Y tế - Sức khỏe
Dự án Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2 hiện thế nào?
D.Ngân - 18/06/2024 10:29
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng, Bộ đang rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức ở tỉnh Hà Nam.

Cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức có quy mô 1.000 giường/bệnh viện với tổng mức đầu tư của mỗi cơ sở lên tới hơn 4.500 tỷ đồng. Đây là các cơ sở được xây dựng với mục đích giảm tải nhu cầu khám, chữa bệnh cho cơ sở 1 ở Hà Nội vốn đang quá tải.

Cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức có quy mô 1.000 giường/bệnh viện với tổng mức đầu tư của mỗi cơ sở lên tới hơn 4.500 tỷ đồng. 

Ngày 21/10/2018, khu khám bệnh của cả hai cơ sở này được khánh thành. Nhưng, gần 6 năm, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cơ sở 2 chỉ dừng lại ở việc cắt băng khánh thành, chưa từng tiếp nhận bệnh nhân.

Theo Bộ Y tế, nguyên nhân chậm tiến độ là chưa lường hết được phát sinh trong quá trình triển khai, nhất là việc thực hiện các quy định trong đầu tư xây dựng cơ bản, thực hiện các hợp đồng xây dựng. Vì vậy, các vướng mắc đã phát sinh trong thanh, quyết toán, giải ngân vốn...

Bộ Y tế đang phối hợp Bộ Xây dựng đề xuất những cơ chế để giải quyết vấn đề vướng mắc, như điều chỉnh thời hạn hợp đồng, những vấn đề chưa phù hợp trong quá trình thực hiện để bảo đảm cơ sở pháp lý.

Đối với 2 dự án Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bộ y tế đã phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến hết ngày 31/12/2024 và chỉ đạo chủ đầu tư làm việc với các nhà thầu để tiếp tục thi công hoàn thành công trình.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định thành lập Tổ công tác rà soát khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức cơ sở 2.

Theo quyết định này, tổ công tác có nhiệm vụ tham mưu giúp Thủ tướng, cùng rà soát trình tự, thủ tục pháp lý đầu tư xây dựng, tổng mức đầu tư, thiết kế xây dựng; lựa chọn nhà thầu và hợp đồng xây dựng.

Đồng thời, nhiệm vụ của tổ công tác còn là xác định khó khăn, vướng mắc, đề xuất giải pháp tháo gỡ, bảo đảm tiếp tục thực hiện đầu tư dự án cơ sở 2 của các bệnh viện.

Bộ trưởng Y tế là Tổ trưởng Tổ công tác rà soát khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức cơ sở 2 do Chính phủ thành lập hồi tháng 2/2023. Thành viên của tổ gồm Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Tài chính, Xây dựng...

Trước đó, nói về khó khăn của Dự án này, theo Tổ công tác của Thủ tướng, hai dự án đang gặp vướng mắc chủ yếu về việc lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng. Trong đó, việc tổ chức đấu thầu, điều khoản thanh toán trong hợp đồng không phù hợp quy định, dẫn đến thanh toán vượt giá trúng thầu.

Hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh nhưng không có thiết kế chi tiết, không có khối lượng, đơn giá cụ thể, nếu thanh toán theo hợp đồng sẽ có khả năng vượt giá trúng thầu. Điều này không đúng quy định tại Luật Đấu thầu là giá hợp đồng không được vượt giá trúng thầu.

Bệnh viện Bạch Mai 2 giá trúng thầu 1.990 tỷ đồng nhưng giá thanh toán ước tính 2.430 tỷ đồng (tăng 440 tỷ đồng). Bệnh viện Việt Đức 2 giá trúng thầu 2.000 tỷ đồng, nhưng giá thanh toán dự kiến tăng hơn 400 tỷ đồng. Hai dự án còn phát sinh thêm gần 300 tỷ đồng.

Khi dự thầu hai dự án, nhà thầu giảm giá hơn 200 tỷ đồng nhưng khi thanh toán không thực hiện việc này. Vì vậy, nếu giải quyết theo phương án 2 nêu trên, tổ công tác đề xuất nhà thầu phải giảm giá.

Giữa tháng 4, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận đã gửi văn bản xin ý kiến thành viên tổ công tác góp ý dự thảo báo cáo rà soát hai dự án, sau đó hoàn chỉnh để trình Thủ tướng xem xét.

Tháng 9/2022, sau khi kiểm tra thực địa hai dự án Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế xác định rõ vướng mắc, nhất là sai sót trong các khâu.

Theo lãnh đạo Chính phủ, việc đầu tư hai bệnh viện hiện đã chậm tiến độ nhiều năm, đội vốn. Nguyên nhân xuất phát từ những yếu kém và sai sót từ khi lập dự án, tư vấn, thẩm định, quyết định đầu tư, chọn nhà thầu, ký hợp đồng, đấu giá và tổ chức thực hiện.

Dự án càng kéo dài càng gây lãng phí và khó giải quyết. Do đó, Thủ tướng yêu cầu dứt khoát tháo gỡ khó khăn, tiếp tục triển khai và hoàn thành dự án để đưa vào hoạt động.

Tháng 2, tổ công tác do Bộ trưởng Y tế làm tổ trưởng được lập, với sự tham gia của lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài chính, Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, UBND tỉnh Hà Nam.

Tổ có trách nhiệm rà soát, đánh giá toàn bộ quá trình thực hiện, thủ tục pháp lý, tổng mức đầu tư, thời gian thực hiện, từ đó đề xuất giải pháp, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Tin liên quan
Tin khác