Dự án Nút giao thông khác mức đường Hùng Vương - Quốc lộ 1 từng là dự án được ưu tiên của tỉnh Phú Yên |
Kỳ vọng từ dự án 752 tỷ đồng
Dự án cầu vượt tại xã An Phú, TP. Tuy Hòa được khởi công xây dựng vào ngày 2/3/2020, với tổng vốn đầu tư hơn 752 tỷ đồng. Công trình do Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Phú Yên làm chủ đầu tư kiêm tư vấn giám sát; đơn vị tư vấn thiết kế là Công ty cổ phần Thiết kế giao thông vận tải phía Nam (TEDISOUTH); đơn vị thi công là liên doanh các nhà thầu gồm Công ty Đèo Cả - 72 - 508 - TEDISOUTH - Nhất Huy.
Dự án cầu vượt gồm hạng mục xây dựng cầu vượt chính từ đường Hùng Vương vượt qua đường sắt và Quốc lộ 1A với khổ cầu rộng 20 m có 4 làn xe cơ giới; xây dựng 4 nhánh cầu dẫn gồm 2 nhánh cầu dẫn lên và 2 nhánh cầu dẫn xuống. Dự án được đầu tư xây dựng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho bước chuẩn bị đấu nối từ cao tốc Bắc - Nam đến các khu công nghiệp, khu đô thị trên địa bàn TP. Tuy Hòa và khu du lịch ven biển trên địa bàn tỉnh; đồng thời góp phần giải quyết ùn tắc giao thông tại khu vực này.
Để đảm bảo Dự án về đích theo đúng tiến độ và thực hiện kỳ vọng trên, ngay từ lễ khởi công, UBND tỉnh Phú Yên đã yêu cầu UBND TP. Tuy Hòa tích cực giải phóng mặt bằng, đảm bảo an ninh trật tự công trình; đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai Dự án.
Ngoài ra, UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng, các nhà thầu thi công phối hợp chặt chẽ trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện; đảm bảo tiến độ, chất lượng trong quá trình triển khai đến khi Dự án hoàn thành.
Hai năm chỉ được 2 trụ, 1 mố cầu
Khởi công Dự án cầu vượt chưa đầy một tháng, UBND tỉnh Phú Yên phải gửi công văn kiến nghị Thủ tướng, Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính xem xét, hỗ trợ tỉnh này 372,70 tỷ đồng từ các nguồn vốn của Trung ương trong giai đoạn 2021 - 2025 để đầu tư xây dựng hoàn thành Dự án. Lý do là UBND tỉnh Phú Yên mới cân đối được một nửa chi phí đầu tư, tức 380 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Phú Yên, đến ngày 10/8/2022, tỉnh Phú Yên đã xác định được nguồn vốn trung hạn, nên Dự án sẽ tiếp tục thực hiện. “Trung ương đã phản hồi không phân bổ vốn cho dự án này, vì đang dành vốn cho các dự án cao tốc đang triển khai”, vị này nói.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư, thực tế Dự án chỉ mới triển khai được một mố cầu và 2 trụ cầu dẫn. Đại diện Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Phú Yên cho biết, Dự án đang vướng công tác giải phóng mặt bằng. Cơ quan này đang làm việc với TP. Tuy Hòa về công tác này. Tuy nhiên, giá đất theo thị trường hiện quá cao, so với giá Nhà nước đền bù thì chênh lệch quá lớn, nên nhiều người dân chưa có sự đồng thuận.
Ngoài vướng mặt bằng, vị đại diện trên cho biết thêm, trong 2 năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nguồn thu ngân sách của tỉnh eo hẹp, nên Dự án phải tạm dừng. Từ quý II/2022 trở đi, khi tình hình thu ngân sách khả quan hơn, địa phương sẽ tái khởi động Dự án. “Nhà thầu thi công vẫn muốn làm nhanh, vì càng để lâu, thiết bị càng hư hao, rỉ sét. Hiện nhà thầu vẫn đang thi công các hạng mục như khoan cọc”, đại diện Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Phú Yên nói.
Theo vị này, dựa trên dự toán vốn của tỉnh cấp theo từng năm, chủ đầu tư sẽ thông báo để nhà thầu thi công thực hiện theo tiến độ. Hiện nay, mức giải ngân cho dự án này còn thấp, chỉ khoảng 20 tỷ đồng. Nguồn vốn này chủ yếu phục vụ công tác giải phóng mặt bằng.
Một nhà thầu tham gia thi công Dự án cho biết, mỗi nhà thầu đã góp vốn khoảng 30 tỷ đồng để thực hiện Dự án. “Dự án kéo dài, vấn đề trượt giá không ai xử lý. Hiện công trình phải dừng lại, không làm nổi”, nhà thầu này lắc đầu và cho rằng, chủ đầu tư, nhà thầu thi công, các đơn vị liên quan của Phú Yên cần ngồi lại đối thoại để tìm cách tháo gỡ, giải quyết.
Bảng thông tin tại Dự án cho thấy, Dự án có thời gian hoàn thành ngày 6/5/2022. Song với những vướng mắc, trở ngại như đã đề cập ở trên, mốc thời gian hoàn thành công trình là khó xác định.