Theo đó, Dự thảo quy định, dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ có thể được chuyển đổi đầu tư theo hình thức PPP nếu thuộc các lĩnh vực đầu tư quy định tại khoản 1, Điều 4, Nghị định số 15/2015/NĐ-CP; có khả năng thu phí để hoàn vốn đầu tư; thu xếp được nguồn quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư; hoặc có thể chuyển nhượng cho nhà đầu tư trong và ngoài nước thực hiện; đáp ứng các điều kiện khác theo quy định tại khoản 1, Điều 15, Nghị định số 15/2015/NĐ-CP.
Những dự án đáp ứng được yêu cầu, theo quy định tại Dự thảo, có thể được chuyển đổi thực hiện theo hình thức hợp đồng BOT hoặc hợp đồng tương tự theo Nghị định số 15/2015/NĐ-CP đối với các dự án có khả năng giao cho nhà đầu tư tiếp tục xây dựng và kinh doanh công trình để thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận. Bên cạnh đó, có thể chuyển đổi thực hiện theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) trong trường hợp các bộ, ngành, địa phương có khả năng thu xếp được quỹ đất giao cho nhà đầu tư thực hiện dự án khác để thu hồi vốn đầu tư, lợi nhuận.
Theo quy định tại Dự thảo Thông tư, trường hợp dự án chuyển đổi thực hiện theo hình thức hợp đồng BOT, thì bộ, ngành, địa phương xem xét lựa chọn hoặc là rút toàn bộ vốn nhà nước đã đầu tư vào công trình; hoặc sử dụng toàn bộ hay một phần vốn của Nhà nước đã tham gia dự án. Với trường hợp chuyển đổi thực hiện theo hình thức hợp đồng BT, phương án thực hiện cũng tương tự.
Như vậy, cùng với các quy định pháp luật về việc lựa chọn đầu tư các dự án mới theo hình thức PPP, thì việc cho phép chuyển đổi các dự án đầu tư công sang hình thức PPP sẽ góp phần rất lớn trong việc thúc đẩy mô hình này ở Việt Nam, cũng như giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước trong đầu tư phát triển.
Tại Nghị định 15/2015/NĐ-CP, Thủ tướng Chính phủ đã có điều khoản quy định về nội dung này, song hướng dẫn thực hiện là do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn thảo.
Một bước tiến mới của Việt Nam được đông đảo các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, đó là giữa tháng 2/2015, Chính phủ đã chính thức ban hành một nghị định mới quy định về PPP, thay thế các quy định về PPP thí điểm theo Quyết định 71/2010/QĐ-TTg, cũng như các quy định về BOT trong Nghị định 108/2009/NĐ-CP. Tuy nhiên, cho tới nay, văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định 15/2015/NĐ-CP vẫn chưa được ban hành. Và đó là điều đã được các nhà đầu tư nước ngoài hối thúc.
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ vừa qua, ông Tony Foster, Trưởng nhóm Công tác cơ sở hạ tầng của VBF đã khẳng định, khi nghị định về BOT đã bãi bỏ, thì điều quan trọng là nghị định về PPP phải được nhanh chóng thực hiện.
Ông Tony Foster cũng nhắc đến việc, kể từ sau khi Quyết định 71/2010/QĐ-TTg được ban hành, không có hoạt động đầu tư nước ngoài nào được thực hiện theo các quy định này. “Tính cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào việc thực hiện tốt nghị định về PPP, vì vậy cần phải nhanh chóng thúc đẩy. Vì nguồn lực của chính phủ các nước luôn bị giới hạn, nên phương thức nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế là đưa tư nhân tham gia nhiều hơn vào các công trình kết cấu hạ tầng”, ông Tony Foster nói.
Cũng liên quan đến việc triển khai các dự án PPP, cuối tháng 6/2015, Ban Chỉ đạo nhà nước về đầu tư theo hình thức PPP đã nhóm họp và Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo sớm hoàn thiện khung pháp lý về PPP, trong đó bao gồm việc xây dựng thông tư hướng dẫn Nghị định 15/2015/NĐ-CP, cũng như thông tư liên tịch hướng dẫn việc quản lý và sử dụng nguồn vốn vay ADB, AFD nhằm hỗ trợ chuẩn bị dự án đầu tư theo hình thức PPP.
Bên cạnh đó, một phần việc quan trọng là thực hiện và xác định các dự án PPP tiên phong. Theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, các bộ, ngành, địa phương kiên định thực hiện các dự án PPP thuộc phạm vi quản lý của mình, không thụ động dựa vào ngân sách hay vốn trái phiếu chính phủ để đầu tư cho kết cấu hạ tầng.