Chuyển động thị trường
Dòng tiền vẫn chực chờ vào bất động sản nghỉ dưỡng
Lê Trọng - 05/06/2021 09:00
Dù là phân khúc bị ảnh hưởng nặng, nhiều doanh nghiệp vẫn đặt niềm tin vào bất động sản nghỉ dưỡng, bởi họ kỳ vọng phân khúc này sẽ bật mạnh trở lại khi ngành du lịch phục hồi.
Shophouse dự sẽ là phân khúc đầu tư hấp dẫn.

Ảnh hưởng là điều khó tránh

Đầu năm 2021, lần Covid-19 bùng phát thứ ba được kiểm soát kịp thời, bất động sản nghỉ dưỡng vẫn tìm lại được những điểm sáng cho sự phục hồi nhanh chóng trong quý I/2021, khi hàng loạt dự án bất động sản nghỉ dưỡng được tung ra thị trường.

Tuy nhiên, việc tái khởi động chưa được bao lâu, thị trường mới lấy được đà tiếp sức chuẩn bị cho sự bùng nổ, thì đã khựng lại bởi lần bùng phát dịch mới, với số ca lây nhiễm tăng nhanh và biến chủng virus phức tạp hơn. Mọi kế hoạch đang xoay chuyển theo hướng mới chậm rãi và chặt chẽ.

Có thể thấy, bất động sản nghỉ dưỡng luôn là phân khúc chịu ảnh hưởng nặng nề mỗi khi dịch bệnh tái bùng phát. “Nếu đất nền và căn hộ vẫn luôn có giao dịch tốt nhờ sức cầu ở thực, thì bất động sản nghỉ dưỡng là sản phẩm đầu tư và khi thị trường có biến cố, khách hàng gần như tạm ngưng quyết định đầu tư”, Tổng giám đốc một doanh nghiệp bất động sản nghỉ dưỡng nói.

Cũng theo vị này, dù đã có kinh nghiệm từ các đợt bùng phát của dịch bệnh, doanh nghiệp đã lên trước các kịch bản ứng phó, song ảnh hưởng vẫn là điều không thể tránh khỏi.

Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Nghiên cứu & Phát triển DKRA Vietnam cho rằng, đợt dịch lần này xuất hiện đúng vào thời điểm bắt đầu chuẩn bị cao điểm mùa du lịch hè, các kế hoạch kinh doanh du lịch bị đảo lộn khi các biện pháp phòng dịch được đưa ra. Trước mắt, kế hoạch về du lịch và kinh doanh du lịch sẽ bị thay đổi, kéo theo nhiều khó khăn cho mục tiêu phục hồi và phát triển du lịch trong năm nay, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh bất động sản nghỉ dưỡng trong năm nay.

Dòng vốn vẫn đang chực chờ

Dù là phân khúc bị ảnh hưởng nặng, nhưng khi được hỏi quan điểm về thị trường, nhiều doanh nghiệp vẫn đặt niềm tin vào bất động sản nghỉ dưỡng, bởi họ kỳ vọng phân khúc này sẽ bật mạnh trở lại khi ngành du lịch phục hồi. Và thực tế đã minh chứng, ngay sau khi đợt dịch lần thứ ba được kiểm soát, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đã có sự “bứt tốc” đáng nể.

Ghi nhận từ báo cáo của DKRA Vietnam cho thấy, bức tranh bất động sản nghỉ dưỡng trong quý I/2021 có tín hiệu tích cực cả về nguồn cung lẫn lượng giao dịch. Cụ thể, quý I/2021 có gần 800 căn biệt thự biển được tung ra thị trường, tăng gấp 26 lần so với cùng kỳ năm ngoái; phân khúc nhà phố và shophouse biển có 222 căn được tung ra thị trường; nguồn cung condotel cũng tăng tốc mạnh mẽ trong 3 tháng đầu năm, khi ghi nhận 752 căn mở bán đến từ 3 dự án, tăng 8,6 lần so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, đà tăng tốc của rổ hàng biệt thự, shophouse biển, căn hộ condotel và thanh khoản cải thiện dần cho thấy sự trở lại tích cực của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng sau năm 2020 suy giảm nặng nề.

Cùng với sự lạc quan của nhà đầu tư, chỉ trong một tháng trở lại đây, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tiếp tục chứng kiến hàng loạt dự án được khởi công và giới thiệu tới khách hàng.

Gần đây nhất, Tập đoàn Everland cùng lúc động thổ 2 dự án, đó là Tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng Xuân Đài Bay và Crystal Holidays Marina Phú Yên với tổng diện tích đất 37 ha, tổng vốn đầu tư gần 2.200 tỷ đồng, nằm trong quần thể đô thị du lịch dịch vụ rộng hơn 500 ha ở phía Nam thị xã Sông Cầu (Phú Yên).

Cách đó không xa, Công ty TNHH Indochina Kajima Development cũng động thổ dự án khu nghỉ dưỡng Bãi Nồm trên diện tích 60 ha.

Hay tại Đà Nẵng, Tập đoàn Danh Khôi đã chính thức giới thiệu Dự án Aria Đà Nẵng Hotel & Resort với kỳ vọng sẽ tạo sức hút đối với các nhà đầu tư cũng như góp phần giúp thị trường bất động sản nghỉ dưỡng trong nước trở nên sôi động hơn.

Theo ông Hồ Đức Trung, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần H&H Land, nếu như năm 2020, khi Covid-19 mới bùng phát, cả xã hội hoang mang, mọi hoạt động phát triển kinh tế bị đình trệ, thì sang năm 2021, người dân và Chính phủ đã có kinh nghiệm ứng phó và phòng chống đại dịch.

Trạng thái “bình thường mới” được kích hoạt là yếu tố quan trọng giúp các doanh nghiệp bất động sản tự tin trở lại guồng quay của thị trường. Doanh nghiệp không thể mãi “nằm im bất động” được, mà phải “sống chung với lũ”, thực hiện mục tiêu kép là vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

Đặc biệt, giai đoạn hiện nay, nguồn tiền trên thị trường bất động sản đang rất lớn từ cả các doanh nghiệp trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, nền kinh tế đang tiềm ẩn nguy cơ lạm phát, lãi suất tiền gửi ngân hàng ở mức rất thấp và các nhu cầu đầu tư bất động sản của người dân rất cao. Đây chính là lý do khiến dòng tiền quay lại thị trường bất động sản nghỉ dưỡng. Các doanh nghiệp đều đang nóng lòng muốn quay trở lại thị trường, khởi công các dự án bất động sản nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường và nhà đầu tư.

Tin liên quan
Tin khác