Cần vật liệu đất đắp để thi công ngay trong tháng 3
Theo thông tin của Báo Đầu tư, cuối tuần trước, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đã có Công văn số 2588/BGTVT-QLXD gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tiếp tục kiến nghị xử lý vướng mắc phục vụ thi công Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết (gọi tắt là Dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết).
Cụ thể, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép các nhà thầu tiếp tục được khai thác ngay vật liệu đất đắp trong phạm vi trữ lượng các mỏ đã được cấp phép để thi công các gói thầu đến khi hoàn thành Dự án; giao UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện, đảm bảo không gián đoạn việc khai thác vật liệu đất đắp tại các mỏ đã được cấp.
“Bộ GTVT cam kết sẽ chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu đảm bảo việc khai thác đất đắp tại các mỏ chỉ được dùng để thi công cho các gói thầu của Dự án”, Công văn số 2588 nêu rõ.
Đây là điều khá bất ngờ, bởi trước đó, tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 2/2023 (Nghị quyết số 31/NQ-CP, ngày 7/3/2023), Chính phủ đã có chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cấp phép khai thác các mỏ đất đắp phục vụ Dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết.
Đối với 6 mỏ đất đắp đã được cấp cho các nhà thầu thực hiện Dự án hiện đã hết hạn giấy phép, không đủ điều kiện gia hạn, Chính phủ đồng ý cho phép UBND tỉnh Bình Thuận xem xét, cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản đất đắp cho nhà thầu đã khai thác trước đó để tiếp tục cung cấp vật liệu cho Dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết trên cơ sở trữ lượng khoáng sản còn lại và hồ sơ, tài liệu hiện có (không phải lập lại dự án đầu tư, không lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường).
Nghị quyết cũng yêu cầu nhà thầu điều chỉnh tiến độ đầu tư khai thác khoáng sản cho phù hợp với thời gian cấp lại giấy phép.
Trong Công văn số 2588, Bộ GTVT cho biết, trên cơ sở Nghị quyết số 31/NQ-CP, Bộ đã chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu khẩn trương làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận; đồng thời, Bộ trưởng Bộ GTVT đã trực tiếp làm việc với UBND tỉnh Bình Thuận và các sở, ban, ngành của tỉnh này để triển khai các thủ tục nhằm tiếp tục khai thác các mỏ đất đã cấp cho Dự án.
Tuy nhiên, qua các buổi làm việc, UBND tỉnh Bình Thuận cho rằng, thủ tục cấp lại giấy phép như cấp mới và phải thực hiện đủ 11 bước, thành phần hồ sơ phải có quyết định phê duyệt trữ lượng khoáng sản, trong khi hiện nay, trữ lượng khoáng sản còn lại chưa được phê duyệt.
Theo Bộ GTVT, nếu thực hiện đúng quy định nêu trên, thời gian nhanh nhất cho đến khi được cấp phép khoảng 5 - 6 tháng và không thể đáp ứng tiến độ hoàn thành Dự án đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết là công trình quan trọng quốc gia, đã được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phải hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng vào ngày 30/4/2023 và được áp dụng các cơ chế đặc thù. Để đảm bảo mục tiêu này, cần phải có vật liệu đất đắp để các nhà thầu thi công ngay trong tháng 3/2023.
Đứt gãy cung vật liệu
Việc xử lý nguồn cung vật liệu đất đắp cho Dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết đã “nóng” ngay từ cuối tháng 12/2022, sau khi 6 mỏ vật liệu được UBND tỉnh Bình Thuận cấp phép hết thời hạn khai thác (từ ngày 10/12/2022).
Theo tính toán, tổng nhu cầu đất đắp còn lại của Dự án khoảng 920.000 m3. Do chưa được gia hạn, nên từ ngày 10/12/2022 đến nay, các nhà thầu không có vật liệu đất để thi công; máy móc, thiết bị, nhân lực đã huy động phải chờ đợi, gây lãng phí lớn.
Tuy nhiên, cũng cần phải nói thêm rằng, việc bị đứt gãy nguồn cung đất đắp cho Dự án có trách nhiệm rất lớn của các đơn vị thi công.
Dài 100,8 km, quy mô 4 làn xe.
Tổng mức đầu tư 10.853,9 tỷ đồng, từ nguồn đầu tư công.
Khởi công tháng 9/2020, kế hoạch thông xe kỹ thuật tháng 12/2022, sau đó lùi đến 30/4/2023.
Chủ đầu tư: Ban quản lý dự án 7.
Cụ thể, Dự án được áp dụng cơ chế đặc thù theo Nghị quyết số 60/NQ-CP, ngày 16/6/2021 và Nghị quyết số 133/NQ-CP, ngày 19/10/2021 của Chính phủ về cấp phép các mỏ vật liệu xây dựng thông thường cho nhà thầu để khai thác cung cấp cho Dự án Đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017 - 2020.
Tại các nghị quyết này, Chính phủ cho phép nhà thầu được khai thác cho đến khi “đủ khối lượng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án”.
Triển khai các nghị quyết của Chính phủ, UBND tỉnh Bình Thuận đã thực hiện cấp phép khai thác 6 mỏ đất cho các nhà thầu thi công với thời hạn khai thác đến ngày 10/12/2022, theo tiến độ ban đầu của các hợp đồng xây lắp đã ký.
Nhưng vì các nguyên nhân khách quan như Covid-19, điều kiện thời tiết bất lợi, dẫn đến phải gia hạn thời gian thực hiện các gói thầu đến ngày 30/4/2023 và cần phải gia hạn thời gian khai thác các mỏ đất.
Do các nhà thầu thi công không phải đơn vị chuyên nghiệp thực hiện khai thác khoáng sản, chưa am hiểu chi tiết về trình tự, thủ tục gia hạn và chưa lường trước các yếu tố khách quan, bất thường về thời tiết, nên hồ sơ đề nghị gia hạn giấy phép nộp chậm so với thời gian quy định tại Nghị định số 158/2016/NĐ-CP, ngày 29/11/2016 của Chính phủ.
Điều này dẫn đến, UBND tỉnh Bình Thuận không thể gia hạn, mà phải chuyển sang xem xét việc cấp lại giấy phép cho các tổ chức/cá nhân theo thẩm quyền với rất nhiều thủ tục, quy trình.
Theo Ban Quản lý dự án 7, các đơn vị thi công đang huy động tổng lực nhân lực, thiết bị, tài chính, quyết tâm hoàn thành đúng tiến độ cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, bởi đây là công trình có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc phát triển kinh tế các địa phương mà tuyến đi qua, giảm tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông, phát huy ngay hiệu quả Dự án.
“Chúng tôi mong các cơ quan chức năng sớm cho phép tái khai thác các mỏ vật liệu đất đắp ngay trong tháng 3/2023 để kịp hoàn thành toàn bộ Dự án vào cuối tháng 4/2023 như chỉ đạo của cấp có thẩm quyền”, một lãnh đạo Ban Quản lý dự án 7 kiến nghị.