Đề xuất tách thành 2 dự án để đảm bảo tiến độ
Dự án Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái Đây là đoạn cuối cùng của toàn tuyến cao tốc kết nối các tỉnh, thành phố hạt nhân trong vùng tam giác kinh tế trọng điểm Bắc bộ, gồm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Tổng chiều dài tuyến đường 80,23 km, quy mô đường cao tốc 4 làn xe, vận tốc tối đa 100 km/h, đi qua các huyện Vân Đồn, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà và TP. Móng Cái.
Ban đầu, Dự án được thực hiện theo hình thức đối tác công - tư (PPP), hợp đồng BOT, tổng vốn đầu tư trên 11.195 tỷ đồng. Chính thức khởi công đầu tháng 4/2019, đến tháng 7/2019, công tác giải phóng mặt bằng trên toàn tuyến đã cơ bản hoàn thành và bàn giao cho nhà đầu tư triển khai.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2020, Covid-19 gây ra nhiều tác động, ảnh hưởng tới khả năng tài chính của chủ đầu tư Dự án Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái cũng như khả năng hoàn thành toàn bộ Dự án theo đúng tiến độ ban đầu. Trong khi đó, Quảng Ninh xác định, đây là công trình trọng điểm góp phần thúc đẩy tăng cường kết nối giao thương, tạo tiền đề để khu vực miền Đông của tỉnh có điều kiện bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội.
Nhằm đảm bảo tiến độ của công trình đặc biệt ý nghĩa này, đầu tháng 5/2020, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ xin điều chỉnh Dự án BOT Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái theo hướng tách thành 2 dự án độc lập.
Cụ thể, điều chỉnh giảm quy mô Dự án BOT Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái dài 80,23 km thành Dự án Đường cao tốc Tiên Yên - Móng Cái với chiều dài 63,26 km, tổng mức đầu tư 9.032 tỷ đồng. Liên danh Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Hạ tầng Long Vân - Công ty cổ phần Mặt trời Vân Đồn - Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng giao thông Công Thành vẫn là chủ đầu tư (pháp nhân mới được thành lập để thực hiện dự án điều chỉnh là Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Hạ tầng Vân Đồn).
Đối với đoạn tuyến còn lại, UBND tỉnh Quảng Ninh sẽ lập thành Dự án Xây dựng đường cao tốc Vân Đồn - Tiên Yên, dài 16,08 km, tổng mức đầu tư 3.667 tỷ đồng, được thực hiện bằng hình thức đầu tư công.
Hoàn thành đồng bộ công trình vào cuối năm 2021
Theo Thông báo số 197/TB- VPCP về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh hôm 24/5, Thủ tướng đã đồng ý về nguyên tắc tách Dự án Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái theo hình thức BOT thành 2 dự án như đề xuất của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ninh.
Tại Kỳ họp thứ 18 diễn ra đầu tháng 7/2020, HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 265, thông qua chủ trương đầu tư công đối với Dự án Xây dựng đường cao tốc Vân Đồn - Tiên Yên. Dự án có quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 120 km/h, tổng mức đầu tư 3.667 tỷ đồng bằng vốn ngân sách tỉnh, dự kiến hoàn thành trong năm 2021.
Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái có quy mô 4 làn xe, và vận tốc thiết kế được điều chỉnh tăng lên 120km/h. Ảnh: Đỗ Phương |
Đối với 63,26 km cao tốc đoạn Tiên Yên - Móng Cái, tiếp tục triển khai đầu tư theo hình thức PPP và hợp đồng BOT, nâng vận tốc thiết kế từ 100 km/giờ lên 120 km/giờ.
Đại diện chủ đầu tư Dự án cho biết, đến nay, nhà thầu đã chia thành 14 gói thầu (7 gói thầu đường, 7 gói thầu cầu), thi công dọn dẹp mặt bằng, bóc hữu cơ đạt 42,54 km (67%); đắp nền đường K95 đạt 6,09 km (9,5%); thi công đường công vụ (cầu Dân Tiến thuộc gói XL-B6; cầu Vân Tiên thuộc gói thầu XL-B2); thi công 2/14 cọc khoan nhồi, mố M2 cầu Vân Tiên; 32/32 cọc của mố M1+M2 và trụ T1 thuộc cầu vượt quốc lộ.
Đối với đoạn Vân Đồn - Tiên Yên, chủ đầu tư (Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông) đã lựa chọn và ký hợp đồng với nhà thầu tư vấn; thẩm định phê duyệt, hoàn chỉnh hồ sơ trong tháng 10/2020 và tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công xây lắp Dự án, hoàn thành đồng bộ công trình vào cuối năm 2021.
Chiến dịch “500 ngày đêm” hoàn thành Dự án Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái
Để thúc đẩy tiến độ của toàn tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, ngày 6/8 vừa qua, tỉnh Quảng Ninh đã chính thức phát động chiến dịch “500 ngày đêm” hoàn thành Dự án Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.
Dự án Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái được hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ hoàn thiện hệ thống cao tốc động lực ở phía Bắc Việt Nam, góp phần đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ công nghiệp hiện đại, có vai trò trụ cột trong tam giác phát triển kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh