Những dự án “siêu treo”
Những bức tường xây kiên cố giăng kín dây thép gai bao quanh những khu đất trống. Phía trong mặt bằng dự án với những khung bê tông trơ trọi với những lõi sắt hoen gỉ… Đó là hiện trạng của nhiều dự án khu du lịch ven biển dọc tuyến đường từ bán đảo Sơn Trà (TP. Đà Nẵng) đến cửa Đại (TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam).
Khu resort và khách sạn du lịch Hoàng Anh Gia Lai do Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai làm chủ đầu tư cách danh thắng Ngũ Hành Sơn chỉ vài chục mét. Tháng 7/2005, UBND TP. Đà Nẵng giao hơn 45 ha cho chủ đầu tư với giá thuê đất chỉ gần 22.000 đồng/m2, với thời hạn 50 năm và được ưu tiên thanh toán theo từng năm. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm, Công ty này vẫn chưa làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Vì vậy, UBND TP. Đà Nẵng yêu cầu các ngành liên quan tham mưu hướng xử lý.
Dự án của Công ty cổ phần Hòn Ngọc Á Châu đã bất động 7 năm qua. Ảnh: Nguyên Phương |
Trong khi các ban, ngành đang “tìm hướng xử lý”, thì mặt bằng có diện tích 45 ha đó đã biến thành bãi rác khổng lồ với đủ loại chất thải rắn, phế phẩm cao su… gây ô nhiễm môi trường và mỹ quan đô thị. Ông Lê Văn Bảy (tổ 109, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng) bức xúc nói: “Chủ đầu tư không làm thì Thành phố phải thu hồi trả lại cho nhân dân, việc tồn tại một bãi rác khổng lồ trong khu dân cư như vậy là không được”.
Với “thâm niên bất động” 7 năm, Dự án Khu du lịch ven biển Hòn Ngọc Á Châu của Công ty CP Hòn Ngọc Á Châu (phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) cũng trở thành nỗi bức xúc lớn trong dân. Đầu năm 2008, UBND TP. Đà Nẵng giao 170 ha đất ven biển và cấp giấy chứng nhận cho nhà đầu tư. Thay vì gấp rút triển khai dự án, doanh nghiệp này lại nhiều lần xin điều chỉnh quy hoạch, giãn tiến độ thực hiện, thay đổi một số loại hình kinh doanh dịch vụ du lịch…
Hệ quả là, Dự án kéo dài hết năm này qua năm khác, chính quyền Thành phố nhiều lần nhắc nhở, mời họp để tìm hướng giải quyết, nhưng doanh doanh nghiệp chỉ cử đại diện đến với những lời hứa suông. Gần 10 năm nay, dù dự án nằm trên địa bàn, nhưng ông Lê Tấn Nghĩa, Chủ tịch UBND phường Khuê Mỹ cũng không biết chủ đầu tư là ai, vì sau rất nhiều lần thông báo thu tiền thuế đất phi nông nghiệp, nhưng không có bất kỳ ai tới để thực hiện nghĩa vụ tối thiểu này với địa phương.
Khẩn trương và thận trọng
15 năm qua, TP. Đà Nẵng đã cấp phép cho 52 dự án đầu tư ven biển, với tổng vốn đăng ký 58.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, mới chỉ có 20 dự án đi vào hoạt động. Nhiều dự án bị UBND Thành phố “thổi còi”, chỉ đạo rà soát, thực hiện các thủ tục thu hồi như: Trường Dạy nghề lướt ván của Công ty TNHH Dịch vụ phát triển Việt; Khu phố nhà vườn - biệt thự Thanh Bình; Khu du lịch Đệ Nhất; Dự án Khu thể thao giải trí Huy Khánh; Khu du lịch Biển Đông mở rộng; Khu nghỉ mát Bãi Trẹm...
Quỹ đất của TP. Đà Nẵng ngày càng thu hẹp, trong khi những dự án được giao đất, cấp giấy chứng nhận đầu tư nhiều năm không triển khai, mua đi bán lại, sang nhượng kiếm lời. Nhiều dự án giao đất 12 năm nay vẫn “án binh bất động”. Hàng trăm héc-ta đất thuộc các dự án ven biển bị bỏ hoang.
Ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng cho rằng, kể từ ngày 1/7/2014, khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực, việc thu đất của các dự án chậm triển khai đã được quy định rất rõ ràng, cụ thể. Theo đó, tại điểm i, khoản 1, Điều 64 quy định: “Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng; trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này”.
Trên tinh thần đó, UBND Thành phố đang chỉ đạo xử lý lần lượt từng dự án và Dự án Công nghệ Thông tin sẽ được xử lý trước tiên, sau đó, Sở Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường và Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ họp bàn rút kinh nghiệm để thống nhất phương pháp thực hiện, ông Điểu cho biết.
Ông Trần Đình Quỳnh, Chánh văn phòng, đồng thời là người phát ngôn của UBND TP. Đà Nẵng cho biết, Thành phố sẽ kiên quyết thu hồi các dự án không triển khai, bàn giao đất cho các doanh nghiệp thật sự có nhu cầu đầu tư tại Đà Nẵng. Tuy nhiên, ông Quỳnh cũng cho biết thêm, khẩn trương, nhưng phải làm đúng luật và đúng trình tự quy định, theo lộ trình hợp lý, chứ không thể vội vàng trong ngày một, ngày hai.
Ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Đà Nẵng cho biết, Sở đã báo cáo HĐND việc thu hồi 2 dự án đã giao đất nhưng không triển khai; sẽ tiếp tục làm các thủ tục thu hồi đối với 3 dự án đang chậm tiến độ. Với các dự án khác, Thành phố yêu cầu chủ đầu tư ký cam kết triển khai theo cam kết tại Giấy chứng nhận đầu tư. Thành phố sẽ kiên quyết thực hiện chủ trương, nếu tiến độ của dự án bị chậm 24 tháng thì sẽ bị thu hồi mà không có bồi thường, ông Sơn cho biết.