Cuộn thép cán nóng đầu tiên của Formosa đạt chất lượng sản phẩm phù hợp với tiêu chuẩn kinh doanh. Ảnh minh hoạ |
Thông tin từ Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh cho biết, vào lúc 11 giờ sáng ngày 25/12/2015, dây chuyền sản xuất thép cuộn đầu tiên của Dự án đã cho ra cuộn thép cán nóng đầu tiên đạt chất lượng sản phẩm phù hợp với tiêu chuẩn kinh doanh.
Ngày 24/12/2015, dâu chuyền sản xuất thép cuộn mới chạy thử và đã chạy thử thành công.
Đây là sự kiện lớn, đánh dấu bước tiến quan trọng của dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất hiện nay tại Việt Nam, lên tới 10,5 tỷ USD.
Dự án Khu liên hợp Gang thép và Cảng nước sâu Sơn Dương của Formosa được cấp chứng nhận đầu tư vào tháng 6/2008 và chính thức khởi công xây dựng tại Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) vào tháng 12/2012, với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.
Ngày 17/9/2015 vừa qua cũng đã đánh dấu bước phát triển mới của Dự án sau khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì nghi thức phát điện thương mại Tổ máy phát điện đốt than số 1.
Dự án Liên hợp Thép Formosa ban đầu dự kiến đưa lò cao số 1 vào hoạt động trong tháng 5/2015, song do sự kiện đập phá trên công trường hồi tháng 5 năm ngoái, nên dự án bị chậm tiến độ so với dự kiến. Kế hoạch sau đó được Formosa công bố là tháng 12 và nay, Dự án đã bắt đầu đi vào hoạt động.
Trước đây có vốn đầu tư 9,9 tỷ USD và mới nâng lên 10,5 tỷ USD vào năm ngoái, Formosa cũng đã từng công bố kế hoạch nâng tổng vốn đầu tư của Dự án lên 27 tỷ USD nhằm đưa Formosa Hà Tĩnh trở thành khu liên hợp gang thép có quy mô lớn nhất Đông Nam Á.
Nếu kế hoạch này thành công, vào năm 2020, Dự án có 6 lò cao, sản lượng thép thô đạt 22,5 triệu tấn. Trong khi đó, Cảng Sơn Dương cũng sẽ được quy hoạch gồm 32 bến tàu, với lượng hàng hóa thông qua cảng là 85 triệu tấn. Ngoài ra, còn có một nhà máy điện với công suất lắp đặt 2.150 MW.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là kế hoạch. Trao đổi với Báo Đầu tư cách đây chưa lâu, đại diện Formosa tại Việt Nam cho biếtTập đoàn vẫn đang “cân nhắc” việc tăng vốn đầu tư ở Việt Nam.
“Chúng tôi còn phải xem xét giai đoạn I hoạt động có hiệu quả không, sau đó cân đối tài chính thu - chi rồi mới quyết định chính thức”, đại diện của Formosa cho biết.
Ở Việt Nam, ngoài Dự án Formosa Hà Tĩnh, Formosa đã đầu tư 1 tỷ USD ở Đồng Nai. Cuối năm 2013, Công ty này cũng đã công bố kế hoạch đầu tư thêm 500 triệu USD vào Việt Nam để mở rộng các nhà máy sản xuất nhựa, dệt sợi tại Đồng Nai. Trong số này, dự kiến có 100 triệu USD dành để đầu tư một nhà máy điện, phục vụ các kế hoạch sản xuất nói trên.
Kế hoạch mở rộng đầu tư này được cho là để đón đầu các cơ hội do việc Việt Nam gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mang lại. Tuy nhiên, hơn 1 năm qua, chưa có nhiều thông tin liên quan đến việc mở rộng đầu tư ở Đồng Nai của Formosa.
Dự án Formosa có nhiều đối tác tham gia góp vốn. Trong số này, ngoại trừ China Steel (nắm giữ 5% vốn) và Sunsco Enterprise (0,037%), thì tất cả đều là các công ty thành viên của Tập đoàn Formosa (Đài Loan). Chẳng hạn, Công ty Hóa dầu Formosa (nắm 14,75%), Công ty Nhựa Đài Loan (14,75%), Công ty Nhựa Nam Á (14,75%); Formosa Plastic Corp. (16%)...
Hiện China Steel Corp. (Đài Loan) đang có kế hoạch nâng tỷ lệ cổ phần trong Dự án Liên hợp thép Formosa Hà Tĩnh lên 25% từ mức 5% hiện tại. Ngoài ra, Tập đoàn JFE (Nhật Bản) cũng muốn mua 5% vốn trong dự án này.