Nguy cơ “mắc cạn”
Hàng loạt quan ngại, cảnh báo đã được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đưa ra trong Kết luận thanh tra số 10684/KL - GTVT về Dự án BOT Cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn từ cầu đường sắt Bình Lợi tới cảng Bến Súc (Dự án BOT Bình Lợi) do Cục Đường thủy nội địa Việt Nam là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Tại Quyết định số 5080/QĐ - BGTVT, Bộ GTVT giao chức năng đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại Dự án vào thời điểm trước ngày 5/9/2017 là Ban Quản lý dự án đường thủy nội địa; sau ngày 5/9/2017 là Ban QLDA 7. Nhà đầu tư được lựa chọn là liên danh Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị xanh (GUD) và Công ty cổ phần Đầu tư & Xây dựng STD Việt Nam (Liên danh GUD- STD); Doanh nghiệp dự án là Công ty TNHH Đầu tư BOT Bình Lợi.
Công trình hạ tầng đường thủy nội địa đầu tiên được thực hiện theo hình thức BOT này có tổng mức đầu tư của 1.302 tỷ đồng, chi phí xây dựng 838 tỷ đồng, trong đó, phần quan trọng nhất là thi công mới cầu sắt Bình Lợi để nâng tĩnh không thông thuyền của cầu hiện nay từ 1,5 m lên 7 m và cải tạo, bảo trì luồng sông Sài Gòn có độ dài khoảng 71 km. Sau khi công trình hoàn thành sẽ cho phép sà lan tải trọng trên 300 tấn lưu thông từ Bình Dương về các cảng ở TP.HCM, giảm áp lực cho giao thông đường bộ. Nhà đầu tư sẽ tiến hành thu phí các phương tiện trên 300 tấn lưu thông trên sông Sài Gòn từ cảng Bến Súc về để hoàn vốn cho dự án trong vòng 20 năm 9 tháng.
Theo kế hoạch ban đầu, Dự án sẽ phải hoàn thành vào cuối năm 2016, nhưng trên thực tế, cho đến thời điểm đoàn Thanh tra vào cuộc (tháng 7/2018), Công ty TNHH Đầu tư BOT Bình Lợi chưa thể đưa công trình vào vận hành.
Thanh tra Bộ GTVT đánh giá nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án, các đơn vị liên quan chưa thực sự nỗ lực trong thực hiện Dự án để đáp ứng tiến độ. Trong quá trình triển khai, Dự án gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng và phải xử lý một số nội dung phát sinh, điều chỉnh thiết kế trong quá trình thi công… làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công.
Bộ GTVT đã chấp thuận điều chỉnh tiến độ tổng thể thực hiện dự án theo tiến độ thi công các gói thầu đến 30/11/2018. Đến thời điểm thanh tra, Dự án mới triển khai thi công gói thầu số 3 (đạt 82%), gói thầu số 4 (đạt 10,7%), gói thầu số 9 (đạt 7,4%), gói thầu số 6 (đạt 56%), các gói thầu 2, 5, 7, 8, 10 chưa triển khai thi công.
Bên cạnh lý do khách quan (công tác giải phóng mặt bằng chậm), Thanh tra Bộ GTVT cho rằng, Dự án liên tục bị vỡ tiến độ còn do các đơn vị tham gia thực hiện Dự án chưa thạo việc; một số nhà thầu sau khi ký hợp đồng đã không thực hiện theo nội dung hợp đồng (gói thầu 3, 4); việc thiết kế, phê duyệt bản vẽ thi công, dự toán chậm và còn nhiều sai sót; công tác lựa chọn các nhà thầu tham gia chậm; năng lực chỉ đạo, điều hành, phối hợp giữa các bên của doanh nghiệp dự án còn hạn chế.
Điều đáng nói là, dù Dự án đã bị chậm tiến độ 17 tháng so với Hợp đồng BOT, nhưng doanh nghiệp dự án, tư vấn quản lý dự án, tư vấn giám sát và các nhà thầu thi công chưa phân tích, đánh giá các nguyên nhân để có giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công dự án, điều chỉnh tiến độ, điều chỉnh giá trị xây lắp, điều chỉnh các chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn…
Theo đánh giá của Ban Quản lý dự án 7, mốc tiến độ ngày 30/11/2018 vừa được Bộ GTVT “nới” chắc chắn sẽ bị vỡ, nếu công tác giải phóng mặt bằng, quản lý thi công không có những đột phá mới.
Rủi ro pháp lý lớn
Ngoài bị chậm tiến độ, Thanh tra Bộ GTVT còn chỉ ra một loạt sai sót tại Dự án BOT Bình Lợi.
Cụ thể, phương án tài chính trong Hợp đồng BOT Dự án đã không xây dựng phương án thu phí; tính chi phí quản lý thu phí hàng năm 4,8% giá trị thu phí hàng năm là chưa phù hợp.
Thanh tra Bộ GTVT đánh giá phương án tài chính tại Dự án đã tính khối lượng vận tải không chính xác so với thực tế theo thống kê của đơn vị đảm bảo giao thông thủy. Thậm chí, có số liệu về khối lượng vận tải theo thực tế lớn hơn khối lượng vận tải tính toán trong phương án tài chính đã làm ảnh hưởng đến việc xác định thời gian thu phí hoàn vốn của Hợp đồng.
Do việc lập tổng mức đầu tư và xác định lưu lượng vận tải chưa chính xác, do đó, nếu tính giá trị Dự án giảm 229,679 tỷ đồng, khối lượng vận tải tính lại theo thực tế thống kê của đơn vị đảm bảo giao thông thủy, thì thời gian thu phí của Dự án còn là 10 năm 1 tháng so với thời gian thu phí theo hợp đồng BOT là 20 năm 9 tháng.
Một rủi ro lớn cho nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án là, hiện Dự án chưa có đủ cơ sở pháp lý để thực hiện thu phí dịch vụ khi hoàn thành.
Cụ thể, Thông tư số 80/2015/TT - BTC ngày 25/5/2015 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu nộp và quản lý sử dụng phí luồng, lạch đối với luồng sông Sài Gòn (từ cầu đường sắt Bình Lợi tới cảng Bến Súc), nhưng Thông tư này đã hết hiệu lực từ ngày 1/1/2017, vì vậy Dự án chưa được các bên xác định cơ sở pháp lý để thu và cơ chế chuyển đổi giữa thu phí và thu giá.
“Cục Đường thủy nội địa Việt Nam phải chịu trách nhiệm chính về những tồn tại trong lập, thẩm định, phê duyệt Dự án; những tồn tại về Hợp đồng BOT, lựa chọn nhà đầu tư”, Kết luận thanh tra nêu rõ.
Loại bỏ giá trị dự án so với Hợp đồng BOT đã ký kết là 229,679 tỷ đồng
Xác định lại khối lượng vận tải phù hợp với thực tế thống kê của đơn vị đảm bảo giao thông thủy; lưu ý có tính đến khối lượng tàu container và tàu khác đi qua luồng cầu Bình Lợi khi cầu hoàn thành, nâng cao độ thông thủy
Xây dựng phương án thu phí sao cho phù hợp (tính chi phí quản lý thu phí hàng năm 4,8% giá trị thu phí hàng năm là chưa phù hợp; các dự án khác tính giá trị chi phí cụ thể năm đầu tiên, các năm sau tính theo năm đầu nhân tỷ lệ trượt giá hàng năm).