“Dự án này không phải là dự án mới mà đã được thực hiện trong nhiều năm gần đây, cái mới duy nhất là đầu tư nối các đoạn đã hoàn thành, sắp hoàn thành với nhau. Ngược lại, nếu coi toàn bộ đường cao tốc Bắc Nam là dự án hoàn toàn mới thì phải báo cáo Quốc hội cho chủ trương đầu tư, vì đây là dự án trọng điểm quốc gia thuộc thẩm quyền Quốc hội”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu.
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải, ông Nguyễn Hồng Trường, cần phải tập trung vốn đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông mới tạo động lực phát triển cho nền kinh tế trong tương lai, vì hạ tầng giao thông phải đi trước nhu cầu của nền kinh tế 5-10 năm.
“Trong giai đoạn vừa qua, chúng ta đã tập trung vốn vào tuyến đường Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh, đường đoạn qua Tây Nguyên; các tuyến đường kết nối các khu vực ở đồng bằng sông Cửu Long, Tây Bắc; kết nối Hà Nội đi các tỉnh Tây Bắc”, ông Trường cho biết.
Vẫn theo ông Trường, để bảo đảm nhu cầu vận chuyển hành khách, hàng hoá, đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế, đến năm 2020 phải xây dựng trên 2.000 km đường cao tốc.
“Hiện tại chúng ta đã có khoảng 700 km đường cao tốc, chúng tôi đặt mục tiêu từ nay đến năm 2020 phải đầu tư thêm 1.300-1.500 km đường cao tốc nữa, trong đó ưu tiên đầu tư đường cao tốc Bắc Nam. Nếu không tập trung hoàn thiện đường cao tốc Bắc Nam thì hệ thống giao thông Bắc Nam sẽ quá tải trong vòng 4-5 năm nữa, Quốc lộ 1 sẽ xuống cấp nhanh hơn do quá tải”, ông Trường nói thêm.
Bộ Giao thông - Vận tải đưa ra 3 kịch bản xây dựng đường cao tốc Bắc Nam. “Với kịch bản thấp nhất cũng cần nguồn vốn đầu tư 196.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn nhà nước 30-40% với tư cách là vốn mồi, vốn đối ứng. Vốn của nhà đầu tư khoảng 15%, còn lại phải huy động từ ngân hàng thương mại. Như vậy, từ năm 2017-2020, mỗi năm Nhà nước phải đầu tư 20.000 - 25.000 tỷ đồng cho dự án này”, ông Trường cho biết.
Vẫn theo ông Trường, ngay cả trong trường hợp Nhà nước cấp đủ vốn đối ứng, nhà đầu tư có tiền thì huy việc động vốn của ngân hàng để đầu tư cho dự án đường cao tốc Bắc Nam vẫn hết sức khó khăn. Vì vậy cần phải có cơ chế thu hút nhà đầu tư nước ngoài.
“Vấn đề mấu chốt là nhà đầu tư nước ngoài chỉ tham gia khi và chỉ khi phía Việt Nam đáp ứng 2 điều kiện là phải bảo lãnh tỷ giá, bảo lãnh về doanh thu. Bảo lãnh về doanh thu có thể thực hiện được trên cơ sở tính toán lưu lượng xe tham gia giao thông và tốc độ phát triển của phương tiện giao thông hằng năm. Còn bảo lãnh tỷ giá thì không có cơ chế nên đã có một số nhà đầu tư nước ngoài có định tham gia đầu tư vào hệ thống đường bộ của Việt Nam, nhưng mình không bảo lãnh tỷ giá nên họ từ bỏ ý định đầu tư vì họ đầu tư bằng đồng USD, thu hồi vốn (qua thu phí giao thông) bằng VND, sau đó chuyển sang USD, nếu VND mất giá so với USD họ không bảo đảm lợi nhuận như tính toán ban đầu”, ông Trường nói thêm.
Ông Trường cho rằng, trong trường hợp không kêu gọi được nhà đầu tư nước ngoài, vốn ngân sách nhà nước rất hạn chế, vay ngân hàng khó khăn thì có thể phát hành trái phiếu chính phủ riên cho Dự án đường cao tốc Bắc Nam đồng thời phải ngân sách nhà nước phải cấp đủ vốn đối ứng. Không thể sử dụng toàn bộ nguồn vốn trung hạn đầu tư cho lĩnh vực giao thông đường bộ để tập trung cho Dự án đường cao tốc Bắc Nam, vì như vậy, gần như toàn bộ các dự án giao thông đường bộ khác đều phải dừng lại, kể cả dự án cần thiết, cấp bách.
“Còn một nguồn vốn nữa rất lớn vừa được vay dài hạn vừa được vay với lãi suất thấp đó là vốn ODA. Vấn đề là hằng năm ngân sách nhà nước phải cân đối đủ vốn đối ứng cho các dự án sử dụng vốn ODA, nếu không nhà tài trợ sẽ ngừng giải ngân”, ông Trường đề xuất.
“Đã là đầu tư, kinh doanh thì phải thực hiện nguyên tắc lời ăn, lỗ chịu chứ không có chuyện bảo lãnh tỷ giá hay bảo lãnh doanh thu”, Phó chủ tịch Quốc hội, ông Phùng Quốc Hiển dứt khoát đồng thời bày tỏ quan điểm ủng hộ đầu tư xây dựng Dự án đường cao tốc Bắc Nam.
Dự án đường cao tốc Bắc Nam sử dụng số vốn vô cùng lớn, diện tích giải phóng mặt bằng phục vụ dự án cũng vô cùng lớn, tác động đời sống, sinh hoạt, hoạt động sản xuất, kinh doanh của rất nhiều người dân mà dự án đi qua. Vì vậy, theo ông Hiển, cho dù dự án này bao gồm 22 dự án thành phần thì cũng phải báo cáo Quốc hội cho chủ trương đầu tư.
“Kinh nghiệm làm đường Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên cho thấy, nếu được trình Quốc hội cho ý kiến thì thuận lợi hơn rất nhiều, dự án đầu tư cũng đạt hiệu quả cao hơn, tiết kiệm hơn, giảm được thất thoát, lãng phí”, ông Hiển gợi ý.