Tiền tiết kiệm có dịch chuyển?
Lãi suất tiền gửi liên tục giảm kể từ đầu quý II/2023, nhưng trước bối cảnh thị trường có khó khăn, các kênh đầu tư khác chưa thực sự hồi phục, nhiều người dân vẫn chọn gửi tiết kiệm. Trong bối cảnh tín dụng khó tăng trưởng, tổng huy động tiền gửi đã tăng cao hơn dư nợ cho vay, sau nhiều năm mất cân đối.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ông Đào Minh Tú cho biết, ngành ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay ở mức 14-15%, nhưng đến nay, dư nợ tín dụng mới tăng 4,2%, số tuyệt đối là 12,423 triệu tỷ đồng. Trong khi đó, huy động vào khoảng 4,16%, với số tiền gửi là 12,691 triệu tỷ đồng. Như vậy, huy động và cho vay ở thời điểm hiện nay tương đương nhau, kể cả về tốc độ, doanh số, số dư.
Các chuyên gia phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán VCBS cho rằng, từ đầu năm đến nay, mặt bằng lãi suất huy động đã giảm 1-1,3%. Việc giảm lãi suất là tiền đề hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tiếp cận nguồn vốn vay chi phí thấp để phục vụ sản xuất, kinh doanh. Đối với thị trường tài chính, mặt bằng lãi suất trong xu hướng giảm được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy một phần dòng tiền từ kênh đầu tư tiền gửi sang kênh có mức sinh lời tiềm năng cao hơn.
Theo Công ty cổ phần Quản lý quỹ đầu tư SGI (SGI Capital), lãi suất hạ nhiệt trong 3 tháng qua đã giúp gia tăng dòng tiền mới vào thị trường chứng khoán. Lãi suất điều hành sau khi giảm mạnh sẽ không còn nhiều dư địa giảm cho tới khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dừng tăng lãi suất. Dù vậy, ảnh hưởng của nới lỏng tiền tệ vẫn sẽ thể hiện qua lãi suất huy động và cho vay tiếp tục giảm, tác động tích cực lên thị trường tài chính và kinh tế thực.
Bà Thiều Thị Nhật Lệ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quản lý Quỹ UOB Asset Management (Việt Nam) cho rằng, từ nay đến cuối năm, nếu lạm phát và tỷ giá duy trì ổn định như kể từ đầu năm, NHNN sẽ có dư địa để giảm thêm lãi suất chính sách nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Nhưng khó có thể kỳ vọng những đợt giảm lãi suất mạnh khi mặt bằng lãi suất chính sách Việt Nam đã tiệm cận mức lãi suất tham chiếu ở Mỹ, đặc biệt là nếu Fed quyết định tiếp tục tăng lãi suất trong nửa cuối năm.
Theo bà Lệ, lãi suất tiết kiệm giảm sẽ kích thích dòng tiền quay trở lại thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, nhìn chung, lãi suất tiết kiệm vẫn còn ở mức khá cao và các chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho thị trường bất động sản cần có thời gian để phát huy tác dụng và khôi phục hoàn toàn niềm tin từ phía nhà đầu tư, từ đó họ mới có thể đẩy mạnh nguồn vốn vào thị trường.
Khi lãi suất giảm dần
Ông Lê Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Đầu tư, kiêm Trưởng phòng Nghiên cứu của Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital nhận định, lãi suất đã, đang và tiếp tục giảm, nhưng chưa thể về mức của năm 2021 hay đầu năm 2022. Việc giảm lãi suất là một quá trình, quá trình này sẽ tiếp diễn cho đến năm 2024 và tính ảnh hưởng của nó với nền kinh tế sẽ mất 6-9 tháng.
Không chỉ lãi suất, gần đây, tỷ giá tiền đồng cũng đột ngột tăng tạo áp lực lên lộ trình giảm lãi suất. Các lãi suất chủ chốt gồm lãi tiền gửi tiết kiệm, trái phiếu chính phủ và lãi suất liên ngân hàng đều giảm mạnh về mặt bằng cuối quý II/2022. Nếu VND không mất giá trên 3% so với đầu năm nay, SGI Capital tin rằng, NHNN sẽ tiếp tục ưu tiên hạ lãi suất.
Tuy nhiên, đội ngũ phân tích cũng chỉ ra rằng, áp lực tỷ giá đang tăng trở lại. Chênh lệch lãi suất ngắn hạn của USD-VND còn ở mức cao nhất lịch sử và VND đang thuộc nhóm các đồng tiền mạnh nhất khu vực. Điều này ít nhiều ảnh hưởng tới sức cạnh tranh và triển vọng xuất khẩu của hàng Việt Nam, cũng như gây lo ngại cho dòng vốn đầu tư gián tiếp vốn nhạy cảm với rủi ro mất giá của VND.
Theo một chuyên gia tài chính - ngân hàng, lãi suất tiền gửi tiết kiệm sẽ kém hấp dẫn hơn trong nửa sau của năm 2023, lãi suất huy động (bình quân) kỳ hạn 12 tháng có thể về mức 6,5-6,8%/năm và xuống thấp hơn nữa trong năm 2024. Vì thế, khó tránh được việc dòng tiền của nhà đầu tư có thể dịch chuyển một phần sang các kênh đầu tư khác để hưởng mức lợi suất cao hơn và xu hướng này sẽ rõ nét hơn trong giai đoạn cuối năm 2023.
Với thị trường chứng khoán, chuyên gia phân tích tài chính Phan Dũng Khánh cho rằng, một khi mặt bằng lãi suất giảm, sẽ thu hút dòng tiền nhàn rỗi trở lại thị trường, nhất là khi giá nhiều cổ phiếu đang ở vùng thấp, thậm chí dưới giá trị thực. VNDirect cũng đánh giá, chứng khoán là thị trường của sự kỳ vọng, nên khi lãi suất giảm, đã xuất hiện những dự báo về sự phục hồi của doanh nghiệp, từ đó dòng tiền nhanh chóng tìm đến nhóm này.
Không chỉ có kênh đầu tư chứng khoán, mà cả bất động sản, xây dựng, tiêu dùng, xuất khẩu cũng sẽ hưởng lợi khi lãi suất giảm. Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành hàng này theo đó cũng được thúc đẩy mạnh mẽ.