất động sản khu công nghiệp đã bắt đầu ấm trở lại. Kênh đầu tư ít hấp dẫn nhất năm 2020 và 2021, theo tôi, đó là ngoại tệ”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng nhận định.

Theo nhiều chuyên gia, vàng còn có nhiều cơ hội tăng giá. Dù những tháng gần đây, một số quỹ đầu tư lớn và ngân hàng trung ương một số quốc gia có dấu hiệu bán vàng sau một thập kỷ liên tục mua vào, song ông Phan Dũng Khánh cho rằng, không loại trừ đây chỉ là việc lướt sóng chốt lời, vì lượng bán ra quá ít so với lượng các “cá mập” này nắm giữ. 

Việc Mỹ ồ ạt bơm tiền hậu bầu cử, theo ông Khánh, sẽ hỗ trợ giá vàng tăng thời gian tới. Do đó, nhà đầu tư có thể tận dụng vàng đang ở vùng giá thấp để đầu tư. Tuy nhiên, đầu tư vàng chỉ thích hợp cho nhà đầu tư dài hạn và phải lựa chọn thời điểm giá vàng trong nước và thế giới ít chênh lệch.

Với chứng khoán, năm 2020 là năm đầu tư khá thành công với nhiều nhà đầu tư cá nhân, song số lượng nhà đầu tư thua lỗ cũng không ít. Để thành công trên thị trường này, các chuyên gia phân tích cho rằng, nhà đầu tư phải biết phân tích, theo dõi dòng tiền, nếu không vẫn thua lỗ như thường.

Chứng khoán, tiền ảo cũng là kênh đầu tư đáng để cân nhắc năm 2021, “ăn theo” xu hướng cách mạng 4.0 và làn sóng tài chính phi tập trung (DeFi). Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, nhà đầu tư phải am hiểu thị trường tài chính số và cảnh giác với các loại tiền ảo rác.  

Riêng kênh đầu tư bất động sản, theo khảo sát của một số công ty môi giới, số lượng quan tâm của nhà đầu tư đã giảm hơn trước. Tuy nhiên, tiềm năng phát triển dài hạn của thị trường vẫn rất lớn, giá nhà không có dấu hiệu hạ nhiệt.

“Ngoài bất động sản du lịch nghỉ dưỡng dự báo khó khăn còn kéo dài, tất cả phân khúc thị trường bất động sản khác vẫn rất tiềm năng. Hiện lãi suất thấp đang tạo điều kiện tích cực cho bất động sản phục hồi. Tuy nhiên, giai đoạn hiện nay không phải là thời của bất động sản đầu cơ”, TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế nhận định.

Tin liên quan
Tin khác