Đó là hai trong số những thông tin về đầu tư đáng chú ý trong tuần qua.
Trà Vinh sẽ có 5 dự án điện gió hòa lưới điện quốc gia trong tháng 10/2021
Năm 2015, tỉnh Trà Vinh được Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Trà Vinh giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2030 tại Quyết định số 13309/QĐ-BCT ngày 04/12/2015, tổng công suất điện gió của Trà Vinh đạt khoảng 1.608 MW và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung điều chỉnh Quy hoạch điện VII tại Công văn số 795/TTg-CN ngày 25/6/2020.
Thi công dự án điện gió Trà Vinh |
Tính đến nay, tỉnh Trà Vinh đã cấp Quyết định chủ trương đầu tư cho 08 dự án với tổng công suất là 570 MW, tổng vốn đầu tư khoảng 27.336 tỷ đồng, gồm: (1) Nhà máy điện gió Trà Vinh 1 (vị trí V1-1) công suất 48 MW; (2) Nhà máy điện gió V1-2 (vị trí V1-2) công suất 48 MW; (3) Nhà máy điện gió số 3 ( vị trí V1-3) công suất 48 MW; (4) Nhà máy điện gió Duyên Hải (vị trí V1-4) công suất 48 MW; (5) Nhà máy điện gió Hiệp Thạnh ( vị trí V1-5, V1-6) công suất 78 MW; (6) Nhà máy điện gió Đông Hải 1 (vị trí V1-7) công suất 100 MW; (7) Nhà máy điện gió Đông Thành 1 (vị trí V1-7) công suất 80 MW; (8) Nhà máy điện gió Đông Thành 2 (vị trí V3-4) công suất 120 MW).
Theo cam kết về tiến độ của các Dự án, đến tháng 10/2021 có 05 Dự án nhà máy điện gió hòa lưới điện quốc gia, cụ thể: Nhà máy điện gió Trà Vinh 1 (vị trí V1-1) của Công ty cổ phần điện gió Trà Vinh 1; Nhà máy điện gió V1-2 (vị trí V1-2) của Công ty cổ phần Điện gió Trường Thành Trà Vinh; Nhà máy điện gió số 3 ( vị trí V1-3) của Công ty cổ phần Cơ điện Lạnh; Nhà máy điện gió Hiệp Thạnh (vị trí V1-5, V1-6) của Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo Ecotech Trà Vinh; Nhà máy điện gió Đông Hải 1 (vị trí V1-7) của Công ty cổ phần Điện gió Trung Nam Trà Vinh, với sản lượng điện hòa lưới điện quốc gia trong tháng 10/2021 khoảng 220 triệu kWh, ước doanh thu khoảng 500 tỷ đồng, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế và tăng thu ngân sách tỉnh.
Ghi nhận tại công trường các dự án điện gió đang thi công hết sức khẩn trương, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Điện gió Trường Thành Trà Vinh cho biết, công nhân đang gấp rút thi công 03 ca trên bờ và ngoài biển các hạng mục để đưa vào thử nghiệm cuối tháng 7/2021 với 06/12 móng cọc monopile (tua bin gió), đưa nhà máy vào vận hành thương mại trong tháng 10/2021 và phấn đấu là Dự án điện gió đầu tiên tại tỉnh Trà Vinh lắp đặt xong tua bin gió đầu tiên trên biển (12/12 tua bin gió).
Thông hầm xuyên núi lớn nhất Quảng Ninh
Sau 4 tháng tập trung thi công, trưa ngày 11/7, đốt hầm cuối cùng nhánh phải của đường hầm xuyên núi thuộc dự án đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả đã chính thức được thông.
Trưa ngày 11/7/2021, đại diện chủ đầu tư Dự án và nhà thầu đã bấm nút nổ mìn, phá đá đốt hầm cuối cùng nhánh phải của đường hầm xuyên núi. Đây là đường hầm xuyên núi lớn nhất Quảng Ninh đến thời điểm này và cũng là một trong những đường hầm xuyên núi có nền đường lớn nhất Việt Nam.
Sau 4 tháng thi công, nhánh phải - nhánh đầu tiên của đường hầm xuyên núi Hạ Long - Cẩm Phả đã được thông hầm. Ảnh: Đỗ Phương. |
Đường hầm xuyên núi nằm trên tuyến đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả có thiết kế dài 235m, với 2 ống hầm, mỗi ống 3 làn xe do Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả chịu trách nhiệm thi công. “Việc đầu tư đường hầm xuyên núi thay cho giải pháp xẻ núi làm đường sẽ làm giảm thiểu tác động môi trường, giữ gìn cảnh quan bên bờ Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long, giữ vững môi trường của hệ thống núi đá vôi khu vực, hạn chế nguy cơ sạt lở đất đá mái ta luy 2 bên tuyến”, đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông tỉnh Quảng Ninh chia sẻ.
Hạng mục hầm được triển khai từ tháng 3/2021, tuy nhiên trong quá trình tổ chức thi công, nhà thầu gặp tương đối nhiều khó khăn. Cụ thể, đường hầm đi xuyên qua núi đá vôi, có nhiều hang caster, đá không liền khối... Ngay tại khu vực các cửa hầm, kết cấu đá rời rạc, nhiều đoạn nằm ở sườn núi nên từng phủ (độ dài từ nóc hầm lên tới đỉnh núi) chỉ khoảng 40m, khiến kết cấu yếu hơn rất nhiều so với đường hầm xuyên qua giữa núi. Vì thế, phương án thi công đã phải điều chỉnh để phù hợp với điều kiện thực tế, nhà thầu phải thực hiện gia cố cửa hầm rồi mới khoan tiếp được, dẫn đến tốn nhiều thời gian.
Để đảm bảo tiến độ công trình, nhà thầu đã bổ sung, nâng cấp thiết bị, tổ chức thi công đồng bộ cả 2 phía hầm, trong cả 3 ca liên tục, áp dụng phương án thi công đảm bảo yêu cầu hệ thống kết cấu chống đỡ như phun bê tông, neo đá và khung chống thép dạng dầm hình. Riêng hạng mục hầm trần được thi công theo phương pháp đào trần hố móng, đổ bê tông vỏ hầm, liên kết với hầm chính bằng mối nối không thấm nước và có khả năng biến dạng được.
Như vậy, sau 4 tháng thi công, nhánh phải - nhánh đầu tiên của đường hầm xuyên núi Hạ Long - Cẩm Phả đã thông hầm kỹ thuật. Dự kiến nhánh trái sẽ tiếp tục được thông vào cuối tháng 7/2021. Đến tháng 8/2021, nhà thầu sẽ tiến hành hoàn thành tường, vòm ngược và hoàn thành bê tông vỏ hầm vào tháng 5/2022, chính thức nghiệm thu và đưa vào sử dụng trong tháng 8/2022, đồng bộ cùng tuyến đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả.
Và theo kế hoạch, đến ngày 31/12/2021, toàn bộ dự án đường bao biển Hạ Long – Cẩm Phả sẽ được hoàn thành và chính thức được đưa vào khai thác, trở thành trục đường bao biển đẹp, hiện đại nối 2 thành phố trung tâm của tỉnh Quảng Ninh là Hạ Long và Cẩm Phả. Hiện dự án đã triển khai đạt hơn 80% khối lượng công việc.
Đề xuất đầu tư nhà máy nhiệt điện Vũng Áng III
UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, liên danh Siemens Energy, Korea Electric Power Corporation (KEPCO) và Công ty CP tư vấn xây dựng điện 2 vừa đề xuất đầu tư Dự án nhà máy điện Vũng Áng III với tổng mức đầu tư 4,59 tỷ USD.
Theo đó, dự án sẽ nằm tại Khu kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh với quy mô sử dụng đất khoảng 66,2ha; công suất 3,2GW, tiềm năng mở rộng thêm 1,6GW. Dự kiến công suất cảng nhập khí LNG là 2,2 triệu tấn/năm, tiến độ hoàn thành vào năm 2026-2027.
Cũng theo UBND tỉnh Hà Tĩnh, trước đó, vào tháng 4/2021, các đơn vị này đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Hà Tĩnh và có văn bản trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cho dự án.
Được biết, UBND tỉnh Hà Tĩnh mới đây cũng đã có văn bản gửi Bộ Công Thương đề xuất việc chuyển đổi quy hoạch Trung tâm điện lực Vũng Áng III từ nhiên liệu than sang sử dụng nhiên liệu khí thiên nhiên hóa lỏng LNG và nâng công suất từ 2.400MW lên 4.500MW.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo việc giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư năm 2020
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có văn bản số 4380/BKHĐT-GSTĐĐT báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc tổng hợp việc giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư năm 2020.
Theo báo cáo, tính đến thời điểm Bộ Kế hoạch và Đầu tư chốt danh sách để tổng hợp số liệu (ngày 31/3/2021), trên Hệ thống thông tin của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhận được Báo cáo giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư năm 2020 của 113/125 cơ quan, đạt 90%, gồm: 61/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; 35/42 cơ quan bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và tương đương; 16/19 Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty 91.
Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, việc cập nhật số liệu vào Hệ thống thông tin, góp phần từng bước nâng cao chất lượng giám sát, đánh giá đầu tư, giảm bớt khối lượng báo cáo giấy, hướng đến mục tiêu các thông tin của các chương trình, Dự án sử dụng vốn nhà nước sẽ được đăng tải trên mạng internet theo quy định để các tổ chức, cá nhân và xã hội tra cứu và cùng giám sát, đánh giá.
Về tình hình quản lý quy hoạch, trong quá trình thực hiện các hoạt động đầu tư, công tác quy hoạch phải đi trước một bước, là định hướng, căn cứ để triển khai các chương trình, dự án đầu tư. Các cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ đã tích cực xây dựng các quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, lĩnh vực làm căn cứ xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch đầu tư công hàng năm; là cơ sở kêu gọi và thu hút đầu tư từ các tổ chức kinh tế và người dân. Tuy nhiên, việc lập quy hoạch cho giai đoạn 2021-2030 của đơn vị còn chậm; một số quy hoạch còn hiệu lực có chất lượng chưa cao.
Về các dự án quan trọng quốc gia, đối với các dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị hồ sơ các dự án của các cơ quan còn chậm, chất lượng không bảo đảm, còn nhiều hạn chế nên trong quá trình thẩm định phải hoàn thiện bổ sung, ảnh hưởng đến tiến độ chuẩn bị đầu tư các dự án…
Đối với việc thực hiện các chương trình đầu tư công, dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước, mặc dù các cơ quan đã có nhiều cố gắng trong triển khai nhưng việc tổng hợp số liệu báo cáo của các cơ quan, tình hình thực hiện vốn đầu tư trong năm 2020 chưa đạt kế hoạch, nhiều dự án vẫn còn chậm tiến độ, tỷ lệ các dự án phải điều chỉnh vẫn còn cao.
Trong thời gian tới, điều kiện nguồn vốn đầu tư vẫn còn nhiều khó khăn, trong khi nhu cầu đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng lớn, đề nghị các cơ quan xem xét kỹ lưỡng quá trình lựa chọn các chương trình, dự án thực hiện đầu tư, khởi công mới, ưu tiên các dự án phục vụ an sinh xã hội, phù hợp khả năng cân đối của nguồn ngân sách, tránh đầu tư dàn trải, hiệu quả thấp.
Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu, các cơ quan cần tích cực theo dõi, kiểm tra, trên cơ sở đó chấn chỉnh, giải quyết kịp thời các phát sinh trong quá trình đầu tư, bảo đảm các dự án đã có trong kế hoạch được thực hiện đúng trình tự thủ tục đầu tư, tiến độ đầu tư, chất lượng công trình, thời hạn đưa công trình vào khai thác sử dụng…
Về tình hình quản lý các dự án đầu tư theo hình thức PPP, trong thời gian qua, mặc dù, bước đầu đã đạt được nhiều kết quả, thu hút thêm các nguồn lực từ các nhà đầu tư tư nhân tham gia hoàn thiện cơ sở hạ tầng xã hội. Tuy nhiên, do các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh còn chưa đảm bảo tính thống nhất, một số quy định còn chưa theo kịp thực tế. Do đó, việc đầu tư theo hình thức PPP vẫn còn nhiều bất cập, đòi hỏi cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện trong thời gian tới…
Qua tổng hợp tình hình và kết quả công tác giám sát, đánh giá đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo các bộ, ngành trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nghiêm túc chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện đúng, đầy đủ các nhiệm vụ theo quy định pháp luật về giám sát, đánh giá đầu tư.
Bên cạnh đó, cập nhật đầy đủ, chính xác các báo cáo, số liệu trên Hệ thống thông tin. Đối với các đơn vị còn nợ đọng xây dựng cơ bản hoặc có bố trí vốn trả nợ đọng xây dựng cơ bản trong kỳ rà soát, làm rõ số nợ đọng xây dựng cơ bản của đơn vị mình
“Trường hợp nợ đọng phát sinh từ ngày 01/01/2015 trở đi là không phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công, đề nghị làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan làm phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản trái quy định”, lãnh đạo Bộ lưu ý.
Bên cạnh đó, các đơn vị cần kiện toàn bộ máy và quy trình thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư trong phạm vi quản lý của mình; tăng cường theo dõi, giám sát đầu tư để chủ động phát hiện các dự án phát sinh các vấn đề thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét và chỉ đạo báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm.
Bộ Giao thông muốn Phú Thọ cân nhắc việc đầu tư tuyến nối QL 32 với đường tỉnh 316
Việc đầu tư tuyến nối QL 32 đi đường tỉnh 316 sẽ khiến Dự án BOT đường HCM đoạn QL2 - Hương Nộn và nâng cấp, mở rộng QL32, đoạn Cổ Tiết - cầu Trung Hà thua lỗ lớn.
Trạm thu phí Tam Nông hoàn vốn cho Dự án BOT xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn từ QL2 đến Hương Nộn và nâng cấp, mở rộng QL32 đoạn từ Cổ Tiết đến cầu Trung Hà (nối Ba Vì - Hà Nội với tỉnh Phú Thọ). |
Bộ GTVT vừa có công văn gửi UBND tỉnh Phú Thọ liên quan đến việc bảo đảm hiệu quả tài chính Dự án BOT xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn từ QL2 đến Hương Nộn và nâng cấp, mở rộng QL32 đoạn từ Cổ Tiết đến Cầu Trung Hà, tỉnh Phú Thọ.
Theo đó, để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng dịch vụ, đảm bảo phương án tài chính theo hợp đồng đã ký kết, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Phú Thọ chỉ đạo các cơ quan chức năng của Tỉnh phối hợp với nhà đầu tư nghiên cứu giải pháp phù hợp nhằm hạn chế các phương tiện cố tình tránh trạm thu phí, gây sụt giảm doanh thu, nguy cơ mất an toàn giao thông, đặc biệt các phương tiện tải trọng lớn lưu thông trên đường tỉnh 316 (trùng với tuyến đê Sông Đà).
Bộ GTVT cho biết là theo Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050 được trình Thủ tướng Chính phủ vào cuối tháng 6/2021, tuyến đường bộ cao tốc đoạn Phú Thọ - Ba Vì - Chợ Bến (đi trùng đường Hồ Chí Minh) dự kiến triển khai đầu tư trước năm 2030. Bên cạnh đó, với quy mô Quốc lộ 32 như hiện tại vẫn đáp ứng được nhu cầu vận tải nội vùng.
Do vậy, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Phú Thọ chỉ đạo các cơ quan xem xét rà soát, đánh giá lại sự cần thiết đầu tư tuyến đường giao thông nối từ Quốc lộ 32 đi đường tỉnh 316 kết nối Khu công nghiệp Tam Nông với Khu công nghiệp Trung Hà để đảm bảo hiệu quả đầu tư; đồng thời đảm bảo phù hợp với quy hoạch tuyến đường bộ cao tốc đoạn Phú Thọ - Ba Vì - Chợ Bến thuộc quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050 đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tránh phá vỡ phương án tài chính, phá sản Dự án.
Trước đó, Bộ GTVT nhận được văn số 27/2021/CV-HTPT ngày 18/6/2021 của Liên danh Công ty Cổ phần đầu tư Hùng Thắng - Công ty Cổ phần Tasco về việc hỗ trợ, can thiệp tránh ảnh hưởng đến hiệu quả Dự án đầu tư xây dựng công trình đường Hồ Chí Minh đoạn từ Quốc lộ 2 đến Hương Nộn và nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 32 đoạn từ Cổ Tiết đến Cầu Trung Hà, tỉnh Phú Thọ theo hình thức hợp đồng BOT.
Bộ GTVT cho biết, Dự án đầu tư xây dựng công trình đường Hồ Chí Minh đoạn từ Quốc lộ 2 đến Hương Nộn và nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 32 đoạn từ Cổ Tiết đến Cầu Trung Hà, tỉnh Phú Thọ được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương triển khai theo hình thức BOT tại văn bản số 2071/VPCP-KTN ngày 22/10/2014.
Trên cơ sở đó, Bộ GTVT đã phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi tại Quyết định số 759/QĐ-BGTVT ngày 6/3/2015 và ký kết Hợp đồng dự án số 24/HĐ.BOT-BGTVT ngày 23/9/2015 với nhà đầu tư (Liên danh Công ty Cổ phần đầu tư Hùng Thắng - Công ty Cổ phần Tasco). Dự án đã hoàn thành, đưa vào khai thác từ tháng 1/2017, bắt đầu thu phí hoàn vốn từ tháng 3/2017.
Theo báo cáo của nhà đầu tư, sau khi đưa Dự án vào khai thác và thu phí hoàn vốn, từ năm 2018 sau khi UBND tỉnh Phú Thọ đưa dự án tuyến nối Quốc lộ 32 và đường Hồ Chí Minh với Quốc lộ 70B vào khai thác sử dụng, nhiều phương tiện đã cố tình tránh trạm thu phí của Dự án (lưu thông từ Quốc lộ 32 vào tuyến nối Quốc lộ 32 và đường Hồ Chí Minh với Quốc lộ 70B, sau đó qua đường đường tỉnh 316B, đường đường tỉnh 316 rồi qua cầu Trung Hà), với số lượng xe tránh trạm bình quân khoảng 150 xe loại 4/ngày và 400 xe loại 5/ngày, gây sụt giảm doanh thu khoảng 90 triệu đồng/ngày tương ứng với 32,85 tỷ đồng/năm.
Ngoài ra, hiện nay UBND tỉnh Phú Thọ đang chuẩn bị đầu tư Dự án đường giao thông nối từ Quốc lộ 32 đi đường tỉnh 316 kết nối Khu công nghiệp Tam Nông với Khu công nghiệp Trung Hà (Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ đã phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 13/NQ-HĐND ngày 09/12/2020), hướng tuyến song song và cách tuyến BOT Quốc lộ 32 khoảng 500m.
Trường hợp đầu tư tuyến đường giao thông nối từ Quốc lộ 32 đi đường tỉnh 316 kết nối Khu công nghiệp Tam Nông với Khu công nghiệp Trung Hà, lưu lượng các phương tiện lưu thông qua trạm thu phí BOT sẽ giảm mạnh do các phương tiện tránh trạm, gây phá vỡ phương án tài chính, phát sinh nợ xấu và ảnh hưởng đến chính sách điều hành tiền tệ của quốc gia.
Bộ Giao thông Vận tải bật đèn xanh cho Quảng Trị đầu tư cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo
Tuyến cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo có chiều dài khoảng 70km, quy mô 4 làn xe, tiến trình đầu tư dự kiến trong giai đoạn 2021 - 2030.
Bộ GTVT vừa có công văn gửi UBND tỉnh Quảng Trị liên quan đến việc triển khai đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo theo phương thức PPP.
Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo. |
Theo đó, Bộ GTVT cho rằng đề xuất của UBND tỉnh Quảng trị về việc nghiên cứu đầu tư, xây dựng hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo trong giai đoạn 2026 - 2030 là phù hợp với Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 3/3/2016 cũng như Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thuộc quy hoạch ngành kết cấu hạ tầng quốc gia được lập và đã được Hội đồng thẩm định quy hoạch thông qua, đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Liên quan đến chủ trương phân cấp, phân quyền cho địa phương là cơ quan có thẩm quyền thực hiện triển khai các Dự án đường bộ cao tốc theo hình thức PPP, Bộ GTVT cho biết là Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 về “một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, trong đó đề ra nhiệm vụ và giải pháp phải thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý giữa trung ương và địa phương.
Tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 đã được Đại hội XIII của Đảng thông qua, trong đó cũng xác định một trong ba đột phá chiến lược là “Tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là ưu tiên phát triển hạ tầng trọng yếu về giao thông...” với mục tiêu “Đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc, trong đó đến năm 2025 hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông”. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2030 cũng khẳng định việc thực hiện “Đổi mới mạnh mẽ phân cấp, phân quyền, ủy quyền và nâng cao hiệu quả phối hợp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn giữa Trung ương và địa phương. Kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế địa phương và kinh tế vùng trên cơ sở phát huy hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, địa phương”.
Theo quy định tại Luật PPP số 64/2020/QH14 ngày 18/6/2020 “Trường hợp dự án thuộc phạm vi quản lý của nhiều cơ quan có thẩm quyền, hoặc trong trường hợp thay đổi cơ quan có thẩm quyền, các cơ quan này báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định giao một cơ quan làm cơ quan có thẩm quyền”.
Tại Thông báo số 92/TB-VPCP ngày 3/5/2021 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo “khuyến khích giao UBND các tỉnh có nguồn lực về ngân sách, năng lực, kinh nghiệm trong quản lý đầu tư để thực hiện nhiệm vụ là cơ quan có thẩm quyền triển khai các dự án đường bộ cao tốc qua địa bàn nhằm chủ động huy động, sử dụng các nguồn lực của địa phương, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, phát huy tính chủ động, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác GPMB và cung cấp nguồn vật liệu xây dựng…Nguyên tắc là triển khai đường bộ cao tốc qua địa phương nào, địa phương đó phải chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng từ nguồn vốn tự có đã được phân bổ, việc hỗ trợ ngân sách trung ương phải được Chính phủ xem xét cân nhắc kỹ và chỉ hỗ trợ một phần”.
Như vậy, việc giao UBND tỉnh Quảng Trị là cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo theo phương thức PPP, theo Bộ GTVT, là phù hợp với chủ trương của Đảng, Chính phủ và quy định pháp luật.
“Bộ GTVT thống nhất và đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định, Bộ GTVT sẽ phối hợp trong quá trình triển khai thực hiện”, ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết.
UBND tỉnh Quảng Trị vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đầu tư tuyến cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo trong giai đoạn 2026 – 2030.
Theo đó, UBND tỉnh Quảng Trị kiến nghị Thủ tướng, Bộ GTVT xem xét, chấp thuận bổ sung vào Đề án thực hiện xây dựng đường bộ cao tốc giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 để triển khai đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo theo phương thức PPP và giao địa phương này làm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Được biết, tuyến cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo có chiều dài tuyến 70km, đầu tư theo tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe, bề rộng nền đường 17 m. Tổng mức đầu tư Dự án dự kiến khoảng 7.700 tỷ (trong đó vốn nhà nước từ ngân sách Trung ương hỗ trợ khoảng 28,31%), thời gian hoàn vốn 19 năm.
Hiện nay giao thông từ Cam Lộ lên cửa khẩu Lao Bảo phụ thuộc hoàn toàn Quốc lộ 9. Tuyến đường này đã mãn tải từ lâu, thời gian gần đây đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trên, gây khó khăn cho các hoạt động thương mại trên Quốc lộ 9, cửa khẩu quốc tế Lao Bảo.
TP.HCM: Thêm hai đoàn tàu tuyến Metro số 1 cập cảng Khánh Hội
Sáng 13/7, Hai đoàn tàu thứ 6 và 7 của tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đã cập cảng Khánh Hội thành công.
Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cho biết, hai đoàn tàu này nằm trong tổng số 17 đoàn tàu được sản xuất cho tuyến Metro số 1, vận chuyển từ Nhật Bản về TP.HCM (khu vực Depot TP.Thủ Đức).
Tàu vận chuyển hai đoàn tàu cập cảng vào lúc 8 giờ sáng ngày 13/7. |
Trước đó, vào tháng 6/2021, hai đoàn tàu thứ 4 và 5 của tuyến Metro số 1 cũng được vận chuyển về khu vực Depot TP.Thủ Đức .
Đại diện Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cho biết thêm, việc nhập khẩu và vận chuyển thành công các đoàn tàu đầu tiên của tuyến metro số 1 là một trong các dấu mốc rất quan trọng của Dự án, đánh dấu việc chính thức chuyển giai đoạn của dự án từ tập trung thi công xây lắp sang giai đoạn tiến hành thử nghiệm - vận hành.
Trong thời gian tới, đoàn tàu sẽ được tiến hành vận hành thử nghiệm theo từng giai đoạn như: Vận hành thử nghiệm trong depot; Vận hành thử nghiệm từ Depot đến Bình Thái; Vận hành thử nghiệm từ Depot đến Tân Cảng và cuối cùng là toàn tuyến cùng với việc thử nghiệm vận hành 11 hệ thống khác.
Quảng Nam bán đấu giá hơn 1,3 triệu mét khối vật liệu nạo vét sông Cổ Cò
Hơn 1,3 triệu mét khối vật liệu nạo vét sông Cổ Cò, tỉnh Quảng Nam sẽ được đấu giá công khai.
UBND tỉnh Quảng Nam vừa phê duyệt Phương án quản lý, thu hồi, bán đấu giá nguồn vật liệu sau nạo vét Dự án Nạo vét, thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò, thành phố Hội An.
Một đoạn Sông Cổ Cò chưa được khơi thông. Ảnh: H.A |
Theo đó, khối lượng nạo vét theo thiết kế: 1.399.292 m3 (trong đó cát hạt trung, hạt to, cát pha khoảng 1.159.406 m3 và phù sa, bùn lỏng, hữu cơ khoảng 239.886 m3). Thời gian thi công nạo vét từ ngày 30/7/2020 đến ngày 05/7/2022.
Phương án thu hồi nguồn vật liệu sau nạo vét sông Cổ Cò: Tổ chức bán đấu giá công khai theo quy định. Hình thức đấu giá: Thực hiện theo hình thức đấu giá bằng phiếu.
UBND tỉnh Quảng Nam giao Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh chịu trách nhiệm thuê tổ chức đủ tư cách pháp nhân có chức năng đấu giá tài sản để tổ chức đủ tư cách pháp nhân có chức năng bán đấu giá và phải lựa chọn tổ chức đấu giá; phải thực hiện trình tự, thủ tục đấu giá tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản.
Khối lượng vật liệu nạo vét trên thuộc Dự án Nạo vét, thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò, Thành phố Hội An do Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công tình giao thông tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư. Chiều dài nạo vét 14 km, điềm đầu Km0 + 000 tại phường Cửa Đại và xã Cẩm Thanh (Thành phố Hội An), điểm cuối Km14 + 000 tại phường Điện Dương (Thị xã Điện Bàn).
Mục tiêu đầu tư nhằm tăng cường khả năng thoát lũ, chống xâm ngập mặn, góp phần bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân trong vùng và bảo tồn các di sản văn hóa thế giới đô thi cổ Hội An, đồng thời hoàn thiện tuyến giao thông thủy liên vùng Đà Nẵng - Quảng Nam, tạo quỹ đất cho quy hoạch phát triển du lịch, dịch vụ ven sông và khu dân cư, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội địa phương.
Sông Cổ Cò thuộc địa bàn các phường Cẩm An, Cẩm Châu, Cửa Đại, các xã Cẩm Hà và Cẩm Thanh thuộc thành phố Hội An và phường Điện Dương, thuộc thị xã Điện Bàn. Đây là vùng trầm tích ven biển, địa hình đặc trưng là các bãi trầm tích có độ cao nhỏ xen kẽ giữa các cồn cát. Nền đất chủ yếu là cát hạn nhỏ. Thực vật phủ thích hợp là các loại cây chịu được mặn như dừa nước, bèo...
Đà Nẵng quy hoạch phát triển đô thị nén
Không có lựa chọn khác để Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế trọng điểm miền Trung nếu không định hướng phát triển đô thị nén.
Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng vừa có buổi làm việc với Liên danh tư vấn quy hoạch thành phố về báo cáo sơ bộ “Dự án quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Đà Nẵng quy hoạch dựa trên 3 trụ cột chính là Du lịch, Chế xuất và dịch vụ logistic, Kinh tế tri thức. |
Tại buổi làm việc này, ông Đặng Huy Đông, Nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đại diện đơn vị Liên danh tư vấn quy hoạch cho rằng: Không có lựa chọn khác để Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế trọng điểm miền Trung nếu không định hướng phát triển đô thị nén.
Theo ông Đặng Huy Đông, TP. Đà Nẵng cần xác định phát triển đô thị nén nhằm tối đa hóa mật độ kinh tế trên một diện tích lãnh thổ, nâng cao giá trị sử dụng đất, nâng cao tốc độ tăng trưởng GDP. Đà Nẵng cần phát triển từ khu vực trung tâm thành phố, mở rộng dần theo thời gian, theo hình thức “cuốn chiếu”, phát huy tối đa hiệu quả sử dụng đất đai của từng khu, tuân thủ theo quy hoạch cung cầu bảo đảm tối ưu hóa hiệu quả sử dụng đất để tăng thu ngân sách và đẩy nhanh tốc độ quay vòng vốn cho chủ đầu tư.
Với mục tiêu phát triển đô thị nén, đơn vị Liên danh tư vấn phân kỳ thực hiện quy hoạch dựa trên 3 trụ cột chính là Du lịch, Chế xuất và dịch vụ logistic, Kinh tế tri thức.
Trong giai đoạn 2021 - 2030, TP.Đà Nẵng cần phát triển khu trung tâm quận Hải Châu và vịnh Đà Nẵng, phát triển Trung tâm Chế xuất và trung chuyển hàng hóa miền Trung, phát triển kinh tế tri thức. Đơn vị tư vấn đưa ra giải pháp quy hoạch các khu đô thị nén cung cấp nhà ở cho cư dân của thành phố cũng như các dịch vụ lưu trú, thương mại cho du khách tại khu vực trung tâm; các nhà ga tàu điện ngầm; giải pháp xây dựng tuyến MRT ngầm két nối khu trung tâm, cho phép chuyển tiếp giữa các phương thức giao thông liền mạch, giúp người dân và du khách dễ dàng di chuyển từ trục đường chính đến các trục đường, khu phố đi bộ...
Về giải pháp phát triển Khu đô thị dịch vụ thương mại, TP.Đà Nẵng cần đặt gần Khu chế xuất hàng xuất khẩu với Trung tâm là nhà ga đường sắt và bến ô tô đường bộ cao tốc hiện đại liên thông, kết nối thuận lợi với cảng Liên Chiểu, Sân bay Đà Nẵng. Khu chế xuất hàng xuất khẩu theo mô hình công xưởng cao tầng, nhằm tiết kiệm diện tích đất và nâng cao mật độ kinh tế, nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
“Chúng ta không có đủ nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ cho một đô thị dàn trải nên việc phát triển thành phố cần có trọng tâm, trọng điểm theo từng thời kỳ theo hình thức "cuốn chiếu", đi từ lõi phát triển ra, làm đến đâu hoàn thiện đến đó để sớm phát huy hiệu quả đầu tư toàn xã hội”, ông Đông đề xuất.
Phát biểu tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, ông Nguyễn Văn Quảng đánh giá cao nhà thầu Liên doanh tư vấn, trong thời gian ngắn nhưng đã thực hiện bản báo cáo dài 280 trang và có những cách tiếp cận gần với các vấn đề của thành phố.
Đề cập đến đô thị nén mà nhà tư vấn thể hiện trong báo cáo, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh quan điểm phát triển đô thị nén của dự án không nằm ngoài định hướng của thành phố. Tuy nhiên, phạm vi thực hiện đô thị nén của thành phố không tập trung đại trà mà sẽ thực hiện ở một số khu vực trung tâm, cụ thể là quận Hải Châu, Thanh Khê và một phần của quận Sơn Trà.
Về 3 trụ cột kinh tế, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đề nghị đơn vị tư vấn cần nghiên cứu phù hợp hơn, nội hàm khái niệm "kinh tế trí thức" cần rộng hơn.
Trên cơ sở định hướng, đơn vị tư vấn tiếp tục phân tích kỹ về hướng thực tiễn phát triển thành phố, với mục tiêu không phát triển dàn trải mà tập trung có trọng tâm, trọng điểm; tập trung các ngành kinh tế thành phố có thế mạnh như kinh tế biển, dịch vụ tài chính, kinh tế trí thức... cũng như phân tích các yếu tố liên quan đến xã hội.
Ông Quảng cũng đề nghị các đơn vị cần bổ sung thêm các căn cứ lập quy hoạch, trong đó chú ý những văn bản, Nghị quyết sát với thực tiễn, đặc biệt là tầm nhìn và định hướng phát triển thành phố đã được nêu trong "Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045".
Để hoàn thiện quy hoạch của thành phố vào cuối năm 2021, ông Nguyễn Văn Quảng đề nghị Ban cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương liên quan có sự chủ động trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ; trong đó phải có lộ trình, kế hoạch cụ thể và cung cấp số liệu phù hợp để nhà tư vấn thực hiện đúng tiến độ.
“Chưa đầy 6 tháng nữa chúng ta sẽ thông qua quy hoạch, nếu không triển khai quyết liệt sẽ không có một sản phẩm đảm bảo. Phải có lộ trình và kế hoạch cụ thể, nếu có khó khăn, vượt thẩm quyền xử lý thì phải báo cáo Ban Thường vụ để kịp thời tháo gỡ, xử lý”, ông Quảng đốc thúc hoàn thiện dự án quy hoạch thành phố Đà Nẵng.
Hà Tĩnh đề xuất chuyển 24 ha đất rừng làm Dự án Nhiệt điện Vũng Áng II
Văn phòng UBND tỉnh Hà Tĩnh cho hay, UBND tỉnh này vừa có tờ trình gửi HĐND tỉnh Hà Tĩnh xem xét, cho phép chuyển đổi 24,4 ha đất rừng sang thực hiện Dự án nhà máy Nhà máy nhiệt điện BOT Vũng Áng II.
Phối cảnh Dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Vũng Áng II |
Theo đó, diện tích có rừng cần chuyển mục đích sử dụng sang làm Dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Vũng Áng II là 24,42 ha để thực hiện các hạng mục tuyến ống xỉ, bãi xỉ, đường xả ông làm mát, trạm bơm, khu vực tổ hợp thiết bị. Trong đó, rừng phòng hộ 9,95 ha; rừng sản xuất 9,31 ha và 5,16 ha ngoài quy hoạch 3 loại rừng. Số diện tích đất rừng trên địa bàn các xã Kỳ Lợi, Kỳ Trinh, Kỳ Thịnh, thuộc TX. Kỳ Anh.
Theo tìm hiểu, ngày 2/3/2009, Chính phủ đồng ý cho Công ty cổ phần Nhiệt điện Vũng Áng II (Công ty VAPCO) phát triển dự án nhiệt điện Vũng Áng II theo hình thức BOT gồm 3 cổ đông với tỷ lệ góp vốn: Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) 25%, Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh (REE) 23%, Công ty One Energy (Hồng Kông) 30%. Số cổ phần còn lại (22%) do các cổ đông khác nắm giữ.
Đến tháng 9/2011, LILAMA chuyển nhượng toàn bộ cổ phần nêu trên cho REE. Tháng 8/2012, Công ty VAPCO chỉ còn 2 cổ đông chính là REE và One Energy. Trong đó, REE nắm giữ 51,55% cổ phần và One Energy nắm giữ 48,45% cổ phần.
Tháng 4/2018, REE tiếp tục chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại Công ty VAPCO cho One Energy.
Tuy nhiên, cuối năm 2020, Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc (KEPCO) đã mua lại 40% cổ phần tại dự án điện Vũng Áng II. Hiện tại, "ông lớn" Mitsubishi cùng với 1 doanh nghiệp ngành điện của Nhật Bản đang nắm giữ 60% cổ phần còn lại tại VAPCO.
Dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Vũng Áng II có tổng mức đầu tư 2,2 tỷ USD, công suất 1.320 MW, đầu tư theo hình thức BOT tại xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh.
Theo báo cáo tiến độ thực hiện dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Vũng Áng 2 của VAPCO ngày 16/7/2019, các hợp đồng dự án (hợp đồng BOT, hợp đồng mua bán điện (PPA) và Bảo lãnh Chính phủ (GGU), hợp đồng thuê đất (LLA) đã được ký tắt), phía VAPCO đã hoàn tất. Dự kiến sẽ khởi công vào cuối tháng 4, đầu tháng 5/2021. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi diễn biến phức tạp từ dịch Covid-19 nên ảnh hướng tới tiến độ dự án.
Nhà máy được xây dựng tại Khu kinh tế Vũng Áng - tỉnh Hà Tĩnh và là dự án BOT nhiệt điện sử dụng than nhập khẩu. Dự án có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế khu vực phía Bắc, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Được biết, dự kiến nhà máy điện BOT Vũng Áng II khi vận hành sẽ đáp ứng 8,529 GWh/năm cho nhu cầu phụ tải điện của Việt Nam.
Dự án điện gió 10 tỷ USD sẵn sàng khảo sát địa chất ngoài khơi
Công ty CP Phát triển Dự án Điện gió La Gan vừa ký hợp đồng khảo sát địa chất ngoài khơi quan trọng cho Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn có tổng vốn đầu tư 10 tỷ USD.
Dự án Điện gió La Gàn đã sẵn sàng cho khảo sát thực địa ngoài khơi. |
Công ty Cổ phần Phát triển Dự án Điện gió La Gan, đơn vị phát triển Dự án trang trại điện gió ngoài khơi La Gàn với công suất 3,5 GW thuộc sở hữu của CopenhagenInfrastructure Partners, Asiapetro và Novasia, vừa ký hợp đồng khảo sát địa chất ngoài khơi quan trọng.
Hợp đồng khảo sát Địa kỹ thuật La Gàn với Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro, công ty do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sở hữu một phần. Lễ ký kết đượctiến hành trực tuyến dưới sự chứng kiến của Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam, Ngài Kim H.Christensen, để đảm bảo an toàn trong tình hình diễn biến gần đây của dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam.
Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam, ông Kim H. Christensen cho biết: "Với việc ký kết hợp đồng khảo sát này, các nhà đầu tư của Dự án Điện gió Ngoài khơi La Gàn tái khẳng định cam kết nghiêm túc của mình tiếp tục thúc đẩy thực hiện dự án nhanh chóng theo kế hoạch đã đề ra, bất chấp những khó khăn và thách thức do đại dịch Covid-19 gây ra".
Theo bà Maya Malik, Giám đốc điều hành của Công ty Cổ phần Phát triển Dự án Điện gió La Gan, "Khảo sát địa kỹ thuật là những công việc then chốt giúp các dự án điện gió ngoài khơi hiểu được hiện trạng đáy biển và tiến hành phát triển các mô hình mặt đất và thiết kế móng trụ. Chúng tôi rất tự hào là một trong những dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn đầu tiên tại Việt Nam ký kết các hợp đồng khảo sát địa kỹ thuật ngoài khơi này.
Bà bà Maya Malik cho biết, với tư cách là nhà phát triển dự án có trách nhiệm và giàu kinh nghiệm, Công ty Cổ phần Phát triển Dự án Điện gió La Gan tin tưởng khi hợp tác với Vietsovpetro và các nhà thầu phụ uy tín của họ để đảm bảo tiến hành các hoạt động khảo sát theo các tiêu chuẩn cao nhất về an toàn, môi trường và xã hội.
Kể từ khi ký kết Bản ghi nhớ với Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận vào tháng 7 năm 2020, Dự án Điện gió Ngoài khơi La Gàn đã tích cực tiến hành các hoạt động phát triển dự án.
Với vốn đầu tư ước tính lên đến 10 tỷ USD và công suất 3,5 GW, đây là một trong những dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn đầu tiên tại Việt Nam.
Theo một nghiên cứu về tác động kinh tế do các chuyên gia quốc tế từ BVG Associates (đơn vị tư vấn của ngân hàng Thế giới) thực hiện, dự án sẽ đóng góp hơn 4,4 tỷ USD cho nền kinh tế Việt Nam trong suốt thời gian thực hiện dự án.
Dự án cũng dự kiến tạo ra hơn 45.000 việc làm toàn thời gian (FTE) cho các lao động trong nước tại Việt Nam, trong đó 1 đơn vị FTE tương đương với 1 việc làm trong thời gian 1 năm. Khi xây dựng hoàn thiện, dự án dự kiến sẽ cung cấp điện cho hơn 7 triệu hộ gia đình Việt Nam mỗi năm và giúp giảm phát thải 130 triệu tấn khí thải CO2 trong suốt vòng đời dự án.
Đầu tư 11.505 tỷ đồng mở rộng 24 km cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây
Khoảng 24/55 km đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây từ TP.HCM đến thị trấn Long Thành, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai sẽ được mở rộng từ 4 lên 8 làn xe.
Ban quản lý Dự án Mỹ Thuận vừa trình Bộ GTVT Báo cáo đầu kỳ kết quả nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thàng - Dầu Giây.
Một đoạn cao tốc Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây qua Tp.HCM. |
Theo đó, đoạn tuyến được đề xuất đầu tư mở rộng là tại vị trí sau cầu Bà Dạt (Km0+800), phường An Phú, thành phố Thủ Đức, TP.HCM; điểm cuối đoạn đề xuất đầu tư mở rộng là tại vị trí giao cắt dự kiến với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (Km24+558), thị trấn Long Thành, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Tổng chiều dài đoạn đề xuất đầu tư mở rộng 24 km/55 km chiều dài toàn tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Trên cơ sở quy mô giai đoạn 1 của Dự án đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư vào năm 2007, Tư vấn kiến nghị quy mô mở rộng đoạn An Phú – Vành đai 2 (Km0+000 – Km4+514) là đường đô thị, tốc độ thiết kế 100km/h; đoạn từ Vành đai 2 - Long Thành - Dầu Giây (Km4+514 - Km54+983) là đường cao tốc loại A, tốc độ thiết kế 120 km/h; riêng cầu Long Thành tốc độ thiết kế 100 km/h
Về quy mô mặt cắt ngang, đối với đoạn An Phú - Vành đai 2 (Km0+000 – Km4+514), đơn vị tư vấn đề xuất mở rộng ra mỗi bên 4,75m để đạt quy mô 8 làn xe, chiều rộng nền đường 36 m. Đoạn từ Vành đai 2 - nút giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (Km4+514 – Km24+558) sẽ ở rộng ra mỗi bên 7,5m để đạt quy mô 8 làn xe, chiều rộng nền đường 42,5 m
Đối với mặt cắt ngang phần cầu, đoạn An Phú - vành đai 2 (Km0+000 – Km4+514) sẽ mở rộng ra mỗi bên 5,25 m để đạt quy mô 8 làn xe, chiều rộng cầu tổng cộng là 37 m; đoạn vành đai 2 - nút giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (Km4+514 – Km24+558) sẽ mở rộng ra mỗi bên 7,5 m để đạt quy mô 8 làn xe, chiều rộng cầu tổng cộng là 41,5m.
Trước đây, Bộ GTVT đã thống nhất UBND TP.HCM sẽ đầu tư trước giai đoạn 1 cho nút giao An Phú. Tuy nhiên, hiện nay, UBND TP.HCM đã thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng nút giao thông An Phú trong giai 10 đoạn 2021 -2025 (Nghị quyết số 11/NQ-HĐND ngày 22/4/2021), trong đó thành phố sẽ đầu tư hoàn thiện của nút giao An Phú để phù hợp với qui mô 8 làn xe sau khi mở rộng của cao tốc. Do đó, trong phạm vi nghiên cứu mở rộng Dự án sẽ chỉ đầu tư phần đường từ sau nút giao An Phú (dự kiến từ Km0+800).
Tổng vốn thực hiện Dự án vào khoảng 11.505,6 tỷ đồng, trong đó chi phí GPMB là 405 tỷ đồng, chi phí xây dựng là 8.306 tỷ đồng; phần còn lại là dự phòng; tư vấn và quản lý dự án…Nếu được cơ quan có thẩm quyền thông qua, thời gian thực hiện Dự án là từ năm 2021-2025.
Theo dự báo lưu lượng giao thông của Tư vấn, đoạn từ nút giao An Phú đến nút giao Long Thành quy mô 4 làn xe hiện nay đã mãn tải và đến năm 2025 sẽ vượt quá 25% năng lực thông hành; đoạn từ nút giao Long Thành đến Dầu Giây đảm bảo khai thác quy mô 4 làn xe đến năm 2030; đoạn từ nút giao Dầu Giây đến Phan Thiết đảm bảo khai thác quy mô 4 làn xe đến năm 2050.
Ban quản lý dự án Mỹ Thuận cho rằng kết quả tính toán như trên cơ bản phù hợp với kết quả nghiên cứu của Quy 11 hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Tổng Cục đường bộ Việt Nam đang thực hiện.
Như vậy, nếu đến năm 2025 tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây chưa được đầu tư mở rộng đoạn An Phú - Long Thành thì ảnh hưởng nghiêm trọng năng lực thông hành của đoạn tuyến cao tốc này (nhu cầu vượt 25% so với năng lực thông hành).
Được biết, vào tháng 5/2020, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đã có thư gửi đến Bộ GTVT về việc chuyển bức thư của Thứ trưởng phụ trách các dự án nước ngoài HIRAI Hideki, Bộ đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản (Bộ MLIT). Theo đó, Bộ MLIT Nhật Bản thể hiện sự quan tâm: mong muốn tiếp tục được hợp tác, hỗ trợ để thực hiện Dự án mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, trong đó bao gồm cả cách thức triển khai dự án bằng nguồn vốn ODA và sau khi được mở rộng dự án được vận hành và bảo dưỡng theo hình thức chuyển nhượng quyền khai thác.
Hải Dương phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn
Phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025 của tỉnh Hải Dương đã được HĐND tỉnh thông qua.
Dự kiến phương án cân đối vốn ngân sách nhà nước 5 năm 2021 - 2025 của tỉnh Hải Dương là trên 23.199 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách trung ương trên 3.643 tỷ đồng (gồm vốn trong nước trên 3.233 tỷ đồng, vốn ODA là 409,7 tỷ đồng), vốn ngân sách địa phương trên 19.556 tỷ đồng.
Hải Dương sẽ tiếp tục tập trung ưu tiên nguồn lực cho các công trình trọng điểm, mang tính động lực, kết nối liên vùng và tạo ra giá trị gia tăng mới ngay khi hoàn thiện. |
Với nguồn vốn ngân sách Trung ương, tỉnh dành 26 tỷ đồng cho 2 Dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi và thủy sản. Đồng thời, phân bổ trên 510 tỷ đồng cho 1 dự án thuộc lĩnh vực giao thông. Đó là công trình xây dựng tuyến đường trục Đông - Tây với tổng vốn đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng.
Với dự án khởi công mới giai đoạn 2021 - 2025, dự kiến phân bổ cho 4 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi và thủy sản (với số tiền trên 353 tỷ đồng) và 5 dự án giao thông (trên 1.584 tỷ đồng). Các dự án giao thông gồm Đường 396 kéo dài, đoạn nối ĐT 391 đến nút giao đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; Cầu Đồng Việt và đường dẫn; Cầu An Đồng và đường dẫn; Tuyến đường từ cầu Triều đến ĐT 389; Tuyến tránh ĐT 398B, đoạn Quốc lộ 18 - hồ Bến Tắm.
Đối với vốn ODA, Hải Dương dự kiến phân bổ cho 2 dự án đã có trong kế hoạch đầu tư giai đoạn 2016 - 2020 và đã ký kết hiệp định vay vốn. Đó là Dự án Xây dựng doanh trại Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực của Phòng Cảnh sát chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thuộc Công an tỉnh Hải Dương.
Còn việc phân bổ vốn ngân sách địa phương, tỉnh sẽ tiến hành phân bổ chi tiết theo Luật Đầu tư công và các quy định pháp luật hiện hành sau khi Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ có quyết định giao kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách địa phương 5 năm 2021 - 2025.
Ông Phạm Xuân Thăng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương đề nghị UBND tỉnh Hải Dương khẩn trương chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, nhất là những dự án, công trình đã bố trí vốn. Tập trung nguồn lực tiếp tục hoàn thành các công trình trọng điểm đã triển khai bảo đảm đúng tiến độ.
“Tỉnh Hải Dương chỉ giao kế hoạch vốn cho các dự án đã đủ thủ tục đầu tư được cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của Luật Đầu tư công. Các dự án mới phải đảm bảo thời gian bố trí vốn thực hiện dự án nhóm A không quá 6 năm, nhóm B không quá 4 năm và nhóm C không quá 3 năm”, ông Thăng nhấn mạnh.
Tỉnh sẽ tiếp tục tập trung ưu tiên nguồn lực cho các công trình trọng điểm, mang tính động lực, kết nối liên vùng và tạo ra giá trị gia tăng mới ngay khi hoàn thiện. Đó phải là những dự án lớn, tạo động lực mới, không gian mới trong tăng trưởng kinh tế; kiên quyết không bố trí vốn đầu tư manh mún, nhỏ lẻ...
UBND tỉnh cũng đang khẩn trương chỉ đạo rà soát lại toàn bộ danh mục dự án đầu tư công và xây dựng nguyên tắc xuyên suốt về phân bổ vốn đầu tư công theo hướng hạn chế thấp nhất việc chia nhỏ nguồn vốn đầu tư công cho các dự án nhỏ lẻ, mang tính nâng cấp, sửa chữa...
Trong chỉ đạo, điều hành, ông Triệu Thế Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương khẳng định tính cấp thiết của việc các cấp, các ngành phải sớm lập kế hoạch giải ngân cụ thể, chi tiết cho từng dự án và thành lập các tổ công tác của UBND tỉnh để thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, xử lý các dự án chậm tiến độ.
“Hải Dương sẽ kiên quyết điều chuyển vốn từ các dự án chưa giải ngân được sang các dự án đã có khối lượng thi công để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và sẽ xem xét trách nhiệm của chủ đầu tư nếu không giải ngân được”, ông Hùng cho biết.