VN-Index giảm 21 điểm, chỉ số sàn HNX và UPCoM nối dài chuỗi tuần tăng
Cú đạp đã diễn ra đồng loạt trên sàn chứng khoán Việt Nam phiên thứ Sáu (19/11). Cả ba chỉ số chứng khoán nhuộm đỏ nhưng tính chung chỉ duy nhất VN-Index giảm điểm trong cả tuần. Chỉ số sàn HoSE chỉ tăng nhẹ ở 2 phiên trong khi giảm tới 3 phiên, đóng cửa tuần ở mức 1.452,35 điểm, giảm hơn 21 điểm. VN-Index từng có lúc rơi xuống mức thấp nhất 1.436,8 điểm.
Trong khi đó, HNX-Index xác lập kỷ lục mới trong lịch sử giao dịch (474,76 điểm). Phiên điều chỉnh ngày thứ sau kéo chỉ số sàn HNX đóng cửa tại 453,97 điểm, nhưng vẫn tăng tới 12,34 điểm (+2,79%), ghi nhận tuần tăng thứ 7 liên tiếp. Tương tự, UPCoM-Index cũng đã có chuỗi liên tục tăng trong 7 tuần gần đây với mức tăng tổng cộng 2,58 điểm lên 113,24 điểm.
Xu hướng tăng của HNX-Index tiếp tục dựa vào một vài trụ cột. Cổ phiếu CEO và THD là hai đầu tàu kéo tăng chỉ số. Cổ phiếu CEO tăng 58% chỉ trong một tuần và đã cao hơn 2,56 lần so với mức giá hồi cuối tháng 10/2021. Đà tăng bất thường này còn đi kèm với khối lượng giao dịch lớn , với khối lượng cao nhất có ngày lên tới gần 19,6 triệu đơn vị trị giá 458 tỷ đồng giao dịch khớp lệnh. HNX-Index đã tăng 2,3 lần từ đầu năm đến nay. Theo tính toán của FiinGroup, P/E trên HNX đã tăng lên 24,26 lần, cao hơn hẳn P/E của VN-Index là 17,11 lần.
Trên sàn UPCoM, ngoài một số cổ phiếu vốn hoá lớn kéo chỉ số như cổ phiếu của PGBank (PGB), Licogi (LIC), Viettel Global (VGI), nhiều cổ phiếu thị giá thấp cũng đua nhau tăng mạnh. Đã có nhiều phiên hơn trăm mã cổ phiếu thị giá rất thấp tăng kịch biên độ.
Dòng tiền tiếp tục ồ ạt tham gia, đặc biệt khi áp lực bán tăng lên ở các nhịp điều chỉnh. Thanh khoản thị trường xô đổ kỷ lục cũ khi vươn lên đạt 56.335 tỷ đồng trong phiên thứ Sáu.
Giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên tại sàn HoSE đã tăng hơn 12% so với tuần trước, lên 34.933 tỷ đồng, tương đương 1,17 tỷ đơn vị được sang tay. Giao dịch trên sàn HNX cũng tăng 13,45% lên 4.961,8 tỷ đồng mỗi phiên.
Thống kê của FiinGroup trên giao dịch khớp lệnh sàn HoSE cho thấy cá nhân trong nước tiếp tục là bên mua ròng mạnh nhất tuần vừa qua với số tiền ròng giải ngân thêm cao hơn tuần trước; trong khi khối ngoại, tự doanh, tổ chức trong nước đều bán ròng.
Tuần qua, dòng tiền tìm đến nhóm dịch vụ tài chính và tài nguyên cơ bản, trong khi rút ròng ở nhóm bất động sản sau khi đổ vào mạnh tuần liền trước. Cổ phiếu ngân hàng cũng hồi phục mạnh trong phiên thứ Sáu vừa qua. Sắc xanh ở nhóm cổ phiếu có quy mô vốn hoá lớn trên không thay đổi được cục diện chung của thị trường nhưng là sự trở lại đáng chú ý sau thời gian dài giao dịch phân hoá.
Hơn chục lệnh xử phạt của UBCKNN tuần qua
Trong tuần thứ ba của tháng 11, Uỷ ban chứng khoán Nhà nước đã ban hành một lượng lớn quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán. Đa phần các vi phạm này liên quan đến hoạt động công bố thông tin vài năm trước.
CTCP Sông Đà 9.06 hhông công bố đối với thông tin BCTC năm 2020 đã được kiểm toán; Nghị quyết và Biên bản họp Đại hội đồng cổ đông thường niên các năm 2021, 2020, 2019, 2018…; công bố thông tin không đúng thời hạn đối với BCTC các năm 2019, 2018 đã được kiểm toán; Báo cáo thường niên các năm 2019, 2018... Tổng Công ty cổ phần Sông Hồng không công bố đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật, bao gồm BCTC mẹ và hợp nhất quý 1/2021, quý II và IV/2020; Báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2020; Báo cáo thường niên năm 2020; BCTC hợp nhất quý II/2019; Giải trình ý kiến kiểm toán ngoại trừ tại BCTC kiểm toán năm 2019...; công bố thông tin theo quy định trên trang thông tin điện tử SGDCK HN, hệ thống công bố thông tin của UBCKNN không đúng thời hạn về BCTC mẹ và hợp nhất quý 1,3/2020, quý 1,3/2019; Báo cáo thường niên năm 2019; BCTC soát xét 6 tháng đầu năm 2020, 2019 hợp nhất; BCTC mẹ quý 2/2019; BCTC hợp nhất quý 4/2019; BCTC kiểm toán năm 2019 công ty mẹ và hợp nhất...Tương tự, Công ty Cổ phần Hestia không công bố Báo cáo tài chính năm 2020 đã được kiểm toán. Cả ba công ty nhận án phạt hành chính từ UBCKNN với mức phạt 85 triệu đồng mỗi công ty.
Cơ quan này phạt 100 triệu đồng đối với công ty cổ phần Sông Đà 207 và Công ty Cổ phần Vinavico cũng với lý do không công bố thông tin trên trang thông tin điện tử của HNX và hệ thống công bố thông tin của UBCKNN.
Ngoài các báo cáo, công ty cổ phần Vinavico công bố thông tin không đúng thời hạn với Quyết định số 4911/QĐ-CT-QLN ngày 27/01/2016 của Cục thuế Hà Nội về việc áp dụng cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng đối với công ty.
Ngoài ra, một số cá nhân tổ chức còn nhận án phạt lớn do thực hiện giao dịch cần công bố thông tin. Ông Nguyễn Phúc Anh nhận án phạt hành chính 100 triệu đồng do không đăng ký chào mua công khai khi tăng tỷ lệ sở hữu từ 25,48% lên 30,66% tại CTCP Đầu tư PV2 trong các giao dịch từ ba năm trước (2018). Theo quy định, ngoài phạt hành chính, cá nhân này sẽ buộc từ bỏ quyền biểu quyết trực tiếp hoặc thông qua đại diện được ủy quyền trên số cổ phần có được từ hành vi vi phạm và phải chuyển nhượng số cổ phần đó để giảm tỷ lệ nắm giữ xuống dưới 25%. Tuy nhiên, ngay từ cuối tháng 10/2018, ông Nguyễn Phúc Anh đã sở hữu xuống 24,80%.
Bà Trần Mai Anh bị phạt tiền 30 triệu đồng do công bố thông tin không đúng thời hạn khi sở hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết và khi không còn là cổ đông lớn tại Công ty cổ phần Bao bì Biên Hòa hồi tháng 8-9/2019.
UBCKNN cũng ra quyết định phạt 350 triệu đồng đối với Công ty Cổ phần Hưng Phú do vẫn chưa thực hiện đăng ký giao dịch dù là công ty đại chúng. Theo quy định Ngày 09/06/2017, UBCKNN đã có công văn số 3841/UBCK-GSĐC yêu cầu Công ty đăng ký giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch Upcom. Tuy nhiên, đến nay Công ty chưa lên sàn.