Ngân hàng TNHH Indovina - chi nhánh Thiên Long (IVB Thiên Long) vừa có văn bản số 468/2024/CV-IVB gửi UBND TP.HCM và Công ty cổ phần Văn Phú Bắc Ái (nhà đầu tư) về sự chậm trễ thanh toán cho khoản vay đầu tư Dự án 2,7 km đường Vành đai 2 TP.HCM (đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa - TP.Thủ Đức).
Công trường Dự án 2,7 km đường Vành đai 2 bỏ hoang nhiều năm nay do dự án đình trệ. Ảnh: Lê Quân |
Phía ngân hàng cho biết, IVB Thiên Long và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - chi nhánh Thủ Thiêm là các ngân hàng cho vay chi phí giải phóng mặt bằng và thi công xây dựng 2,7 km đường Vành đai 2.
Qua các báo cáo của doanh nghiệp dự án, giá trị vốn đầu tư thực hiện được xác nhận của các cơ quan có thẩm quyền tới ngày 31/8/2019 khoảng 1.400 tỷ đồng, trong đó chi phí lãi vay 143 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính đến ngày 31/5/2024, chi phí lãi đã tăng lên 690 tỷ đồng.
Theo hợp đồng BT đã ký, doanh nghiệp có quyền được TP.HCM thanh toán từng phần bằng việc giao đất. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan, đến nay UBND TP.HCM chưa thực hiện việc thanh toán.
Các ngân hàng cho biết đã xem xét và thực hiện gia hạn, cơ cấu thời hạn trả nợ 4 lần đối với các khoản vay và lịch trả nợ đến hạn sau lần cơ cấu gần nhất đến ngày 25/11/2024.
Theo báo cáo của doanh nghiệp dự án, việc thực hiện thanh toán từ UBND Thành phố diễn ra chậm hơn nhiều so với dự kiến. Do vậy việc thanh toán cho nhà đầu tư khả năng sẽ không kịp để tạo nguồn trả nợ cho các ngân hàng, trước mắt là kỳ trả nợ tháng 11/2024. Việc chậm trễ thanh toán hệ quả khoản vay của doanh nghiệp sẽ chuyển nợ xấu.
Khi khoản vay bị chuyển thành nợ xấu có thể làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các ngân hàng tài trợ vốn và ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và liên danh các nhà đầu tư. Các doanh nghiệp có thể dẫn tới ngừng hoạt động, phá sản. Trường hợp doanh nghiệp dự án phát sinh nợ xấu phải kê biên, xử lý tài sản sẽ dẫn tới khởi kiện giữa các bên liên quan.
Do vậy, Ngân hàng TNHH Indovina - chi nhánh Thiên Long đề nghị TP.HCM sớm thanh toán quỹ đất đã được quy định tại hợp đồng BT, tránh trường hợp khoản vay của doanh nghiệp chuyển thành nhóm nợ xấu.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn ngày 5/6, ông Trần Đức Thắng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú Bắc Ái cho biết, sau khi Dự án được UBND TP.HCM ra quyết định điều chỉnh thời gian thực hiện đến năm 2026 thì dự kiến tháng 6 này khởi công lại, nhưng tiến độ thực tế hiện nay không biết đến khi nào.
“Nếu TP.HCM cứ tiếp tục chậm chễ thanh toán cho nhà đầu tư thì nguy cơ nợ xấu như ngân hàng nêu ra là hoàn toàn hiện hữu” ông Thắng cho biết.
Đến nay, nhà đầu tư đã chi hơn 1.474 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay) để ứng cho công tác giải phóng mặt bằng, thi công một phần Dự án. Với số tiền 1.474 tỷ đồng, giá trị lãi vay ước tính mà UBND TP.HCM phải chịu đến thời điểm cuối năm 2023 là 813 tỷ đồng, trung bình mỗi tháng là 14,9 tỷ đồng.