Dòng vốn ngoại tích cực chảy vào bất động sản
Theo Tổng cục Thống kê, tính đến hết ngày 20/4, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam, gồm vốn đăng ký cấp mới, đăng ký điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, đạt gần 9,27 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Nhiều doanh nghiệp địa ốc ngoại đang tích cực đầu tư vào Việt Nam. Ảnh: Lê Toàn |
Riêng vốn đăng ký cấp cho 966 dự án đạt 7,11 tỷ USD, tăng gần 29% về số dự án và hơn 83% về giá trị. Trong đó, ngành bất động sản đứng thứ hai với số vốn đăng ký khoảng 1,6 tỷ USD, tăng gần 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 35 năm qua, đã có 66,4 tỷ USD vốn ngoại rót vào khoảng 1.100 dự án bất động sản Việt Nam. Trong đó, những quốc gia tích cực đầu tư nhất là Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Gần 1.400 doanh nghiệp địa ốc gia nhập thị trường
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, trong 4 tháng đầu năm nay, cả nước có 1.376 doanh nghiệp bất động sản đăng ký thành lập mới, giảm khoảng 1,3% so với cùng kỳ 2023. Lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động rơi vào khoảng 1.302 doanh nghiệp, tăng khoảng 22% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, số doanh nghiệp tạm ngừng có thời hạn lại lên tới 2.766 doanh nghiệp, tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Số doanh nghiệp hoàn tất giải thể là 410 doanh nghiệp, giảm khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước.
Theo chia sẻ của các môi giới, nhiều doanh nghiệp địa ốc nhỏ đã tạm dừng hoạt động trong tháng 2/2024 do đây là giai đoạn lễ Tết, hoạt động giao dịch gần như không có. Đây là nguyên nhân khiến lượng doanh nghiệp tạm ngừng có thời hạn tăng cao.
Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, thị trường bất động sản đang có dấu hiệu khởi sắc trở lại khi các chủ đầu tư đã sẵn sàng “bung” hàng. Ngay từ cuối quý I/2024, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu triển khai nhiều sự kiện kick - off để làm “nóng” thị trường, một số dự án có tiến độ triển khai tốt đã chính thức nhận cọc.
Nguồn cung khách sạn 3 sao dần biến mất ở Hà Nội
Theo Savills, trong quý I/2024, nguồn cung khách sạn ghi nhận 67 dự án với 11.120 phòng, giảm 1% theo quý.
Trước số liệu trên, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, nhận định, phân khúc khách sạn đang có xu hướng dịch chuyển sang hạng 4 - 5 sao. Điều này cho thấy nhu cầu thị trường đang ngày càng chú trọng đến trải nghiệm lưu trú cao cấp và đầy đủ tiện ích.
“Dự kiến 9 dự án 5 sao sẽ chiếm 76% thị phần nguồn cung tương lai và các dự án 4 sao sẽ chiếm 24%. Đáng chú ý, không có dự án 3 sao đi vào hoạt động tại Hà Nội trong vòng 3 năm tới”, ông Matthew Powell chia sẻ.
Trong năm qua, nhiều khách sạn 5 sao ở Thủ đô đã mở cửa trở lại như Movenpick, Hilton và Fusion. Ngoài ra, thị trường còn ghi nhận một số dự án cao cấp khác như L7 Westlake, Dusit Từ Hoa Palace, The Ritz Cartlon, Four Seasons, Waldorf Astoria Hanoi và Fairmont.
TP.HCM chuyển dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng sang đầu tư công
Dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng đã được lãnh đạo TP.HCM thống nhất dừng triển khai theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) và chuyển sang đầu tư công.
Phối cảnh dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng. |
Thông tin trên được nêu trong thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi về dự án xây dựng trung tâm thể dục thể thao Phan Đình Phùng tại số 8 đường Võ Văn Tần, quận 3. Chủ đầu tư dự án này là Công ty cổ phần phát triển bất động sản Phát Đạt.
Dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng được cơ quan quản lý chấp thuận chủ trương đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) từ năm 2008 và triển khai vào tháng 3/2010.
Ban đầu, dự án có mức đầu tư là 988 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến năm 2016, vốn đầu tư dự án đã tăng lên thành 1.953 tỷ đồng. Sau đó, hoạt động xây dựng đã dừng lại vào năm 2017. Vào thời điểm đó, chủ đầu tư mới chỉ thi công cọc thử và thử tĩnh cọc.
Hiện Sở Kế hoạch và Đầu tư đang tham mưu UBND TP.HCM về nguồn vốn, khả năng cân đối vốn và bố trí vốn cho dự án trong giai đoạn 2021 - 2025. Các cơ quan cho biết sẽ phấn đấu hoàn thành thủ tục đầu tư, khởi công dự án trước ngày 30/4/2025 và đưa nhà thi đấu này trở thành công trình tiêu biểu chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước.
Long An được chuyển gần 58 ha đất lúa để làm khu dân cư, cụm công nghiệp
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà vừa có hai quyết định chấp thuận cho UBND tỉnh Long An được chuyển đổi đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp để thực hiện các dự án khu dân cư, cụm công nghiệp trên địa bàn.
Cụ thể, tỉnh Long An được phép chuyển đổi 14,8 ha đất trồng lúa tại huyện Cần Giuộc thành khu dân cư, tái định cư Long Hậu 3. Dự án này có tổng quy mô 19,1 ha, trong đó đất ở chiếm khoảng 45%.
Bên cạnh đó, 43 ha đất trồng lúa tại huyện Đức Hòa sẽ được chuyển mục đích để thực hiện dự án cụm công nghiệp Tân Phú. Cụm công nghiệp này có tổng diện tích 50 ha. Đây là một trong 18 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động và sẽ được thành lập mới tại huyện Đức Hòa, Long An đến 2030.
Như vậy, tổng khoảng 57,8 ha đất trồng lúa sẽ được chuyển đổi mục đích sử dụng để thực hiện hai dự án trên.
Thanh Hóa sắp có thêm hai khu công nghiệp
Mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa đã duyệt đồ án quy hoạch phân khu xây dựng 1/2000 khu công nghiệp Tượng Lĩnh, huyện Nông Cống, với quy mô 350 ha. Dự án có một mặt giáp đường tỉnh 525, một mặt giáp đường từ sân bay Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn.
Tỉnh đặt mục tiêu phát triển khu công nghiệp này là nơi ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ cao, lắp ráp linh kiện điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin. Quy mô lao động của dự án khoảng 15.300 người.
Ngoài ra, Thanh Hóa cũng xin ý kiến các bộ, ngành đồ án quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 khu công nghiệp Giang Quang Thịnh, huyện Thiệu Hóa, với quy mô 350 ha. Dự án được định hướng trở thành khu công nghiệp đa ngành, ứng dụng công nghệ cao, ưu tiên các ngành công nghiệp điện tử. Quy mô lao động của khu công nghiệp này là 30.000 người.
Tỉnh Thanh Hóa cho biết việc hình thành khu công nghiệp này để kết nối với khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp khác, từ đó thu hút, phục vụ nhu cầu của các nhà đầu tư.
Huyện Chương Mỹ sắp đấu giá 34 thửa đất, giá khởi điểm từ 5,4 triệu đồng/m2
Công ty Đấu giá Hợp danh Bảo Phong vừa ra thông báo đấu giá 34 thửa đất tại dự án khu tái định cư sân golf hồ Văn Sơn, xã Hoàng Văn Thụ, huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội. Các thửa đất có diện tích 167,2 - 706,2 m2, mức giá khởi điểm dao động khoảng 5,49 - 7,94 triệu đồng/m2.
Cuộc đấu giá được tổ chức theo hình thức bỏ phiếu kín trực tiếp. Hạn chót tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá là 17 giờ ngày 15/5. Đơn vị nhận hồ sơ là Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Chương Mỹ và Công ty Đấu giá Hợp danh Bảo Phong.
Cuộc đấu giá sẽ được tổ chức vào 9 giờ ngày 18/5 tại hội trường UBND huyện Chương Mỹ.