Bitcoin tăng trở lại trở thành một cái cớ tuyệt vời cho coin rác nở rộ, hàng loạt sàn tiền ảo đa cấp trá hình xuất hiện. |
Tiền ảo rác tăng mạnh, công khai hút máu nhà đầu tư
Anh Nguyễn Văn Thắng, một nhà đầu tư của cộng đồng đầu tư Bitcoin tại Việt Nam cho hay, vài tháng gần đây, hoạt động giao dịch tiền ảo sôi động trở lại, số người mua máy đào Bitcoin tăng lên sau một thời gian dài “đắp chiếu”. Đáng lo nhất là Bitcoin tăng trở lại trở thành một cái cớ tuyệt vời cho coin rác nở rộ, hàng loạt sàn tiền ảo đa cấp trá hình xuất hiện. Các sàn tiền ảo này đều ăn theo Bitcoin và che dấu hành vi tội phạm bằng cách yêu cầu người chơi rửa tiền qua Bitcoin.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, thời gian gần đây xuất hiện hàng chục đồng tiền ảo mới như Win, CBR, GEM, Silling, ETM, ESR, BKC, VNDC… Mỗi đồng tiền ảo lại gắn với một hệ sinh thái. Công thức chung của các loại tiền ảo này là lợi nhuận siêu hấp dẫn, hoa hồng 7-9 tầng do một công ty mới thành lập phát hành (hầu hết có trụ sở ở nước ngoài nhưng trang web bằng tiếng Việt và người truy cập hầu hết đến từ Việt Nam)...
Điều đặc biệt nhất, với hầu hết các loại tiền ảo này, nếu muốn đầu tư, người dân phải mua Bitcoin, Ethereum…, nạp tiền ảo này vào tài khoản công ty để hoán đổi lấy tiền ảo nội bộ. Nói cách khác, quy trình chiếm đoạt tiền của các công ty này là dụ nhà đầu tư đổi tiền thật sang tiền ảo có giá trị, sau đó lấy tiền ảo “xịn” này đổi sang tiền ảo rác. Sau đó, trùm sò sẽ ẵm trọn tiền ảo xịn rồi đánh sập sàn hoặc đưa giá trị tiền ảo rác tụt dốc không phanh, thậm chí về 0%.
Theo lý giải của các luật sư, nếu nhà đầu tư nạp bằng tiền đồng, các cá nhân, công ty này có thể bị khép vào tội lừa đảo. Còn nếu nhà đầu tư lấy tiền ảo để đầu tư tiền ảo, cơ quan chức năng sẽ không có căn cứ để xử phạt, vì tiền ảo ở Việt Nam không được công nhận là tài sản hay phương tiện thanh toán.
Đây cũng là lý do khiến các sàn đa cấp tiền ảo biến tướng công khai dụ dỗ nhà đầu tư trên các mạng xã hội, rầm rộ nhất gần đây là IBG, Myaladdinz, Cashbackfro…, cơ quan chức năng vẫn chưa sờ gáy mà chỉ ra thông báo cảnh báo nhà đầu tư. Mới đây, Bộ Công an đã cảnh báo người dân về mô hình đa cấp tiền ảo lừa đảo Winsbank, trong khi Công an tỉnh Bình Phước vừa cảnh báo người dân về mô hình lừa đảo của Myaladdinz.
Không thể thống kê chính xác được bao nhiêu tiền đã được rót vào thị trường ngầm tiền ảo, do chợ tiền ảo chỉ diễn ra trên mạng. Tiền mặt mua Bitcoin thông qua tài khoản ngân hàng nhưng là giữa cá nhân với cá nhân, trong khi giao dịch giữa Bitcoin và tiền rác lại diễn ra qua các ví tiền ảo, không qua tài khoản ngân hàng, nên càng khó giảm sát.
Nhìn vào số lượng hàng chục ngàn người tham gia mỗi sàn đa cấp tiền ảo trên mạng xã hội, có thể thấy, lượng tiền chảy vào kênh này rất lớn. Những vụ sập sàn tiền ảo rác thời gian qua phần nào làm lộ sáng dòng tiền đen ngầm chảy này. Đơn cử, khi tiền ảo iFan sụp đổ (năm 2018), nhiều người choáng váng khi biết số tiền mà các nhà đầu tư bị bốc hơi lên tới 15.000 tỷ đồng. Như vậy, tại Việt Nam, các “nhà cái” tiền ảo rác có thể đã chiếm đoạt hàng trăm ngàn tỷ đồng của các nhà đầu tư.
Tiền ảo mặc sức tung hoành
Tháng 5/2020, dư luận xôn xao khi “doanh nhân” Lê Đức Nguyên bị một nhóm nhà đầu tư Pincoin bắt cóc và cướp số tiền ảo trị giá 35 tỷ đồng. Nhóm đối tượng còn ép người nhà ông Nguyên chuyển 9,5 triệu USD.
Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, những người bắt cóc chính là nạn nhân của ông Nguyên. Trước đó, họ bị ông Nguyên “dụ” đầu tư hàng trăm tỷ đồng vào Pincoin rồi ôm tiền biến mất. Ông Nguyên cũng chính là người đứng sau hàng loạt “tiền ảo rác” lừa đảo như iFan, Bitkingcoin… đang bị nhiều nhà đầu tư tố cáo.
Mặc dù trên thị trường có hàng chục tiền ảo rác, song đứng sau chúng vẫn chỉ là một số gương mặt thân quen, sau khi ôm tiền nhà đầu tư và biến mất, các trùm sò đứng sau lại cho ra đời sàn mới với chiêu thức tương tự. Do không bị pháp luật sờ gáy nhiều năm, số tiền mà các trùm sò sở hữu lên tới hàng chục, hàng trăm tỷ đồng. Việc phát hiện, xử phạt rất ít trong khi nguồn lợi quá lớn khiến các sàn đen, tiền ảo rác mọc lên ngày càng nhiều và việc xử lý ngày càng phức tạp.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Luật BASICO cho rằng: “Trên thực tế, đa phần người chơi đều hiểu rằng, đây là hình thức rủi ro nhưng vẫn nhắm mắt lao vào vì lòng tham. Việc mua bán tiền ảo diễn ra công khai, tràn lan. Hành vi lừa đảo tiền ảo diễn ra trắng trợn nhưng vẫn không thể xử lý, vì pháp luật không công nhận tiền ảo là tài sản hay phương tiện thanh toán, cơ quan chức năng không có căn cứ để xử lý”.
Hiện Ngân hàng Nhà nước không công nhận tiền ảo là phương tiện thanh toán; Bộ Công thương không công nhận tiền ảo là hàng hóa, dịch vụ; Bộ Tư pháp không công nhận tiền ảo là loại tài sản. Việc nằm ngoài vòng pháp luật khiến tiền ảo đang được sử dụng như một phương tiện lừa đảo.
Đáng mừng là tháng 5/2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có quyết định thành lập Tổ nghiên cứu về tài sản ảo, tiền ảo. Tuy nhiên, chỉ Bộ Tài chính vào cuộc là chưa đủ, bởi tiền ảo liên quan đến nhiều bộ, ngành…
- Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Luật BASICO