Đầu tư
Dự án BOT xây dựng cầu Châu Đốc - An Giang “mắc cạn”
Anh Minh - 26/07/2019 10:32
Dự án BOT xây dựng công trình cầu Châu Đốc, thay thế phà Châu Giang nối thị xã Tân Châu và TP. Châu Đốc (tỉnh An Giang) có thể sẽ bị dừng triển khai do không có khả năng hoàn vốn.
Nghe bài viết này tại đây :
Your browser doesn’t support HTML5 audio
Phà Châu Giang vẫn là phương tiện chính để nối thị xã Tân Châu và TP. Châu Đốc (An Giang).

Nguy cơ vỡ dự án

Sau 4 năm triển khai đầu tư, công trình cầu Châu Đốc theo hình thức BOT đang đứng trước khúc quanh mới, có nguy cơ đổ vỡ khi cuối tuần trước, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) trong vai trò cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã chính thức “tung cờ trắng”, buông dự án này.

Trong Công văn số 6623/BGTVT - ĐTCT ngày 16/7/2019, Bộ GTVT đã đề nghị UBND tỉnh An Giang xem xét việc tiếp nhận Dự án BOT xây dựng công trình cầu Châu Đốc và thực hiện nhiệm vụ là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, qua đó có thể xây dựng phương án thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ phù hợp và tháo gỡ khó khăn về doanh thu cho Dự án.

Theo ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ GTVT, nếu UBND tỉnh An Giang đồng ý với phương án này, Bộ GTVT sẽ ủng hộ và báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

“Trong trường hợp UBND tỉnh An Giang không tiếp nhận Dự án, Bộ GTVT sẽ báo cáo Thủ tướng xin dừng đầu tư Dự án theo hình thức hợp đồng BOT”, ông Nguyễn Nhật cho biết.

Theo Bộ GTVT, Dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Châu Đốc theo hình thức hợp đồng BOT được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2015 để thay thế phà Châu Giang trên tuyến N1.

Việc triển khai Dự án từ khâu chuẩn bị đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư theo quy định pháp luật về hình thức đối tác công - tư (PPP), loại hợp đồng BOT đã cơ bản hoàn thành lựa chọn nhà đầu tư và Bộ GTVT tiến hành đàm phán hợp đồng BOT.

Cụ thể, nhà đầu tư được chọn là liên danh Công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng 168 - Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt - Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển hạ tầng 620. Theo phương án đầu tư ban đầu, liên danh nhà đầu tư sẽ bỏ vốn chủ sở hữu và huy động vốn tín dụng khoảng 820 tỷ đồng, tương đương 100% tổng mức đầu tư Dự án. Đổi lại, nhà đầu tư được thu phí hoàn vốn trong khoảng 21 năm (trạm thu phí được đặt tại Km1+660, lý trình Dự án, thuộc địa phận thị xã Tân Châu) với mức phí khởi điểm cho nhóm phương tiện chịu phí thấp nhất là 52.000 đồng/xe/lượt; 6 năm đầu tiên điều chỉnh phí là 3%/năm, các năm tiếp theo là 2%/năm.

Được biết, hiện nay, tất cả các phương tiện qua phà Châu Giang không chỉ phải chịu mức phí cao (xe dưới 12 chỗ là 23.000 đồng/lượt; xe container 40 feet là 120.000 đồng/lượt), mà thời gian qua phà trung bình phải mất gần 1 giờ (thời gian chờ, lên xuống phà). Đó là chưa kể đến việc trong điều kiện biến động về thời tiết, toàn bộ hoạt động của phà đều phải dừng lưu thông để đảm bảo an toàn.

Chính vì vậy, phà Châu Giang trên tuyến N1 đang là trở ngại lớn đối với phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh - quốc phòng do tuyến N1 là tuyến hành lang biên giới. Cầu Châu Đốc thay thế phà là rất cấp thiết, đáp ứng nhu cầu vận tải, từng bước hoàn chỉnh dự án tuyến N1 phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của khu vực, đặc biệt là TP. Châu Đốc và thị xã Tân Châu.

Trông chờ ngân sách hỗ trợ

Do tính chất cấp bách của công trình, ngay từ năm 2015, khi phê duyệt đề xuất đầu tư Dự án, Bộ GTVT đã đặt mục tiêu hoàn thành việc xây dựng cầu Châu Đốc vào cuối năm 2018.

Tuy nhiên, trong khoảng thời gian này, một số quy định pháp luật mới ban hành đã có sự thay đổi khiến tổng mức đầu tư và phương án tài chính thay đổi như: Nghị định số 149/2016/NĐ-CP ngày 11/11/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 177/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá; Thông tư số 35/2016/TT-BGTVT ngày 15/11/2016 của Bộ GTVT quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh do Bộ GTVT quản lý; Thông tư số 88/2018/TT-BTC ngày 28/9/2018 của Bộ Tài chính quy định một số nội dung về quản lý tài chính đối với dự án đầu tư theo hình thức PPP và chi phí lựa chọn nhà đầu tư.

Trong quá trình đàm phán, Bộ GTVT đã đề nghị nhà đầu tư rà soát tổng mức đầu tư, phương án tài chính để các bên cùng nghiên cứu.

Theo báo cáo của nhà đầu tư, mặc dù tổng mức đầu tư sau khi rà soát có điều chỉnh giảm so với tổng mức đầu tư ban đầu, từ 900 tỷ đồng xuống 820 tỷ đồng do cập nhật đơn giá, nhiên liệu, dự phòng… Tuy nhiên, do có biến động về mức giá dịch vụ sử dụng đường bộ, lưu lượng xe thực tế tại phà Tân Châu, Hồng Ngự giảm hơn so với lưu lượng dự báo ban đầu, nên Dự án vẫn không đảm bảo hoàn vốn, không đủ cơ sở để vay ngân hàng thương mại.

Để đảm bảo tính khả thi tài chính, nhà đầu tư đề nghị ngân sách nhà nước hỗ trợ cho Dự án khoảng 190 tỷ đồng (trong đó có 80 tỷ đồng đã được UBND tỉnh An Giang đồng ý hỗ trợ cho công tác giải phóng mặt bằng, cần bổ sung 110 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước cho công tác xây dựng).

Bộ GTVT cho rằng, việc nhà đầu tư đề nghị ngân sách nhà nước hỗ trợ 110 tỷ đồng cho Dự án là không khả thi vào giai đoạn này, do Dự án không nằm trong tiêu chí phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020. Hiện nay, kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020 đã được Quốc hội phân bổ hết. Trong khi đó, theo ý kiến của Sở GTVT tỉnh An Giang (tại buổi họp đàm phán với nhà đầu tư ngày 26/6/2019) ngân sách địa phương cũng hết sức hạn hẹp.

Qua buổi đàm phán với nhà đầu tư, Sở GTVT tỉnh An Giang có đề xuất thêm phương án tổ chức thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ cho các phương tiện gắn máy 2 bánh qua cầu để có nguồn thu bổ sung cho Dự án (ước tính theo doanh thu hiện nay khoảng 19 tỷ đồng/năm).

Tuy nhiên, theo quy định tại Thông tư số 35/2016/TT-BGTVT ngày 15/11/2016 của Bộ GTVT, việc thu phí sử dụng đường bộ của xe gắn máy hai bánh không nằm trong nhóm các đối tượng phải thanh toán phí dịch vụ sử dụng đường bộ của dự án đầu tư theo hình thức PPP do Bộ GTVT quản lý.

“Trường hợp UBND tỉnh An Giang là cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện thì phương án thu phí dịch vụ này thuộc thẩm quyền quyết định của UBND tỉnh An Giang”, Bộ GTVT nêu quan điểm.

Được biết, vào tháng 10/2018, UBND tỉnh An Giang đã từng khẳng định với Bộ GTVT là không chọn phương án giao lại cho địa phương làm chủ quản dự án, do Dự án cầu Châu Đốc là dự án thành phần của tuyến đường Quốc lộ N1 (đang do Bộ GTVT đầu tư) và tỉnh không có kinh nghiệm trong việc quản lý các dự án BOT quy mô lớn.

“An Giang vẫn đang nhờ trợ cấp của Trung ương trên 50% chi ngân sách, nên không có khả năng hỗ trợ vốn thêm cho Dự án”, lãnh đạo tỉnh An Giang cho biết.

Dự án BOT cầu Châu Đốc

Địa điểm xây dựng: TP. Châu Đốc và thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang

Phạm vi dự án: Điểm đầu nối vào Quốc lộ 91 khoảng Km 113+071 tại khu vực phường Vĩnh Mỹ, TP. Châu Đốc (điểm đầu tuyến N1 đoạn Châu Đốc - Tịnh Biên); điểm cuối tại khu vực giao với đường tỉnh 953, thị xã Tân Châu. Chiều dài: 3,26 km, trong đó chiều dài cầu là 667 m.

Quy mô đầu tư: Tổng chiều dài tuyến chính là 3,26 km, trong đó chiều dài cầu là 667 m; mặt cắt ngang cầu rộng 12 m, đảm bảo cho 2 làn xe cơ giới (2x3,5m); 2 làn xe thô sơ và lan can cầu.

Tin liên quan
Tin khác