- PV GAS tiếp đại diện Tổ hợp nhà đầu tư Nhà máy điện Sơn Mỹ 1
- AES (Mỹ) muốn bắt tay PV Gas đầu tư Nhà máy nhiệt điện khí Sơn Mỹ 2
- Chọn vị trí cho dự án Nhà máy Nhiệt điện khí 340 MW tại Quảng Trị
- Ký kết Hợp đồng Gói thầu hơn 30.236 tỷ đồng Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1
- Điện gió ngoài khơi: Nhiều tỷ đô xếp hàng chờ
Hơn 10 năm nghiên cứu
Bộ Công thương vừa gửi hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Nhà máy Điện Sơn Mỹ 1 đầu tư theo hình thức xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT) tới các bên liên quan để lấy ý kiến theo quy trình.
Dự án này được phát triển bởi Tổ hợp các nhà đầu tư gồm EDF (Pháp), Kyushu và Sojitz (Nhật Bản) cùng Tập đoàn Thái Bình Dương - Pacific (Việt Nam), đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tại Văn bản số 1470/TTg-CN năm 2018.
Quay trở lại quá khứ, Dự án Sơn Mỹ 1 từng được đưa vào Quy hoạch điện VI, với nhiên liệu sử dụng ban đầu là than và tiến độ vận hành từ năm 2012 đến năm 2015.
Tháng 2/2010, Chính phủ đã giao Tổ hợp các nhà đầu tư gồm International Power PLC (Anh), Sojitz và Pacific.
Trong Quy hoạch điện VII ban hành năm 2011, Dự án Sơn Mỹ 1 được định hướng đầu tư theo hình thức BOT với tiến độ vận hành vào năm 2018 - 2019.
Tuy nhiên, năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã thông qua chủ trương phát triển chuỗi dự án khí - điện sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) tại Sơn Mỹ và giao Bộ Công thương phê duyệt Đề án tổng thể phát triển chuỗi dự án khí - điện sử dụng LNG tại Sơn Mỹ, Bình Thuận.
Tháng 5/2013, khi phê duyệt đề án này, Tổ hợp nhà đầu tư Dự án Sơn Mỹ 1 đã có sự thay đổi nhà đầu tư với việc EDF thay thế International Power PLC.
Tháng 8/2018, Chính phủ đã đồng ý chấp thuận tổ hợp đầu tư mới của Dự án Sơn Mỹ 1 với 4 nhà đầu tư là EDF, Kyushu, Sojitz và Pacific. Tiếp đó, vào tháng 11/2018, Bộ Công thương và Tổ hợp nhà đầu tư đã ký Biên bản ghi nhớ phát triển Dự án Sơn Mỹ 1.
Trong quá trình lập Báo cáo nghiên cứu khả thi của Dự án Sơn Mỹ 1, Tổ hợp nhà đầu tư đã điều chỉnh nhiều hạng mục, diện tích chiếm đất, làm thay đổi quy hoạch địa điểm đã được phê duyệt trước đó. Đồng thời, để phù hợp với Dự án Nhà máy Nhiệt điện Sơn Mỹ II được giao Tập đoàn AES (Mỹ) làm chủ đầu tư theo hình thức BOT thay cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Bộ Công thương cũng đã giao Tổ hợp nhà đầu tư của Dự án Sơn Mỹ I điều chỉnh mặt bằng Trung tâm Điện lực Sơn Mỹ.
Tới tháng 12/2020, Bộ Công thương đã có quyết định phê duyệt hiệu chỉnh tổng mặt bằng Trung tâm Điện lực Sơn Mỹ.
Bộ Công thương cho hay, tới thời điểm này, Dự án Sơn Mỹ I đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận hình thức đầu tư PPP với loại hình hợp đồng đầu tư BOT và chủ đầu tư là Tổ hợp nhà đầu tư EDF - Kyushu - Sojitz - Pacific.
Tuy nhiên, từ ngày 1/1/2021, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư số 64/2020/QH14 có hiệu lực, trong đó yêu cầu hồ sơ trình phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi phải có quyết định chủ trương đầu tư của dự án. Với thực tế Dự án Sơn Mỹ I đã trải qua một giai đoạn chuẩn bị rất dài, nhiều quy định của pháp luật thay đổi, nên để phù hợp với các quy định hiện hành, Bộ Công thương đã yêu cầu Tổ hợp nhà đầu tư lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để trình Bộ Công thương phê duyệt chủ trương đầu tư.
Chờ chốt các điều kiện
Dự án Sơn Mỹ 1 có quy mô 3 tổ máy dùng khí LNG với công suất 750 MW/tổ máy. Dự kiến, tổng mức đầu tư của dự án này là 47.464 tỷ đồng hoặc 48.457 tỷ đồng, tùy vào việc Dự án có đầu tư sân phân phối 500/220 kV hay do EVN đầu tư.
Tương ứng với điều kiện này, giá điện sẽ là 9,76 UScent/kWh hoặc 9,8 UScent/kWh, chưa gồm VAT.
Ở dự án này, các nhà đầu tư tính giá khí đến hàng rào nhà máy năm 2026 là 11,33 USD/triệu BTU và mức trượt giá là 1,69%/năm, cùng số giờ vận hành là 6.000 h.
Theo kỳ vọng, Dự án sẽ được thực hiện trong thời gian khoảng 6 năm và 6 tháng (78 tháng) và hoàn thành vào tháng 1/2028.
Theo Bộ Công thương, nhà đầu tư được hưởng các ưu đãi và các đảm bảo đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP).
Ngoài ra, nhà đầu tư cũng đề xuất một số ưu đãi và đảm bảo đầu tư khác từ phía Chính phủ Việt Nam trong quá trình triển khai Dự án.
Đơn cử, bảo lãnh nghĩa vụ của bên đại diện có thẩm quyền trong hợp đồng BOT và nghĩa vụ của các doanh nghiệp nhà nước Việt Nam thực hiện đầu tư xây dựng có liên quan (nếu có); bảo đảm nhận được toàn bộ tiền lợi nhuận (sau khi trừ đi số chi tiêu bằng tiền đồng Việt Nam) bằng ngoại tệ mạnh và tự do chuyển ra khỏi Việt Nam; bảo đảm bao tiêu toàn bội sản lượng điện sản xuất được (điều kiện “mua hoặc trả” - take or pay); giữ nguyên các điều khoản của hợp đồng đã ký (không làm giảm chỉ số kinh tế của dự án) trong suốt thời hạn hiệu lực của hợp đồng trong trường hợp pháp luật Việt Nam có thay đổi, miễn thuế đánh trên tiền lãi vay…
Nguồn tin của Báo Đầu tư cũng cho hay, cho tới thời điểm này, hợp đồng mua bán điện và hợp đồng BOT chưa được các nhà đầu tư đàm phán với các bên Việt Nam liên quan.
“Các hợp đồng chưa đàm phán vì chưa phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi”, nguồn tin nói và cho biết, quy trình sẽ là phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, sau đó tới Báo cáo nghiên cứu khả thi, rồi mới đến các hợp đồng liên quan.
Tuy nhiên, với quy trình này, mong muốn của nhà đầu tư và quá khứ triển khai các dự án BOT điện, thì câu chuyện hoàn tất Dự án vào tháng 1/2028 đòi hỏi nhiều nỗ lực từ không chỉ nhà đầu tư, mà cả các bên Việt Nam có liên quan.