Đầu tư
Dự án điện chật vật tìm vốn
Thế Hải - 14/08/2018 14:29
Việc kêu gọi đầu tư từ các Tập đoàn kinh tế trong nước vào các dự án điện rất khó khăn, trong khi các nhà đầu tư nước ngoài cũng ngại ngần bỏ vốn bởi giá năng lượng thấp.
Thứ trưởng Bộ Công Thương, Hoàng Quốc Vượng cho rằng, nguy cơ thiếu điện sau năm 2020 rất hiện hữu, nhất là khi một số dự án đầu tư bị chậm tiến độ

Cận kề thiếu điện

Diễn đàn năng lượng Việt Nam với chủ đề “Những thách thức trong đảm bảo an ninh năng lượng gắn với phát triển bền vững” diễn ra tuần qua tại Hà Nội đã chỉ ra nguy cơ thiếu điện đã rất gần với Việt Nam.

Báo cáo tại Diễn đàn, ông Lê Văn Lực, Phó cục trưởng Cục điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, năm 2017, tổng điện sản xuất và mua đạt 192,45 tỷ USD, tăng 8,6% so với năm 2016, điện thương phẩm đạt 174,05 tỷ kWh, tăng 8,92% so với năm 2016.

Trong giai đoạn 2011-2015, tổng công suất đặt nguồn điện toàn quốc tăng bình quân 12,8%/năm, cao hơn mức tăng trưởng phụ tải cực đại cùng giai đoạn là 9,6%/năm, trong đó công suất đặt nguồn điện năm 2015 đạt 39.350 MW, đứng thứ 2 trong các nước Asean.

Thách thức trong đảm bảo an ninh năng lượng mà Việt Nam có thể sẽ đối mặt trong thời gian tới liên quan đến hạn chế về nguồn cung năng lượng sơ cấp trong nước dẫn đến phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu.

Ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương thừa nhận, nguy cơ thiếu điện sau năm 2020 với Việt Nam là hiện hữu. Nguy cơ này có thể càng cao nếu tăng trưởng phụ tải điện cao hơn dự báo, các nguồn cấp khí (Khí Lô B, Cá Voi Xanh...) chậm tiến độ, lượng về các hồ thuỷ điện kém hơn trung bình nhiều năm...

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) dự báo, nhu cầu sử dụng điện đến năm 2030 sẽ tăng trưởng cao so với các nước, từ 7-11%/ năm. Đây là thách thức trong giai đoạn tới để đảm bảo nguồn cung.

Báo cáo của EVN cho thấy, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống đến cuối năm 2018 gần 47.800 MW, tăng 5,4 lần so với năm 2003. 

Tốc độ tăng trưởng điện giai đoạn 2016 - 2020 là 10,3-11,3% một năm và sau 2020 khoảng 8% một năm. EVN dự báo nhu cầu sử dụng điện sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức cao, năm 2020 ngành điện phải đảm bảo sản xuất 278 tỷ kWh và gấp đôi vào năm 2030.

“Việc đảm bảo cung cấp điện đến năm 2030 sẽ có nhiều tiềm ẩn, rủi ro bởi các nguồn điện đưa vào vận hành trong 5 năm tới rất thấp so với Quy hoạch VII điều chỉnh. Nhiều dự án nguồn điện lớn, đặc biệt nguồn điện trong miền Nam đang bị chậm so với tiến độ. Nguồn nhiên liệu tiềm ẩm nhiều rủi ro, khí thiên nhiên suy giảm, khí thay thế đưa vào khó”, ông Ngô Sơn Hải, Phó tổng giám đốc EVN cho biết.

Không dễ kêu gọi đầu tư

Nguy cơ thiếu điện đã rất gần, nhưng việc kêu gọi đầu tư vào các dự án năng lượng không hề dễ dàng.

“Trong giai đoạn hiện nay, việc kêu gọi đầu tư từ các Tập đoàn kinh tế trong nước rất khó, mặt khác, giá năng lượng thấp, không thu hút được đầu tư từ bên ngoài”, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nói.

Hiện trạng nguồn năng lượng sơ cấp hoặc đã được khai thác hết hoặc cạn kiệt. Tiềm năng thủy điện chỉ còn vài nghìn MW nhỏ hoặc siêu nhỏ. Năng lực sản xuất của ngành than còn rất ít. Ngành khí chỉ còn hai mỏ khí lớn là Lô B và Cá voi xanh, chỉ đủ cho nhà máy Ô môn hoạt động. Các nhà máy khác ở Phú Mỹ… hiện phải nhập khẩu khí hóa lỏng để hoạt động. 

Nhu cầu điện tiêu dùng trong nước không ngừng tăng, nhưng đại diện EVN khẳng định, Tập đoàn sẽ cố gắng cung ứng đủ điện. Bắt đầu từ năm 2019, sẽ phải huy động nhiều hơn nguồn nhiệt điện chạy dầu giá cao, tương ứng 4,4 tỷ kWh và năm 2020 là 5,2 tỷ kWh.

Trường hợp các tổ máy phát điện không đáp ứng độ tin cậy vận hành hoặc không đảm bảo đủ nhiên liệu (than, khí) cho phát điện, có thể đối mặt nguy cơ thiếu vào năm 2020. Chưa kể tại khu vực miền Nam, mỗi dự án nhiệt điện than 1.200 MW bị chậm tiến độ sẽ làm mức độ thiếu điện tại đây tăng thêm 7,2-7,5 tỷ kWh một năm.

Để đủ điện cho nhu cầu sử dụng trong nước, ngoài kiểm soát cầu phụ tải như sử dụng điện an toàn, tiết kiệm hiệu quả, cũng cần đảm bảo nguồn cung điện thông qua đẩy nhanh thực hiện, hoàn thành các dự án nguồn khu vực phía Nam như Nhiệt điện Long Phú 1, Sông Hậu 1... sau 3 năm nữa. 

Mặt khác, cần tính toán tăng nhập khẩu điện từ Trung Quốc theo phương án cách ly lưới điện và đẩy nhanh nhập khẩu điện từ Lào. Song song đó phát triển các dự án điện mặt trời, ưu tiên các dự án gần trung tâm phụ tải, thuận tiện đấu nối.

Cảnh báo nguy cơ thiếu điện sau 3-5 năm tới, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho rằng cần có các giải pháp căn cơ để giải quyết vấn đề, trong đó chú trọng đến việc phải có sự phát triển phù hợp trong ngành năng lượng giữa than, dầu, khí.

Trong giai đoạn tới nhiều khả năng sẽ thiếu điện nên cần có cơ chế đặc thù triển khai những dự án, đẩy nhanh tiến độ các dự án mới. Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo trong bối cảnh Việt Nam tạm dừng các dự án điện hạt nhân, các dự án nhiệt điện than ngày càng khó thực hiện do sức ép đến từ các địa phương. Đẩy mạnh chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Tin liên quan
Tin khác